Công nghệ

Thành lập trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo

Thanh Tùng 26/01/2024 15:59

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước có trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo.

Ngày 26/1, UBND TP Đà Nẵng công bố quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC).

chinh-1-0021.jpg
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại Lễ công bố thành lập Trung tâm DSAC. Ảnh: Thanh Tùng.

DSAC thực hiện các chức năng chính là: Đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Cùng với tham mưu, tư vấn cho Sở TT&TT trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của TP Đà Nẵng”; DSAC sẽ phối hợp xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng trên lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo; chủ trì hoặc phối hợp trong và ngoài nước triển khai nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo khoa học...

DSAC cũng tham mưu cấp có thẩm quyền của TP Đà Nẵng triển khai thực hiện các giải pháp thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo đến sinh sống, làm việc, đầu tư tại Đà Nẵng; cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, ươm tạo và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan đến lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo...

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, với việc thành lập Trung tâm DSAC, tạo dựng hệ sinh thái đồng bộ và phát triển về vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Đà Nẵng sẽ trở thành đầu mối tiếp nhận và mở ra các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo với đối tác trong nước và quốc tế.

a-trao-quyet-dinh9967.jpg
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, trao Quyết định bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm DSAC cho ông Lê Hoàng Phúc. Ảnh: Thanh Tùng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 50.000 kỹ sư thiết kế chíp, 200.000 kỹ sư điện tử về bán dẫn, 500.000 công nhân làm việc trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Việt Nam chọn 5 cơ sở đào tạo trọng điểm về nhân lực bán dẫn, bao gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học bách khoa Hà Nội, Đại học FPT, Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành lập trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo