Mới đây, tỉnh Điện Biên đã tổ chức Lễ công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa của người Lào” và Lễ cúng dòng họ của người Mông trắng, là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Điện Biên cho biết, nghệ thuật múa của người Lào được thực hành, gìn giữ và phát huy tại 16 bản, thuộc 9 xã của 2 huyện Điện Biên và Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Nghệ thuật trình diễn múa dân gian của người Lào có từ xa xưa, được hình thành, phát triển thông qua lao động, sản xuất, sự giao tiếp của cộng đồng, là kết quả sáng tạo của nhiều thế hệ, được tồn tại, lưu giữ trong nhân dân.
Mỗi điệu múa chứa đựng những nội dung khác nhau nhưng đều vươn tới khát vọng cuộc sống thanh bình, đầm ấm, hạnh phúc, yên vui quên đi mọi vất vả, khó khăn trong cuộc sống.
Thời gian qua, Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên đã có nhiều giải pháp gìn giữ điệu múa Lào truyền thống, tập trung vào việc tôn vinh các nghệ nhân dân tộc Lào đủ tiêu chí để đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể. Hằng năm, tỉnh Điện Biên tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, trong các hoạt động này có phần trình diễn nghệ thuật múa của người Lào do các nghệ nhân, chủ thể văn hóa trình diễn, thực hành.
Không chỉ vậy, đội văn nghệ ở các bản người Lào được thành lập nhằm giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay, tại huyện Điện Biên có 7/9 bản đã lập đội văn nghệ; huyện Điện Biên Đông có 6/7 bản có đội văn nghệ.
Cũng trong dịp này, tỉnh Điện Biên đã công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận của Bộ VHTTDL về việc công nhận “Lễ cúng dòng họ của người Mông trắng” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo quan niệm của người Mông ở Điện Biên, lễ cúng dòng họ, còn gọi là “Lễ Dù su”. Trong tiếng dân tộc Mông, “dù” có nghĩa là che khuất; “su” là tên một loài quái thú. Lễ Dù su là nghi thức được tiến hành nhằm xua đuổi, che khuất đi một loài quái thú để không làm hại đến con người, cầu mong những điều may mắn, tốt lành sẽ đến với dòng họ.
Ở Điện Biên, Lễ Dù su của người Mông được tổ chức mỗi năm một lần theo dòng họ và tùy thuộc vào tập quán cũng như quan niệm về ngày đẹp của mỗi dòng họ ở mỗi địa phương. Chẳng hạn dòng họ Mùa, họ Vàng, họ Tráng ở bản Lồng (xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo) tổ chức Lễ Dù su vào ngày 27/7 âm lịch. Trong khi đó, dòng họ Giàng, họ Sùng lại tổ chức vào ngày 17 hoặc 19/9 âm lịch.
Địa điểm tổ chức Lễ Dù su cũng khác nhau: có dòng họ chỉ cúng trong nhà, trên bàn thờ; có dòng họ vừa cúng trên bàn thờ, vừa cúng phía sau nhà hoặc trên một bãi đất tương đối bằng phẳng gần nhà. Cách tổ chức cũng tùy thuộc từng dòng họ, có nơi thực hiện ở nhà trưởng họ; có nơi lại luân phiên tổ chức ở từng gia đình.
Trước ngày làm lễ khoảng một tháng, trưởng dòng họ cùng với đại diện các gia đình sẽ họp bàn, thống nhất từ việc đóng góp lễ vật, lương thực thực phẩm cho buổi liên hoan chung sau khi tổ chức lễ, lựa chọn các thầy cúng thực hiện nghi lễ và phân công cụ thể các thành viên khác trong việc phụ lễ, chế biến thực phẩm.
Các hộ gia đình đến dự Lễ Dù su thường mang theo một bó hương để làm lễ; giấy bản tự làm, nhuộm màu đỏ, xanh, vàng; các sợi chỉ màu xanh, đỏ, trắng... tượng trưng cho ma quỷ, điều xấu để thầy cúng xua đuổi, cất vào quả hồ lô hay cắt bỏ, đốt hoặc mang đi chôn cất với ý nghĩa để những điều xấu không thoát được ra bên ngoài.
Trưởng họ sẽ chuẩn bị một con gà trống màu đỏ để làm lễ cúng xua đuổi ma quỷ, điều xấu. Ngoài ra, trưởng họ còn chuẩn bị rượu, gạo, thịt (lợn, bò... tùy điều kiện của dòng họ) để làm thực phẩm cho bữa liên hoan chung.
Người đại diện cho dòng họ sẽ để các mảnh vải đỏ, xanh, trắng lên trên đầu, vai các thành viên (tượng trưng cho “su”). Sau khi nghe thấy các thầy cúng làm các động tác xua đuổi "su” thì đồng thời người trưởng họ cầm con gà trống quạt để đánh bay những mảnh vải màu và giấy màu trên đầu các thành viên. Sau đó, sẽ nhặt những mảnh giấy bỏ vào quả bầu và treo lên cột chính trên mái nhà. Đồng bào quan niệm khi đã cất đi như vậy thì những tà ma, quái vật sẽ không còn lang thang, phiền nhiễu và gây hại.
Dù su là một nghi lễ đặc sắc của người Mông tỉnh Điện Biên, tích hợp nhiều yếu tố văn hóa trong vùng và thấm đẫm các giá trị nhân văn. Lễ cũng là dịp để mọi người bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên đã che chở, phù hộ cho gia đình, dòng họ, bản làng, là cơ hội để cả dòng họ sum họp, tăng cường tình đoàn kết.