Ngày 15/3, ngành du lịch mở cửa hoàn toàn để phục hồi và phát triển. Nhiều người kỳ vọng đây sẽ là động lực lớn giúp ngành công nghiệp không khói vươn lên, thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, nói như Trưởng ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính thì không phải là cứ mở cửa là khách sẽ tới mà cần có giải pháp.
Nhiều người lạc quan rằng, khi du lịch được mở cửa hoàn toàn, với nhiều cảnh quan tươi đẹp, truyền thống lịch sử, văn hóa đa dạng, di sản phong phú..., Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước khác vì mang đến nhiều trải nghiệm, khám phá thú vị cho du khách. Lạc quan là tốt, song cần phải lường trước khó khăn để tìm cách tháo gỡ.
Một số người từng gắn bó với ngành du lịch nhiều năm tỏ thái độ dè dặt hơn trong sự kiện “mở toang cửa” cho ngành du lịch. Luồng ý kiến này cho rằng, hiện vẫn còn khá nhiều rào cản khiến ngành công nghiệp không khói chưa thể vươn lên xứng tầm với tiềm năng. Có thể “điểm danh” ngay vài ví dụ: Chính sách miễn thị thực, tìm hiểu thị hiếu du khách...
Theo ông Hoàng Nhân Chính, ngành du lịch còn nhiều “nút thắt” cần được kịp thời tháo gỡ mới có thể thu hút khách tìm đến. Để ngành du lịch phục hồi và phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, điều cần làm trước hết là có cơ chế “mở” trong chính sách miễn thị thực. Việc du khách lựa chọn điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng phụ thuộc nhiều vào yếu tố này.
Hiện, Việt Nam vẫn giữ chính sách miễn thị thực “khiêm tốn” khi mới dừng lại ở con số 24 quốc gia và vùng lãnh thổ (trước thời điểm đại dịch Covid-19 ập đến) được miễn Visa với du khách, chủ yếu là thời hạn ngắn 15 ngày. Trong khi đó, nhiều quốc gia trong khu vực đã có những chính sách mở hơn cho nhiều nước, thời gian miễn thị thực lâu hơn...
Đơn cử, Thái Lan đang miễn thị thực du lịch cho công dân của 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, Indonesia là 170, Philippines là 157... Các nước này đều ưu tiên áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương 30 ngày để thu hút thêm khách du lịch quốc tế. Thẳng thắn mà nói, các nước láng giềng này cũng có nhiều cảnh đẹp không thua sút so với Việt Nam.
Song, ngay cả khi Chính phủ có cơ chế mở hơn trong chính sách miễn thị thực đối với khách du lịch quốc tế, thì chưa hẳn ngành công nghiệp không khói đã có thể phát triển mạnh mẽ. Lý do: Hiện, cả các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương tới địa phương, cũng như các doanh nghiệp làm dịch vụ, công ty lữ hành chưa thực sự quan tâm tìm hiểu thị trường, đặc biệt là thị hiếu của du khách ở từng quốc gia và vùng lãnh thổ.
Làm du lịch chính là đang kinh doanh (hay nói đơn giản là bán) dịch vụ, vì thế cần phải tìm hiểu xem thị trường muốn gì, cần gì thì mới có thể “đắt hàng”. Thậm chí chi tiết hơn còn phải thực hiện việc quảng bá du lịch, kèm với khảo sát “gu” của “thượng đế”, du khách Pháp thích đến đâu, du khách Anh muốn xem cái gì, còn du khách Mỹ, Nga ra sao...
Nói như ông Hoàng Nhân Chính, không phải cứ mở cửa là khách du lịch quốc tế sẽ ùn ùn kéo tới. Những người làm du lịch cần có các hành động cụ thể, thiết thực để tháo gỡ tất cả rào cản khiến du khách ngần ngại đến với Việt Nam. Thủ tục hành chính chưa thông thoáng, nơi đến không hợp sở thích... cũng đều là lý do để du khách quyết định đi nơi khác.
Còn khá nhiều rào cản khác khiến ngành du lịch chưa thể “cất cánh”, dù có được mở cửa trở lại hoạt động bình thường mà trong bài viết này chưa nêu hết. Song, tựu trung lại để thu hút khách du lịch quốc tế thì các cơ quan quản lý nhà nước và những người làm du lịch cần kịp thời tháo gỡ mọi rào cản vướng mắc. Ngành du lịch được mở cửa cũng như tuyến đường cao tốc, nhưng nếu không tháo hết các barie thì cũng chẳng ích gì.