Thi tốt nghiệp THPT 2025: Vì sao Lịch sử không được đa số ủng hộ là môn bắt buộc?

Nguyễn Hoài 02/11/2023 15:22

Trong 3 phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GDĐT đang tiến hành khảo sát, phương án 4+2, trong đó có Lịch sử là môn thi bắt buộc đang tạo nhiều tranh luận trái chiều.

Tăng áp lực thi cử

Theo báo cáo kết quả trưng cầu ý kiến về thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GDĐT công bố thời điểm đầu tháng 10/2023, các địa phương, chuyên gia cơ bản nhận đồng thuận cao về mục đích kỳ thi, hình thức môn thi, sự phân cấp, trách nhiệm của địa phương và trung ương, lộ trình triển khai, số lượng môn thi tự chọn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến phân tán về số lượng môn thi bắt buộc và cho rằng, nếu tăng số lượng môn thi bắt buộc sẽ làm tăng áp lực thi cử, dễ gây nên việc chọn khối Khoa học xã hội nhiều hơn so với Khoa học tự nhiên. Việc này có thể ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của học sinh cũng như phân công giáo viên trong quá trình giảng dạy tại nhà trường (môn thừa, môn thiếu).

Về số môn thi, trong số 130.672 cán bộ, giáo viên trên cả nước được hỏi ý kiến thì có chỉ có 34.521 người chọn phương án 4+2, chiếm 26,41%.

Theo phương án này, học sinh sẽ thi tốt nghiệp 6 môn, gồm 4 môn bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Theo nhận định của cán bộ, giáo viên tham gia lấy ý kiến thì phương án 4+2 có ưu điểm là có nhiều môn học bắt buộc phải thi, nhưng ngược lại sẽ giảm vai trò nhóm môn học lựa chọn, không phù hợp với yêu cầu phân hóa, định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Theo bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GDĐT Quảng Trị, hiện nay học sinh chương trình giáo dục phổ thông mới lựa chọn tổ hợp môn nghiêng hoàn toàn về các môn xã hội. Nếu Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc thì sự mất cân đối giữa học sinh chọn môn tự nhiên và xã hội sẽ càng gia tăng. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT vừa đưa Lịch sử thành môn bắt buộc ở bậc THPT mà ngay sau đó lại thành môn thi bắt buộc thì có nên không? Cần phải có thêm khảo sát, phân tích của các chuyên gia.

Cứ môn học bắt buộc là phải thi tốt nghiệp?

Trong số ý kiến ủng hộ phương án 4+2, có một số ý kiến cho rằng Lịch sử là môn học bắt buộc ở bậc THPT nên phù hợp là môn thi tốt nghiệp bắt buộc. Việc này cũng nhằm để học sinh học môn Lịch sử một cách nghiêm túc và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, quan điểm này không nhận được nhiều sự đồng tình từ phía các chuyên gia.

GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên môn Toán của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 khẳng định: “Trong khoa học giáo dục, không có nguyên tắc nào yêu cầu học sinh học một môn học thì bắt buộc phải thi tốt nghiệp môn học đó”.

Cán bộ coi thi hướng dẫn thí sinh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thay đổi cơ bản trong kiểm tra đánh giá. Thay vì trước đây tập trung vào đánh giá định kỳ, đánh giá vào các kỳ kiểm tra cuối học kỳ…, đánh giá giáo dục theo chương trình mới là đánh giá thường xuyên. Học sinh được đánh giá thậm chí trong từng tiết học, từng hoạt động học tập của một tiết học. Quan điểm đổi mới về đánh giá theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW của Chính phủ.

GS.TSKH Đỗ Đức Thái đặt vấn đề “việc đánh giá thường xuyên đó không có ý nghĩa hay sao mà cứ phải thi tốt nghiệp” và cho rằng cách tiếp cận đó về mặt khoa học lại rất phản khoa học. Đối với bất kỳ môn học nào thì nội dung môn học, đổi mới phương pháp dạy học mới là vấn đề then chốt để giải quyết bài toán học sinh có yêu thích và học nghiêm túc môn học đó hay không chứ không phải phụ thuộc vào có thi tốt nghiệp THPT hay không.

