Chương trình chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên được triển khai đồng bộ, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo và đạt được nhiều kết quả tích cực trên cả 3 trụ cột: Kinh tế số, Chính quyền số, Xã hội số.
Thông tin về hoạt động trong công tác quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, ông Đỗ Xuân Hòa (Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Trong năm 2023, công tác quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông của tỉnh tiếp tục được tăng cường, đảm bảo đúng định hướng; công tác báo chí, xuất bản trên địa bàn đã tuyên truyền kịp thời và toàn diện các mặt đời sống, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Qua đó cũng đã góp phần giúp UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra. Chương trình chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo và đạt được nhiều kết quả tích cực trên cả 3 trụ cột: Kinh tế số, Chính quyền số, Xã hội số. Từ khi ban hành nghị quyết về chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên đã có những bước tiến dài trong cuộc dịch chuyển vào không gian số. Từ chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đã trở thành một phương thức chỉ đạo, vận hành mới của cả hệ thống chính trị; góp phần tạo động lực quan trọng xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc…
Cũng theo ông Hòa: Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có 324 doanh nghiệp công nghệ số; doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt khoảng 815 nghìn tỷ đồng. Thực hiện hỗ trợ trên4.100 lượt cài đặt/bản quyền phần mềm quản trị doanh nghiệp, hóa đơn điện tử, kế toán dịch vụ, chữ ký số,...Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên được cập nhật hơn 2.700 sản phẩm, liên kết với 12 sàn giao dịch của các tỉnh. Hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và các nền tảng livestream bán hàng nông sản đạt hiệu quả cao và ngày càng được nhân rộng.
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 -2025, tầm nhìn đến năm 2030 dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh được được các Sở ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực như:
Kết quả tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thuộc 25 dịch vụ công thiết yếu đã hoàn thành tích hợp 25/25 Dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối liên thông đến Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thái Nguyên, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Thái Nguyên đang tích hợp 1.880 TTHC, trong đó có 760 TTHC được cung cấp toàn trình để phục vụ người dân. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến tháng 10/2023 đã tiếp nhận 612.221 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến; đã xử lý 594.406 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,68%.
Trong công tác phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ 5 nhóm tiện ích (tính đến tháng 10/2023) đã thu nhận 80.645 hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, 975.241 tài khoản định danh điện tử; rà soát, làm sạch được 1.187.850/1.196.145 người tham gia BHXH, BHYT (không bao gồm lực lượng vũ trang, người làm công tác cơ yếu, người có quốc tịch nước ngoài), đạt tỷ lệ 99,3%. Triển khai tạo tài khoản an sinh chi trả chính sách xã hội (chi trả không dùng tiền mặt) cho các đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội.
Đối với việc triển khai các mô hình điểm về chuyển đổi số,UBND tỉnh đã phối hợp với Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ ban hành Kế hoạch phối hợp số 93/KHPH-TCTĐA-UBND để triển khai 21 mô hình điểm về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ, thông tin của tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh từ công tác quản lý khoa học, quản lý công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ,... theo hướng hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, tập trung đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để thu hút, động viên, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội cho hoạt động khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, công tác điều hành, thực hiện cũng sẽ chủ động tiếp cận những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy sự phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đảm bảo đo lường và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Qua đó, sẽ mở rộng quan hệ hợp tác phát triển khoa học công nghệ ở trong và ngoài nước; tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và trung ương trong các lĩnh vực đào tạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 20/4/2023 của UBND tỉnh về chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, tăng cường phối hợp với các đơn vị để tuyên truyền các sự kiện nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội.