Trải qua bao biến cố thăng trầm theo thời gian nhưng tên tuổi của các làng nghề gốm cổ như Bát Tràng, Hương Canh, Thanh Hà, Bàu Trúc... vẫn tồn tại và phát triển cho đến tận bây giờ. Nhưng có về làng, có nghe các nghệ nhân kể chuyện nghề, chuyện đời mới thấm thía, rằng để gìn giữ những tinh hoa của nghề, giữ cho những lò gốm đỏ lửa... gian nan lắm.
Bước chậm qua những ngôi nhà còn vương lại chút dấu tích của gốm ở làng Hương Canh (thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), chúng tôi không khỏi nhói lòng. Tinh hoa của một làng nghề nức tiếng bao đời giờ chỉ còn lại thưa thớt vài ba lò gốm đỏ lửa và những tiếng thở dài nuối tiếc...
Sứ Móng Cái, vại Hương Canh
Cách cổng làng thôn Lò Cang (nơi hiện vẫn còn một số lò gốm đỏ lửa) khoảng chừng 100m là gian trưng bày và trải nghiệm gốm của gia đình bà Thanh Nhạn - một trong những nghệ nhân lớn tuổi của làng. Lúc tôi ghé thăm, bà Nhạn đang sắp xếp những bộ quần áo để gửi đi từ thiện một số địa phương bị ảnh hưởng bão lũ. Tạm gác lại công việc, bà hồ hởi dẫn khách tham quan 2 không gian trưng bày của gia đình. Cầm từng sản phẩm, xoay tròn rồi lấy một mảnh gốm vỡ gõ vào chiếc vò, bà cười hỏi, chú có thấy sự khác biệt của gốm Hương Canh so với các sản phẩm làng nghề khác không?
Chưa đợi tôi trả lời, bà giới thiệu luôn, gốm Hương Canh khi gõ vào kêu vang như tiếng chuông, mỗi một sản phẩm sẽ cho một tiếng vang khác nhau. Đặc biệt, gốm Hương Canh không cần tráng men, nó đẹp và bền tự nhiên. “Rượu ngâm trong vò càng lâu càng thơm, hoa cắm trong lọ tươi rất lâu, còn để muối dưa cà thì ngày xưa các cụ chỉ chọn vại Hương Canh” - bà Nhạn tự hào kể.
Bà Nhạn năm nay 73 tuổi, tên đầy đủ là Giang Thị Nhạn, là đời thứ 3 trong gia đình làm nghề gốm truyền thống ở Hương Canh. Bà học nghề gốm và làm gốm từ năm 17 tuổi, tính đến nay cũng đã gần 60 năm gắn bó với nghề. “Tôi học nghề từ mẹ tôi - cụ Giang Thị Tụ. Cụ bà rất giỏi nghề, cả đời đau đáu với gốm Hương Canh. Trước đây chưa có phong danh nghệ nhân thì người trong làng vẫn kính trọng gọi cụ là thợ bậc thầy. Năm tháng đi theo mẹ, nghề làm gốm đã ngấm vào máu và gắn với nghiệp của cuộc đời tôi” - bà Nhạn chia sẻ.
Bà Nhạn kể, hồi trước đường xá chưa thuận tiện, phải gánh từng gánh đất vào lò. Làm ra mỗi sản phẩm khó khăn vất vả lắm. Nhiều khi gốm ra lò bị hỏng gần hết, thế là bao mồ hôi, công sức đổ sông, đổ bể, nhưng chưa bao giờ nghĩ tới bỏ nghề. Đơn giản vì mình vẫn sống được bằng nghề, gốm vẫn có đầu ra.
Với bà, từng quãng thời gian của gốm như từng quãng của đời người. Nó cũng có thăng, có trầm, có buồn, có vui. Thế nên, bao năm theo nghề, bà Nhạn mới có bộ sưu tập bình “Thiếu nữ”, “Hạnh phúc gia đình” rồi “Tình mẫu tử”. Có cả “Mã đáo thành công”, “Vinh quy bái tổ”… Mỗi sản phẩm gốm dù lớn, dù nhỏ bà đều trân quý, bởi đó không chỉ là món quà từ thiên nhiên mà còn là tinh hoa, là hồn cốt của làng của cái nghề các cụ đã truyền tự mấy đời nay.
Sản phẩm gốm ở Hương Canh chủ yếu là gốm mộc như chum, vại, nồi niêu, ấm chén… Sản phẩm nào cũng có độ bền cao, chống được nước thẩm thấu, ngăn được ánh sáng, giữ được bền hương vị nguyên chất của những thứ đựng bên trong.
“Chả thế có vị khách bảo để quên mấy lạng chè trong bình gốm một thời gian dài sau bỏ ra vẫn giòn, thơm, nước xanh nõn” - bà Nhạn khoe và bảo, nhờ vào chất lượng và sự đặc biệt đó, gốm sành Hương Canh đã nức tiếng ở thế kỷ trước như dân gian vẫn lan truyền “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh”. Thế nhưng, thật buồn là giờ gốm Hương Canh không còn được ưa chuộng như xưa, đầu ra không ổn định, nghề gốm mai một, nhiều nhà đã bỏ nghề... Cả làng chỉ còn vài hộ đỏ lửa.
Nâng tầm thương hiệu cho gốm
Rời nhà nghệ nhân Giang Thị Nhạn, tôi bước chậm qua các con ngõ nhỏ của thôn Lò Cang. Thi thoảng bắt gặp một vài chiếc chum đang nằm nép ở mé tường phơi nắng. Ghé thăm nhà anh Nguyễn Hồng Quang (45 tuổi) nổi tiếng ở Hương Canh như một người góp phần nâng tầm giá trị gốm cổ, để gốm Hương Canh không chỉ được dùng trong “bếp” mà còn được sử dụng như những tác phẩm trang trí, tác phẩm nghệ thuật.
Sinh ra ở làng, lớn lên theo nghề cha ông, thạo nghề ngay từ thuở còn đi học nhưng khi thấy nghề gốm dần mai một với thời gian, thấy người ta không còn mặn mòi với gốm Hương Canh, với mong muốn hiểu rõ và tìm ra hướng đi mới cho nghề gốm truyền thống của gia đình, anh Quang đã quyết định thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.
Kết hợp kinh nghiệm truyền thống với kiến thức sau những năm tháng đại học và sự sáng tạo của người trẻ, tuy nhiên không ít mẻ gốm khi ra lò đã bị thất bại. Không nản chí, anh Quang lại vuốt, lại nặn, lại tỉa tót rồi lại đốt lò.
Gốm không phụ công người, sau những thất bại, đến nay hướng đi mà anh Quang lựa chọn đã đưa gốm Hương Canh đi xa hơn. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, anh đang khai thác mạnh mảng gốm ứng dụng, tức là gốm trang trí nội ngoại thất như phù điêu, sân vườn, tiểu cảnh… Những sản phẩm này nhận được phản hồi rất tốt từ khách hàng. Nhiều người lại tìm đến gốm Hương Canh.
Nói về sự khác biệt của gốm Hương Canh, ngoài kỹ thuật làm gốm thì phải kể đến loại đất sét đặc biệt chỉ có ở Hương Canh. “Ngày xưa, nước sông vùng này rất trong, bởi ở dưới lòng sông không phải là bùn mà là đất sét. Đó là quá trình trầm tích của thời gian rất dài mới lắng đọng được. Từ lớp đất trên bề mặt xuống 60cm là loại đất sét nâu. Loại đất sét này có tác dụng làm cứng xương cho gốm. Từ 1m50 trở xuống sẽ là loại đất sét xanh. Loại sét này rất nhiều khoáng và rất dẻo... Có lẽ đó cũng là món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho Hương Canh” - anh Quang tự hào kể.
Chơi với lửa không hề dễ, sống cùng lửa lại cần bản lĩnh
Thời kỳ hưng thịnh của gốm Hương Canh, trong làng, nhà nhà làm gốm, nghề gốm đã đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình. Mô hình hợp tác xã gốm được hình thành và phát triển trong khoảng 30 năm… hàng hóa sản xuất ra không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Nhưng rồi, đến giai đoạn 1986 - 1990, gốm Hương Canh ngày càng mai một.
“Bình Xuyên là một huyện, Hương Canh là thị trấn. Khi nơi đây bắt đầu chú trọng phát triển công nghiệp, thế hệ trẻ như chúng tôi hầu hết đi làm công nhân. Bởi chơi với lửa không hề dễ, mà sống cùng với lửa cần phải bản lĩnh. Có những gia đình phải dành ra cả tháng trời mới làm ra một lò nung, nung mà hỏng thì không thể trông vào nguồn tài chính nào để duy trì. Trong khi đầu ra thì chật vật. Vì vậy không còn nhiều gia đình theo nghề” - anh Quang chia sẻ và cho biết, để giữ được nghề gốm truyền thống ở Hương Canh có rất nhiều việc phải làm, trong đó đầu tiên là quy hoạch vùng nguyên liệu cho làng nghề. Thứ hai là nâng tầm thương hiệu cho gốm.
Có lẽ, những băn khoăn của anh Nguyễn Hồng Quang cũng là trăn trở của những người làm gốm còn lại ở Hương Canh. Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hương Canh cho biết: Nghề gốm ở Hương Canh tính đến nay cũng phải 300 năm tuổi. Nghề làm gốm đã đi qua thời phát triển rực rỡ, những năm qua đầu ra khó khăn nên cũng còn ít hộ theo nghề. Tuy nhiên, trong khi các nghệ nhân cao tuổi cố gắng gìn giữ và trao truyền thì những người trẻ lại có hướng phát triển mới, nâng tầng tầm mỹ thuật cho gốm để phù hợp với thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng. Đó là điều rất đáng mừng. Chúng tôi vẫn luôn theo sát và có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, cố gắng gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương một cách hiệu quả nhất.
(còn nữa)