Vừa qua, TP HCM đã chính thức cho phép các doanh nghiệp được tham gia quảng cáo các sản phẩm của mình trên xe buýt, ở phần kính trên thân xe.
Ảnh minh họa.
Theo đánh giá, số tiền thu được từ quảng cáo này có thể lên đến khoảng 170 tỷ đồng/năm, là một nguồn thu lớn bù đắp lại cho các hoạt động trợ giá cũng như khuyến khích người dân tham gia đi xe buýt. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, phải có sự quản lý chặt chẽ và thận trọng khi quảng cáo trên thân xe với mục tiêu là đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Là phương tiện ưu tiên được di chuyển ở mọi khung giờ và các tuyến đường, việc gắn các logo biển hiệu quảng cáo sản phẩm trên thân xe buýt ít nhiều gây sự chú ý lớn của người đi đường, đặc biệt là người trẻ. Vì vậy, phải có sự chọn lọc các sản phẩm được phép xuất hiện trên thân xe. Ngoài sản phẩm, màu sắc của các biển quảng cáo này cũng phải hài hòa, tạo sự êm ái cho hành khách cũng như các phương tiện lưu thông khác. Cuối cùng là kích cỡ sản phẩm, dòng chữ xuất hiện trên các logo này cũng phải có sự thống nhất, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống xe buýt.
Theo ông Trần Chí Trung- Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, các đơn vị khai thác quảng cáo trên xe buýt ngoài mục đích thương mại còn phải dành ra một phần tối đa 20% diện tích thân xe để phục vụ mục đích quảng cáo tuyên truyền. Đó có thể là tuyên truyền về các sự kiện của thành phố, đất nước, của từng thời điểm nhất định hoặc tuyên truyền về các chủ trương, chính sách cũng như luật lệ, quy định về an toàn giao thông, ý thức tham gia giao thông của người dân. Đó cũng là mục đích của việc cho phép quảng cáo trên xe buýt để không bị thương mại hóa hoàn toàn.
Ngoài ra, ông Trung cũng cho rằng, việc kiểm soát các hoạt động quảng cáo liên quan đến xe buýt có trợ giá thì khá dễ dàng vì đó là thẩm quyền, chức năng của cơ quan nhà nước. Nguồn thu từ hoạt động này cũng được nộp ngân sách nhưng hoạt động quảng cáo trên các tuyến xe buýt không trợ giá sẽ phức tạp hơn. Theo quy định, các tuyến xe buýt không trợ giá (thường là tuyến đi ngoại thành, các tỉnh lân cận…) sẽ được chủ doanh nghiệp vận tải giữ lại hoàn toàn. Vì thế, nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ vì lợi nhuận mà chấp nhận các doanh nghiệp quảng cáo chưa đúng thẩm mỹ để tăng lợi nhuận. Việc kiểm soát, chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo này là vô cùng cần thiết.
Trong khi đó, một số DN cho biết quảng cáo sản phẩm trên xe buýt cũng có nhiều lợi ích vì nó tương tác trực tiếp với người dân, khách hàng. So với biển quảng cáo ở những vị trí cố định, rõ ràng quảng cáo khi di chuyển sẽ tạo hiệu ứng tốt hơn, tiếp cận thêm được các khách hàng. Vì thế, nhiều doanh nghiệp rất hào hứng nhưng đặc thù quảng cáo trên xe buýt là ít thông tin. Nghĩa là nếu đó là sản phẩm mới, sản phẩm ít người biết hoặc cần truyền tải nhiều thông tin đến với khách hàng thì xe buýt không đáp ứng được vì cỡ chữ, hình ảnh đều theo quy định chặt chẽ. Đặc biệt, một số ý kiến của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố cũng cho biết họ cảm thấy lo lắng khi quyết định đồng hành cùng việc quảng cáo trên xe buýt. Nguyên nhân là bởi tính chủ quan của hoạt động này...