NGND, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ biên Chương trình môn Tin học 2018 liệt kê các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Sở dĩ ông Đàm nêu như trên để khẳng định rằng “không phải cứ môn học bắt buộc nào sẽ là môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT”.

NGND Hồ Sĩ Đàm phân tích, lựa chọn một phương án thi tốt nghiệp nào phải dựa trên một hệ thống tiêu chí làm căn cứ. Trong đó, tiêu chí đầu tiên trọng yếu nhất là theo đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ: phải giảm nhẹ, tiết kiệm, không gây áp lực, khó khăn cho người học.

Tiếp đó là phù hợp với mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, bậc THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Sự cần thiết ở đây là các trường đại học, cao đẳng cần công bố rộng rãi các tổ hợp môn học tuyển sinh cho các ngành học. Điều này giúp việc lựa chọn môn học của học sinh một cách hiệu quả, tạo cho các em cơ hội học tập dựa trên khả năng bản thân, đúng nguyện vọng nghề nghiệp tương lai.

Đối chiếu tiêu chí này với 3 phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GDĐT đang tiến hành khảo sát, NGND Hồ Sĩ Đàm cho rằng, phương án 4+2 đang đi ngược với chủ trương căn bản về định hướng thi tốt nghiệp của Đảng. Phương án này không những không giảm nhẹ mà còn tăng thêm buổi thi, thêm tốn kém, tăng áp lực cho người học.

Mặt khác, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số toàn cầu nước ta có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực công nghệ cao, trong đó công nghệ thông tin là nền tảng mà có đến 3 trên 4 môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT thuộc khối Khoa học xã hội là không phù hợp, mất cân đối nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đật nước, khó hòa nhập với thế giới, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Tăng một môn thi bắt buộc sẽ tăng áp lực cho học sinh, tốn kém chi phí tổ chức thi. Kéo theo đó là nạn chạy đua học thêm, mất tiền vào học thêm, thêm gánh nặng cho học sinh, phụ huynh, cho ngành giáo dục, Nhà nước và toàn xã hội. Nên xem kết quả kì thi tốt nghiệp chỉ là một trong các căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh. Vì thế, tôi ủng hộ phương án 2+2 để kỳ thi tốt nghiệp THPT hợp ý Đảng, lòng dân”, NGND Hồ Sĩ Đàm nêu quan điểm.

NGND, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm: “Trao cơ hội lựa chọn cho học sinh, tránh áp đặt, lặp lại thi gì, học nấy”.

Về phương án 3+2, tôi lo ngại về tính bất bình đẳng giữa học sinh thành phố với học sinh vùng sâu vùng xa khi môn Ngoại ngữ (bao gồm không chỉ tiếng Anh mà cả tiếng: Pháp, Nga, Trung, Nhật, Hàn) là môn thi bắt buộc. Bởi thực tế, kết quả môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT mỗi năm, học sinh các thành phố lớn luôn đứng đầu bảng.

Với phương án thi này, học sinh vùng sâu vùng xa rất thiệt thòi, gây mất công bằng cho giáo dục ở các địa phương. Hơn nữa không thể nói, tiếng Nhật, Tiếng Hàn,.. cần cho mọi người dân hơn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý,… và nhất là Tin học được. Ngoại ngữ cũng như Tin học và các môn học khác, học sinh nào có khả năng, nguyện vọng thì họ tự do lựa chọn để học để thi. Hãy cho học sinh có cơ hội lựa chọn, tránh áp đặt bắt buộc, lặp lại “thi gì, học nấy”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi tốt nghiệp THPT 2025: Vì sao Lịch sử không được đa số ủng hộ là môn bắt buộc?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO