Thời gian qua, người dân xã Hà Lĩnh thuộc huyện Hà Trung, Thanh Hóa rất bức xúc vì tình trạng khai thác tại mỏ đất tại thôn Thanh Xá 3 do công Công ty cổ phần Bình Minh mở công trường khai thác. Suốt ba tháng sau khi mỏ đất đi vào hoạt động, hàng trăm xe tải hổ vồ không được che chắn liên tục cày ải con đường liên xã. Ô nhiễm do bụi đất, tiếng ồn và mất an toàn giao thông… trong khi đó, lực lượng các cơ quan chức năng không can thiệp.
Mỏ đất tại xã Hà Lĩnh luôn có lượng xe, máy lớn hoạt động rầm rộ, bất chấp quy định của tỉnh Thanh Hóa.
Sống trong sợ hãi
Nhận được thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi về xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) để tìm hiểu, xác minh thông tin. Từ trên con đường tỉnh lộ, cứ vài phút lại có những chiếc xe tải hổ vồ chở nặng đất san lấp không được che chắn, phóng đi ầm ầm. Cứ mỗi lần chuyến xe đi qua, bụi lại tung lên mù mịt, bao phủ các khu vực dân cư ven đường. Ngay cả khi phóng qua khu dân cư hay ngã ba, ngã tư những “con hổ vồ” ấy vẫn không hề có biểu hiện giảm tốc độ.
Theo quan sát của chúng tôi: Tại công trình khai thác đất tại thôn Thanh Xá 3, các chuyến xe vào ra tấp nập. Có khi cả đoàn 4 đến 5 xe nối đuôi nhau chạy rầm rập. Trung bình cứ vài phút lại có một chuyến xe từ công trường chạy ra, còi bấm inh ỏi. Tại công trường, 4 máy múc công suất lớn đang hoạt động liên tục. Trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ đã có 26 chuyến xe chở đất tập kết từ bãi chạy ra, xe không hề che chắn hoặc chỉ che chắn qua loa.
Đa phần các chuyến xe này đều là xe hổ vồ có treo logo của 2 nhà xe mà người dân ở đây gọi là “xe vua”. Theo đó, chỉ có xe treo logo của 2 nhà xe này mới được vào bãi tập kết vận chuyển đất và “bình yên” qua hết các trạm kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Điểm khai thác đất này bắt đầu hoạt động 3 tháng trở lại đây, sau kì nghỉ tết âm lịch bắt đầu hoạt động rầm rộ trở lại từ mùng 6 tháng giêng, cung cấp đất cho một số công trình san lấp tại TP Thanh Hóa và các huyện lân cận.
Tại một nhà dân bên đường liên xã, người đàn ông chủ nhà đứng tuổi xin được giấu tên cho biết: Con đường được trải nhựa phẳng lỳ trước kia trở nên xấu xí, ổ trâu, ổ gà giăng khắp mặt đường . “Trước đây cuộc sống trong xóm ngoài làng yên ả bao nhiêu thì bây giờ khốn khổ bấy nhiêu. Chúng tôi phải ngủ chung với bụi, ăn cơm với bụi và ô nhiễm tiếng ồn cả ngày. Thậm chí có hôm chúng tôi phải mắc màn để ăn cơm vì mỗi lần xe chở đất, cát đi qua là phải và cơm với bụi. Chả biết chính quyền thu được bao nhiêu tiền để cho mỏ đất hoạt động nhưng người dân chúng tôi vô cùng mệt mỏi và bức xúc!” - ông than thở.
Không giấu được sự bức xúc, chị Nguyễn Thị H - một người phụ nữ sinh sống tại thôn 3, xã Hà Lĩnh chen vào câu chuyện: Nhà có con nhỏ đang học cấp 2, trước cháu tự đi xe đạp đến trường. Từ khi xe hổ vồ về đây chở đất cát, ngày nào gia đình cũng phải cắt cử người đưa đón. Cả làng này ai cũng phải đưa đón con cái vì lo sợ đến an toàn của các cháu. Xe chở đất cát phóng bạt mạng, đã gây ra một vài va chạm.“Chúng tôi vô cùng bức xúc và lo lắng. Tốt nhất là đóng cửa mỏ đất lại. Nếu không, phải có biện pháp kiểm soát tình trạng khai thác và vận chuyển chứ cứ để thế này thì người dân ăn không ngon ngủ không yên !” – chị H ngao ngán nói.
Lờ quy định của tỉnh
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Đại Đoàn kết: Ngày 2/10/2019, Công ty TNHH Bình Minh Thanh Hóa có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, xin được tận thu, vận chuyển khối lượng đất, đá thải trong quá trình thi công, xử lý chống sạt lở núi tại thôn Thanh Xá 3, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung. Trên cơ sở công văn báo cáo và biên bản kiểm tra thực địa, ý kiến tham gia của các Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, UBND huyện Hà Trung, ngày 4/11/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản cho phép Công ty TNHH Bình Minh tận thu, vận chuyển đất, đá thải trong quá trình thi công, xử lý chống sạt lở núi tại thôn Thanh Xá 3, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung.
Theo nội dung các văn bản và phương án kĩ thuật đi kèm, thời gian tận thu của Công ty Bình Minh không quá 6 tháng, khối lượng cho phép tận thu tối đa 20.588m3, diện tích tận thu là 1 điểm 170m, số lượng xe máy là 1 máy xúc và 4 xe vận tải. Ngoài ra, việc tận thu này chỉ được dùng để san lấp mặt bằng các công trình phúc lợi tại địa phương mà cụ thể là tại xã Hà Lĩnh, không được cung cấp cho các mặt bằng san lấp có tính thương mại khác ở bên ngoài địa bàn xã.
Văn bản của tỉnh Thanh Hóa cũng đặc biệt lưu ý: “Cần nghiên cứu, đánh giá tính hiệu quả của công trình, tránh hiện tượng lợi dụng việc xử lý chống sạt lở để khai thác khoáng sản không đúng quy định”. Quy định là vậy, tuy nhiên, Công ty Bình Minh đã phớt lờ, huy động 4 máy xúc và gần 70 phương tiện vận tải khai thác tràn lan, cung cấp cho nhiều mặt bằng khác nhau trên đdịa bàn tỉnh Thanh Hóa, với khối lượng gấp hàng trăm lần công suất cho phép.