Từ ngày 1/7, Bộ GDĐT thực hiện tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 1 của các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông. Hiện Bộ cũng đang lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo tài liệu tập huấn cho thành viên tham gia Hội đồng thẩm định SGK lớp 1, trong đó yêu cầu phải có một bộ chỉ báo tiêu chuẩn trong quá trình thẩm định.
Việc thẩm định SGK cần có một hội đồng thẩm định đủ năng lực và đảm bảo khách quan, công bằng.
Yêu cầu đối với hội đồng thẩm định
Theo thông báo của Bộ GDĐT, từ ngày 1 đến ngày 15/7 là thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định SGK lớp 1. Trong đó, hồ sơ bao gồm, Đơn đề nghị thẩm định SGK, Bản mẫu SGK đề nghị thẩm định, Thuyết minh về bản mẫu SGK đề nghị thẩm định, bao gồm: tên SGK; tên tác giả, chủ biên, tổng chủ biên (nếu sách có chủ biên, tổng chủ biên); mục đích biên soạn, đối tượng và phạm vi sử dụng; cấu trúc, nội dung; quá trình và kết quả thực nghiệm; các thông tin liên quan khác (nếu có). Đồng thời, cần có lý lịch khoa học của các tác giả, chủ biên, tổng chủ biên (nếu sách có chủ biên, tổng chủ biên) và người biên tập.
Bộ GDĐT lưu ý, các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK có nhu cầu thẩm định sách giáo khoa cần thực hiện thông qua đơn vị đề nghị thẩm định là các nhà xuất bản đáp ứng các yêu cầu được quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư 33. Cụ thể, đơn vị đề nghị thẩm định SGK là nhà xuất bản được thành lập theo quy định của pháp luật, trong đó việc tổ chức xuất bản SGK phải được ghi trong giấy phép thành lập nhà xuất bản.
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, hiện tại, Bộ GDĐT đang tiếp nhận các bộ SGK lớp 1 của các tổ chức, cá nhân biên để tới đây sẽ tiến hành thẩm định và lựa chọn ra những SGK chất lượng nhất, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT).
Vấn đề được nhiều người quan tâm đó là việc thẩm định chương trình SGK sắp tới đây sẽ dựa trên tiêu chí nào?
Theo Luật Giáo dục sửa đổi, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK phổ thông, bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đặc biệt, có một “quy định cứng” là ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng đã được thể hiện trong các bộ SGK được trình lên Bộ GDĐT để thẩm định trong thời gian này ra sao? Đó là chưa kể, trong việc biên soạn SGK sẽ gồm rất nhiều công việc, các tổ chức, cá nhân này đã tham gia vào công đoạn nào hay chỉ “đánh trống ghi tên” còn thực chất, việc biên soạn cuốn sách/bộ sách chỉ do một vài cá nhân trực tiếp làm?
Yêu cầu chuẩn trong thẩm định
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT băn khoăn, giữa tháng 6, Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, đã chốt việc thực hiện một chương trình thống nhất trên cả nước với nhiều SGK. Trong đó, Bộ trưởng Bộ GDĐT chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông, ban hành chương trình giáo dục phổ thông sau khi được hội đồng thẩm định. Nhưng đó là chịu trách nhiệm chung còn cụ thể, việc thẩm định SGK cần có một hội đồng thẩm định đủ năng lực và đảm bảo khách quan, công bằng trong việc đánh giá các cuốn SGK.
Để làm được điều đó, ngoài các văn bản pháp lý hiện có về thẩm định SGK, yêu cầu có một bộ chỉ báo tiêu chuẩn trong quá trình thẩm định là rất cần thiết, từ đó có đánh giá khách quan, khoa học và chính xác đối với các bộ sách được thẩm định. Từ đó, chọn được bộ sách tốt.
