Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường. Việc này sẽ khả quan khi có sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Tuy nhiên, để hàng tái chế được trưng bày nhiều hơn nữa trên kệ hàng, các doanh nghiệp vẫn đang tìm cách giải quyết bài toán chi phí và đầu ra khi các sản phẩm xanh có giá thành cao hơn sản phẩm thông thường từ 10 - 30%.
Lượng rác thải nhựa xả ra môi trường rất lớn
Là người luôn có ý thức bảo vệ môi trường nên từ rất lâu chị Nguyễn Thu Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) nói không với các sản phẩm có yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, thay vì lựa chọn những sản phẩm đựng vào túi nilon, đồ nhựa chị chọn những sản phẩm được đựng, chứa trong chai, lọ, hộp thủy tinh hoặc bằng nhựa tái chế, thân thiện với môi trường.
“Về chất lượng thì như nhau nhưng giá thành thì sản phẩm được thiết kế bởi bao bì thân thiện môi trường thường đắt hơn một chút. Tuy nhiên nếu chúng ta chịu thiệt một chút về chi phí thì đổi lại sẽ có được môi trường trong lành. Tôi nghĩ cũng đáng để chúng ta “đánh đổi”. Không đâu xa, ngay tại Hà Nội tình trạng rác thải nhựa, vỏ chai… thải ra thị trường vẫn tràn lan. Không chỉ làm mất mĩ quan mà còn gây ô nhiễm môi trường sống vì vậy, tôi nghĩ mọi người cần phải thay đổi thói quen tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) cũng cần phải thay đổi chiến lược sản xuất” - chị Hoài chia sẻ.
Thực tế cho thấy, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ lớn từ rác thải nhựa. Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa xả ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số đó được tận dụng tái chế lại.
Mỗi ngày các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa nhưng tỷ lệ rất nhỏ các sản phẩm bao bì nhựa được tái chế, điều này gây ảnh hưởng lớn tới môi trường và cũng là sự lãng phí không nhỏ cho nền kinh tế.
Đứng trước thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng bao bì xanh thay thế nhằm đảo bảo sức khỏe và cải thiện môi trường sống. Theo một khảo sát về xu hướng tiêu dùng tại Hà Nội và TPHCM của Công ty Nghiên cứu thị trường Intage Việt Nam, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng tất yếu khi có tới 95% người tiêu dùng được khảo sát đã có ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc thay đổi hành vi, thói quen hàng ngày; 73% người tiêu dùng ưu tiên sử dụng sản phẩm thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% người tiêu dùng hạn chế sử dụng túi nhựa và 44% người tiêu dùng tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới...
Nắm bắt được điều đó, nhiều DN đã đi tiên phong trong sử dụng bao bì xanh. Bao bì xanh là bao bì có chất liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường, dễ dàng tiêu hủy trong thời gian ngắn. Đó là những sản phẩm không gây hại đến sức khỏe con người và không để lại hậu quả nghiêm trọng với môi trường sống. Sản phẩm phục vụ cho việc đóng gói, bảo quản thực phẩm, đựng mang đi phục vụ người tiêu dùng…
Vì mục tiêu phát triển bền vững
Theo các chuyên gia, chuyển đổi xanh đang trở thành kim chỉ nam trong định hướng sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành nghề, DN. Với mục tiêu tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, nâng cao vị thế DN trên khía cạnh bảo vệ môi trường, giảm phát thải và tăng uy tín xã hội, nhiều DN cũng đã xây dựng chiến lược bao bì phù hợp với nhu cầu khách hàng như sử dụng bao bì bằng vật liệu tái sử dụng. Đơn cử như Công ty TNHH sản xuất dịch vụ Minh Phát (TPHCM), với xu hướng xanh hóa bao bì, DN đã đầu tư sản xuất túi tinh bột - compostable. Đây là loại túi sau khi sử dụng và thải ra môi trường sẽ phân hủy 100% thành CO2, nước và mùn hữu cơ.
Xanh hóa bao bì thực phẩm được các DN nhìn nhận là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, tại hội thảo "Bao bì thực phẩm - Kiểm soát chất lượng và nắm bắt xu hướng" mới đây nhiều DN cho biết việc đầu tư sản xuất bao bì thực phẩm thân thiện với môi trường hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn đó là giá thành bao bì sinh học thân thiện với môi trường khá cao, nên DN làm ra sản phẩm khó tiêu thụ được. Bên cạnh đó, để xuất khẩu, DN phải đáp ứng các tiêu chuẩn, chứng nhận kiểm nghiệm của các nước sở tại vô cùng khắt khe. Trong khi nguồn vốn để đầu tư sản xuất, xanh hóa bao bì thực phẩm rất hạn chế, nhất là với DN vừa và nhỏ.
“Xanh hóa bao bì sản phẩm thực phẩm không chỉ là câu chuyện của DN, mà cần sự hỗ trợ từ các sở, ban ngành, địa phương. Trong đó có việc hỗ trợ tiếp cận vốn ưu đãi, trợ giá sản phẩm…” - bà Liêu Ngọc Minh Tuyến - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất dịch vụ Minh Phát nhận định.
Giới chuyên gia cho rằng, các DN bao bì có thể nâng cao tính bền vững môi trường bằng cách tăng cường sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo, giảm thiểu lượng chất thải, hạn chế phát thải khí nhà kính và sản xuất các sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc tái chế. Những biện pháp này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững.