Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay đã đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116 để tháo gỡ khó khăn trong việc đặt hàng đào tạo giáo viên.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng phương thức địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đánh giá: Nghị định 116/2020/ NĐ-CP có tác động thu hút học sinh có năng lực học tập tốt thi vào các trường sư phạm, là tiền đề nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục.
Theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt nhưng phải cam kết làm việc một thời gian nhất định trong ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp. Ai không thực hiện sẽ phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ.
Phương thức này được thiết kế qua cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu do địa phương thực hiện, gắn với trách nhiệm địa phương trong đào tạo và bố trí, sử dụng và theo dõi tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp và cả trách nhiệm thu hồi kinh phí trong trường hợp sinh viên vi phạm cam kết.
Tuy nhiên theo ĐBQH, tỉ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng giao việc chỉ chiếm 17,4% số sinh viên nhập học. Trong 63 tỉnh, thành, 23 tỉnh thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, tức chưa tới một nửa. ĐBQH đề nghị Bộ trưởng Bộ GDĐT sớm có giải pháp khắc phục vấn đề này.
Thực tế tại một số địa phương cho thấy có nhiều bất cập xung quanh vấn đề tào tạo giáo viên theo đặt hàng. Tại Thanh Hóa, khi thực hiện Nghị định 116, năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo thực hiện nhưng kinh phí chưa rõ lấy ở nguồn nào. Từ năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần báo cáo Bộ GDĐT và Bộ Tài chính đề xuất bố trí kinh phí cấp bù cho các năm 2021, 2022 và bố trí kinh phí cho năm 2023 nhưng vẫn chưa có câu trả lời từ Bộ Tài chính…Không riêng gì ở Thanh Hóa, nhiều địa phương khác triển khai đào tạo đặt hàng giáo viên cũng chung tình cảnh trên.
Năm 2021, Bộ GDĐT thực hiện cấp kinh phí theo Nghị định 116 cho sinh viên đào tạo theo nhu cầu xã hội ở các trường trực thuộc. Nhưng do số chỉ tiêu lớn nên nguồn ngân sách phân bố từ Bộ Tài chính không đáp ứng số lượng thực tuyển. Những địa phương có nguồn kinh phí tốt như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng không có nhu cầu đặt hàng, giao nhiệm vụ vì dễ tuyển giáo viên. Trong khi đó, các địa phương thiếu giáo viên không đủ kinh phí để triển khai chương trình đặt hàng.
Trong ba cơ chế được Nghị định 116 nêu là đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu, theo Bộ GDĐT, chỉ có cơ chế giao nhiệm vụ triển khai dễ dàng. Nhưng trên thực tế, các địa phương có nhu cầu chỉ giao nhiệm vụ cho trường trực thuộc (do UBND các tỉnh thành lập). Vì thế những trường ĐH sư phạm trọng điểm trong top đầu về chất lượng đào tạo không có sinh viên diện "giao nhiệm vụ". Cơ chế đặt hàng, đấu thầu thì phức tạp do có sự tham gia của nhiều bên liên quan khiến các địa phương khó có thể thực hiện được đúng thời gian, quy trình, thủ tục. Trên thực tế, gần như không có địa phương nào thực hiện được cơ chế đấu thầu.
Trả lời chất vấn ĐBQH, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay Bộ đã đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116. Hiện dự thảo đã được xin ý kiến rộng rãi và đang trong giai đoạn hoàn thành để có thể ban hành trong thời gian tới.
Theo đó, Bộ GDĐT kiến nghị sửa đổi cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo hướng vẫn giữ phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm, nhưng không bắt buộc các địa phương phải thực hiện, mà tùy theo điều kiện, nhu cầu, địa phương tự đảm bảo kinh phí triển khai thực hiện đặt hàng.