Ngày 28/3, tại Hà Nội, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn hiện nay; góp ý vào một số nội dung lớn trong dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)”.
Quang cảnh Hội nghị.
Thông tin về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, thời gian qua công tác định hướng phân luồng cho học sinh tốt nghiệp THCS được đẩy mạnh. Tuy nhiên do nhiều nhân đặc biệt là yếu tố tâm lý của các bậc phụ huynh và học sinh nên tỷ lệ này vẫn còn ở mức khiêm tốn.
Theo số liệu thống kê của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nôi, số học sinh tốt nghiệp THCS theo học còn thấp. Tỷ lệ này mới dừng ở mức từ 5,8 đến 7,2% trong tổng số học sinh được xét tuyển vào các trường nghề giai đoạn 2011-2015. Trong năm học 2018-2019 tỷ lệ này mới tăng lên khoảng 11,8%.
Đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết hiện nay công tác đào tạo nguồn nhân lực nhất là đội ngũ nhân lực lao động trực tiếp có chuyên môn trình độ tay nghề cao còn nhiều hạn chế. Cụ thể cơ cấu đào tạo giáo duc nghề nghiệp của thành phố Hà Nội còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm khoảng 77%), trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 23%).
Tại Hội nghị các ý kiến cử tri đều cho rằng trong bối cảnh hiện nay giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông là yêu cầu cần thiết và cấp bách.
Theo TS Nguyễn Đức Hỗ, Giám đốc Trung tâm đào tạo bồi dưỡng Viện khoa học giáo dục nghề nghiệp, thực tế hiện nay, việc lựa chọn nghề của học sinh còn theo tâm lý đám đông. Bên cạnh đó chất lượng đào tạo hiện nay không đáp ứng được yêu cầu ngành nghề đào tạo do đầu vào chưa phù hợp.
“Nhiều người tìm được việc làm nhưng kiến thức được đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của đơn vị tuyển dụng dẫn đến phải đào tạo lại”, TS Hỗ nêu thực tế.
Để thực hiện tốt giáo dục hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp, TS Hỗ kiến nghị cần truyền thông tốt để thay đổi nếp nghĩ của phụ huynh và xã hội về bằng cấp. Chính vì chạy theo bằng cấp mà nhiều gia đình cực nhọc cho con em theo học đại học trong khi năng lực không giỏi, ra trường không kiếm được việc làm gây lãng phí rất lớn.
Cũng theo TS. Hỗ trong thời gian tới cần hoàn thiện và bổ sung kịp thời các chính sách phù hợp về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng, có các hàng rào kỹ thuật để phân luồng cho người đi học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học…
Hiệu trưởng Trường Giao thông vận tải II Dương Thế Anh kiến nghị, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động có trách nhiệm tham gia vào quá trình đào tạo để tiếp nhận và sử dụng nguồn lao động qua đào tạo. Bên cạnh đó cần tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích phân luồng qua việc thực hiện việc miễn giảm học phí cho học sinh đi học nghề.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, để đạt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 30%, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về việc triển khai đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông”.
Theo đó nhiệm vụ chính đến năm 2020, thành phố sẽ nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút học sinh học liên thông giữa các trình độ đào tạo, lên các cấp học cao hơn; học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề. Cùng với đó, thành phố cũng có cơ chế chính sách khuyến khích học sinh đi học nghề; hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách vào những cơ sở đào tạo nghề của thành phố sau khi tốt nghiệp THCS vào các trường trung cấp và đào tạo nghề, liên thông học ở các trình độ cao hơn.
Về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) các cử tri kiến nghị, nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong tham gia phát triển giáo dục nhất là giáo dục nghề nghiệp; đề nghị cần đưa nội dung tự chủ vào trong các nhà trường; quy định chức năng nhiệm vụ của hội đồng trường; đề nghị nghiên cứu việc xã hội hóa trong in ấn, biên soạn sách giáo khoa…
Tiếp thu các ý kiến của các cử tri, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ nghiên cứu tổng hợp đầy đủ để phản ánh tới Quốc hội khi sửa đổi dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó quan tâm việc giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trong giai đoạn hiện nay.