“Xây dựng bộ chỉ báo tiêu chuẩn này ra sao cần căn cứ vào kinh nghiệm của các quốc gia đã và đang thực hiện một chương trình nhiều SGK. Trong đó, cần tránh tuyệt đối tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, người có tên trong Hội đồng thẩm định tuyệt đối không được tham gia biên soạn SGK và ngược lại, như vậy mới đảm bảo khách quan” – ông Nhĩ nhấn mạnh.
Cuối tháng 6, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo tài liệu tập huấn cho thành viên tham gia Hội đồng thẩm định SGK lớp 1. Hội thảo có sự tham dự của một số thành viên Ban soạn thảo chương trình GDPT; các nhà khoa học, nhà giáo dục có uy tín; đại diện một số trường ĐH sư phạm, một số NXB cùng cán bộ, chuyên viên của các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ GDĐT. Tại đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, việc biên soạn và ban hành SGK là việc được cả xã hội trông đợi, áp lực viết sách rất lớn, áp lực cho Hội đồng thẩm định cũng rất cao. “Chúng ta chịu trách nhiệm về chất lượng SGK trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Vì vậy, tôi mong rằng, sẽ có một bộ tài liệu tập huấn thật tốt, làm cơ sở, căn cứ cho Hội đồng thẩm định SGK hoàn thành nhiệm vụ thẩm định, trước mắt là cho 8 môn học dành cho lớp 1”.
Cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu tài liệu tập huấn cho thành viên tham gia Hội đồng thẩm định SGK phải đưa ra được bộ chỉ báo tiêu chuẩn thống nhất, từ cách hiểu, cách thực hiện tới cách đánh giá. Mỗi chỉ báo cụ thể hóa nội dung, mục tiêu của từng môn học, năng lực cần đạt được của người học; từ đó, các thành viên Hội đồng thẩm định SGK bao gồm 2/3 là giáo viên đang đứng lớp có thể thẩm định chính xác, khách quan và công bằng.
Bên cạnh đó, người trực tiếp chịu trách nhiệm trước nhân dân cả nước về chất lượng SGK cũng nhấn mạnh tới tính thực tế và khoa học của các chỉ báo, đảm bảo SGK có thể sử dụng lâu dài, tránh lãng phí. Để các nhà xuất bản bám sát yêu cầu của Hội đồng thẩm định và chỉnh sửa kịp thời trong quá trình biên soạn sách, Bộ trưởng đề nghị sau khi xây dựng xong tài liệu tập huấn với những chỉ báo tiêu chuẩn cho Hội đồng thẩm định SGK, sẽ công bố bộ chỉ báo này.
Trong buổi làm việc mới đây với các chuyên gia, Vụ/Cục để bàn về hướng dẫn đánh giá SGK theo các tiêu chí của Thông tư 33, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu: Phải có những bộ SGK chất lượng tốt nhất, cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Như vậy, kỳ vọng sẽ sớm có bộ chỉ báo tiêu chuẩn thống nhất để không chỉ các nhà xuất bản căn cứ vào đó thực hiện mà nhân dân, các nhà trường và giáo viên cũng có thể giám sát khi SGK chính thức được ban hành.
* Tập huấn các thành viên tham gia thẩm định SGK lớp 1
Ngày 4/7 tại Hà Nội, Bộ GDĐT đã khai mạc Hội thảo Tập huấn các thành viên tham gia thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 1. Đây là hoạt động chuẩn bị cho các chuyên gia tham gia Hội đồng thẩm định SGK lớp 1 theo các môn học/hoạt động giáo dục biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT).
Các thành viên Hội đồng thẩm định đã cùng nghiên cứu thảo luận theo đặc trưng của bộ môn, đặc biệt là SGK lớp 1, để từ đó thống nhất được cách hiểu, cách tiếp cận khi đánh giá SGK lớp 1. Mục đích cuối cùng là có những bộ SGK chất lượng tốt để triển khai chương trình GDPT mới.
Theo quy định, Hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan; có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng. Hội thảo Tập huấn các thành viên tham gia thẩm định SGK lớp 1 diễn ra từ 4-7/7. M. Quang