Chấp nhận môi trường bị tàn phá, chính quyền quân sự Thái Lan vượt qua các quy định hiện hành để thu hút đầu tư từ Trung Quốc nhằm vực dậy nền kinh tế ì ạch. Nhưng giới học giả và người dân địa phương không ủng hộ cách thức này.
Một nhà sư Thái Lan dẫn đầu cuộc biểu tình phản đối dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than ở tỉnh Krabi thanh bình, nổi tiếng với cát trắng, vách đá vôi tuyệt đẹp. Ảnh: AP.
Luật sư Somnuk Krodsua vẫn nhớ rõ thời mảnh vườn nhà ông lúc nào cũng bị lớp bụi đen phủ kín hồi cách đây 2 thập kỷ. Ngôi nhà ông ở Krabi, tỉnh phía nam của Thái Lan, nằm cách nhà máy nhiệt điện chạy than vài cây số.
“Tình trạng ô nhiễm hồi đó rất kinh khủng. Chúng tôi không nhìn thấy gì ngoài 20m trở đi vì lúc nào cũng có lớp khói dày đặc”, vị luật sư kể. Nhà máy này đã đóng cửa cách đây 20 năm nhưng năm 2014, ông Somnuk lại nghe chuyện chính phủ định xây một nhà máy điện than mới lớn hơn nhà máy cũ. Lần này ông quyết sẽ ngăn chặn.
Nhà máy điện than công suất 870 megawatt ở Krabi là một trong những dự án phát triển lớn đầu tiên liên quan đầu tư từ Trung Quốc mà chính quyền quân sự Thái Lan đang theo đuổi để khắc phục những năm kinh tế tăng trưởng chậm chạp. “Kinh tế Thái Lan không phát triển như (quân đội) mong muốn.
Chúng tôi đang là nền kinh tế phát triển chậm nhất Đông Nam Á”, bà Pavida Pananond, phó giáo sư ngành kinh doanh quốc tế tại ĐH Thammasat, cho biết.
Kinh tế Thái Lan chỉ tăng 0,8% năm 2014, 2,8% năm 2015 và 3,2% năm 2016. Ngân hàng Thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ duy trì như vậy trong các năm tới, trong khi các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Myanmar đạt mức tăng trưởng trên 6,5% trong 3 năm qua.
Nhưng giới học giả và các nhà hoạt động bày tỏ quan ngại về những dự án đang được chấp thuận nhằm thúc đẩy kinh tế, đặc biệt là việc viện dẫn Mục 44 gây tranh cãi trong hiến pháp để cho phép quân đội thông qua bất kỳ biện pháp nào “phục vụ quá trình cải tổ trong bất kỳ lĩnh vực nào” và bỏ qua một số luật bảo vệ quyền lợi của cộng đồng và môi trường.
Nhưng đối với chính quyền quân sự Thái Lan, đây là giai đoạn nhạy cảm của đất nước sau khi Nhà vua Bhumibol Adulyadej băng hà.
Quân đội Thái Lan lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính vào tháng 5/2014 sau nhiều tháng bất ổn chính trị và cam kết triển khai chương trình cải cách để vượt qua sự chia rẽ chính trị tồn tại dai dẳng ở Thái Lan từ khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ năm 2006.
Tuy nhiên, chương trình cải cách diễn ra chậm chạp hơn mong đợi và chính quyền quân sự Thái Lan đang cố gắng thúc đẩy kinh tế phát triển nhằm khẳng định tính chính danh của họ, các nhà quan sát nhận định.
Trong bối cảnh đó, chính phủ Thái Lan nhìn ra cơ hội từ lời hứa đầu tư của Trung Quốc thông qua sáng kiến “Vành đai - Con đường”.
Sáng kiến đặt mục tiêu tăng cường kết nối và quan hệ kinh tế, chính trị của Trung Quốc với hơn 60 quốc gia ở châu Á, châu Phi và Trung Đông thông qua các dự án hạ tầng.
Dự án này được Trung Quốc đưa ra năm 2013 với mức cam kết đầu tư hơn 100 tỷ USD. Kể từ đó, chính phủ Thái Lan tăng cường phê duyệt các dự án đầu tư. Đầu tháng này, Bangkok phân bổ 5,2 tỷ USD để xây một trong những bộ phận cấu thành chủ chốt của sáng kiến “Vành đai - Con đường”.
Đó là giai đoạn một của tuyến tàu cao tốc kết nối Bangkok với thành phố Nakhon Ratchasima ở miền đông bắc, để cuối cùng kết nối với với tỉnh Nong Khai giáp biên giới với Lào. Dự án này đã bị hoãn 2 năm do một số trở ngại pháp lý mà cuối cùng bị gạt bỏ nhờ việc viện dẫn Mục 44 của hiến pháp.
Theo dự án, Trung Quốc sẽ chọn kỹ sư thực hiện dự án. Luật Thái Lan quy định, các kỹ sư nước ngoài phải thi để được cấp phép làm việc ở nước này. Nhưng trong dự án này, các kỹ sư Trung Quốc sẽ được miễn điều kiện đó. Ngoài ra, việc viện dẫn Mục 44 sẽ giúp dự án không bị một ủy ban mua sắm “soi” như với những dự án trị giá ít nhất 5 tỷ baht (150 triệu USD) khác.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha viện dẫn Mục 44, không lâu sau một diễn đàn lớn về sáng kiến “Vành đai - Con đường” được tổ chức ở Bắc Kinh, nhằm đẩy mạnh phát triển Hành lang kinh tế phía đông (EEC), một trong những dự án phát triển chính của chính phủ nhằm mở rộng các khu công nghiệp ở các tỉnh phía đông của nước này gồm Chonburi, Rayong và Chachoengsao, nơi đang tập trung vào các ngành ô-tô, lọc hóa dầu và điện tử. Các khu công nghiệp mới sẽ bao gồm những ngành công nghiệp giá trị gia tăng như hàng không, tự động hóa, du lịch chữa bệnh…
Trung Quốc đã thể hiện quan tâm và sẽ gặp các quan chức cấp cao của Bộ Công nghiệp Thái Lan vào tháng tới để thảo luận về sự kết nối giữa EEC và đặc khu kinh tế ở thành phố Côn Minh, báo Bangkok Post đưa tin.
Giống nhiều dự án đang được quân đội Thái Lan thúc đẩy, nhà máy điện than ở Krabi do chính phủ trước đề xuất nhưng không được triển khai do người dân địa phương phản đối. Tuyến tàu cao tốc và EEC cũng nằm trên bàn nhiều năm qua nhưng chưa bao giờ được chấp thuận.
Chính phủ Thái Lan bắt đầu dọn đường từ năm ngoái bằng cách ban hành nhiều sắc lệnh nhằm vượt qua các luật về quy hoạch đô thị và đánh giá tác động môi trường.
Vài tháng sau đó, nhiệm vụ xây dựng nhà máy điện than được giao cho một công ty do Tập đoàn Xây dựng năng lượng Trung Quốc và Công ty Phát triển Ý - Thái Lan lập ra, bất chấp sự phản đối của người dân địa phương. Tháng Hai năm nay, Bộ Năng lượng Thái Lan ban lệnh khởi công xây dựng nhà máy. Khoảng 200 người dân địa phương đã kéo đến Bangkok để phản đối.
Chính phủ Thái Lan cũng sử dụng quyền lực tuyệt đối của mình để cho phép biến đất ruộng thành đất phát triển hạ tầng, trong khi nhiều học giả và những người chỉ trích cho rằng, hậu quả đã không được tính đến.
Quá ưu ái Trung Quốc
Sự cân bằng giữa lợi ích của người Thái Lan và của người Trung Quốc là mối quan tâm chính trong giới học giả và những người chỉ trích chính phủ Thái Lan, đặc biệt sau khi Bangkok bày tỏ sẵn sàng thúc đẩy quan hệ quân sự với Bắc Kinh với việc đồng ý mua 3 tàu ngầm trị giá 393 triệu USD/tàu.
Nhiều ý kiến cho rằng, Thái Lan đáng ra có địa vị tốt hơn để đàm phán với Trung Quốc nếu Mỹ và các nước châu Âu không quay lưng với Bangkok sau cuộc đảo chính. Một số điều khoản trong các dự án cũng được cho là quá có lợi cho Trung Quốc. “EEC dường như được thiết kế cho các công ty Trung Quốc”, ông Paul Chambers, chuyên gia về quân sự Thái Lan tại ĐH Naresuan, đánh giá.
Đối với Trung Quốc, Thái Lan là một nhân tố chính để họ phát triển các lợi ích khu vực của mình ở Đông Nam Á do Thái Lan nằm ở vị trí chiến lược của khu vực và hai nước đang có quan hệ tốt.
“Thái Lan được chọn như một cây cầu với ASEAN”, ông Sakkarin Niyomsilpa, chuyên gia về nhân khẩu tại ĐH Mahidol, nhận định. Nhà nghiên cứu này cho rằng, việc Thái Lan không có yêu sách chủ quyền trên biển Đông và có quan hệ từ lâu đời với Trung Quốc cũng là lý do Trung Quốc đầu tư mạnh vào Thái Lan.
Thái Lan không phải nước duy nhất ở khu vực đang nghiêng về Trung Quốc. “Hầu hết các nước trong khu vực đang nghiêng về một Trung Quốc đang lên, đặc biệt dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama khi chiến lược xoay trục sang châu Á của ông ấy có vẻ yếu”, ông Thitinan Pongsudhirak, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh, nhận định.
Ông cho rằng, hiện nay, ông Donald Trump có thể tạo nên thay đổi vì đương kim tổng thống Mỹ không mấy quan tâm vấn đề nhân quyền hay tự do chính trị. “Nếu Mỹ dưới thời ông Trump trở lại, khu vực sẽ cân bằng hơn dù căng thẳng vẫn tồn tại”, ông Thitinan nói.