Thời gian qua, người tiêu dùng không ngừng chứng kiến cảnh các nhà bán lẻ nội, ngoại cạnh tranh giành thị phần. Gần đây giới bán lẻ trong nước thể hiện rõ lợi thế bằng sự phủ sóng lớn trên thị trường. Ngược lại, một số nhà bán lẻ nước ngoài chấp nhập thất bại và chia tay thị trường tiềm năng của Việt Nam.
Bán lẻ nội cố gắng chiếm lĩnh thị trường.
Bán lẻ ngoại “đuối sức”
Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam khẳng định, bán lẻ Việt Nam luôn tăng trưởng ở 2 chữ số (hơn 10%), cao hơn tăng trưởng GDP của đất nước từ 1,5 đến 2 lần. Với mức tăng trưởng trên có thể nhận thấy rằng không có nhiều ngành có mức tăng trưởng cao như thị trường bán lẻ. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam với hơn 90 triệu dân, trong đó đa phần là người tiêu dùng trẻ, năng động, cùng mức độ đô thị hóa mạnh mẽ. Đây là những tiền đề để thị trường bán lẻ Việt phát triển mạnh, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngoại và nội.
Theo ước tính của một số chuyên gia, mô hình kinh doanh chuỗi ở Việt Nam tăng trưởng rất mạnh, trong vài năm gần đây đã tăng khoảng 20-30%/năm, đó là một con số vô cùng ấn tượng dù có xuất phát điểm thấp. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, rất nhiều thương hiệu bán lẻ lớn của các nước rầm rộ đổ bộ vào thị trường Việt Nam như: Metro, Lotte, Big C, Auchan, Emart, Aeon, Parkson,… đó là chưa kể hàng loạt các chuỗi cửa hàng nhỏ như Robinson, B’smart, 7 – Eleven, Circle K, Guardian,…
Nhận định về thị trường bán lẻ ngoại, các chuyên gia kinh tế từng cho rằng, thành công của DN bán lẻ nước ngoài chính là bài bản, thận trọng và chiến lược, tầm nhìn dài hạn. Trước sự phát triển chóng mặt của thị trường bán lẻ, đặc biệt là sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều người bày tỏ lo ngại vì nguy cơ thị trường bán lẻ trong nước bị DN ngoại chiếm lĩnh. Thế nhưng, ông Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) khẳng định: “Với thị trường bán lẻ, chưa chắc cá lớn nuốt cá bé, có thể cá bé sẽ rỉa cá lớn”.
Nhìn từ thực tế phát triển thấy rõ, bên cạnh những thành công của nhà phân phối ngoại thành công, không ít thương hiệu phải chia tay thị trường bán lẻ Việt Nam. Đơn cử, chuỗi siêu thị của Pháp – Auchan vừa quyết định bán 18 cửa hàng tại Việt Nam. Lý do chủ yếu là mô hình của họ chưa phù hợp và đang chịu cảnh thua lỗ. Kết quả, sau gần 5 năm có mặt tại Việt Nam, nhà bán lẻ này đành nói lời chia tay thị trường.
Trước đó, đầu năm 2018, Tập đoàn bán lẻ Parkson đến từ Malaysia cũng rút khỏi Việt Nam. Đại diện nhà bán lẻ này từng cho rằng, kinh doanh sụt giảm liên tục nhiều năm do trung tâm thương mại ở Việt Nam ngày càng xuất hiện dày đặc. Đây chính là thách thức lớn của các nhà bán lẻ. Thống kê nhà bán lẻ ngoại thất bại ở thị trường Việt Nam không thể không nhắc đến Metro Cash & Carry. Metro Cash & Carry cũng chuyển đổi cho chủ Thái với tên mới là MM Mega Market.
Bán lẻ nội trỗi dậy
Trong khi một số nhà bán lẻ ngoại chưa thành công ở thị trường Việt Nam thì DN bán lẻ nội không ngừng phát triển và từng bước khẳng định lợi thế “sân nhà”. Điển hình, Saigon Co.op phát triển thành công hàng loạt mô hình bán lẻ hiện đại mới chưa từng có tại Việt Nam. Hiện tại với hơn 700 siêu thị, trung tâm thương mại lớn nhỏ Saigon Co.op có doanh thu năm gần nhất hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy từ doanh thu chưa đến 1 tỷ đồng tại thời điểm thành lập, đến nay con số này của Saigon Co.op đã tăng hơn 30 nghìn lần sau 30 năm hoạt động.
Không chỉ phát triển về số lượng, đơn vị này còn đa dáng hóa loại hình kinh doanh như: Cửa hàng thực phẩm Co.op Food, đại siêu thị Co.op Xtra, trung tâm thương mại Sense City, cửa hàng bách hóa hiện đại Co.op Smiles, cửa hàng tiện lợi mở cửa suốt 24 giờ Cheers,…Hiện nhiều chuỗi bán lẻ của hợp tác xã này phủ kín thị trường bán lẻ trước sự thán phục của doanh nghiệp nước ngoài. Tương tự, Vingroup sở hữu khoảng 100 siêu thị VinMart với hơn 1.700 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc. Mới đây, tập đoàn này ra mắt siêu thị ảo Vinmart 4.0. Siêu thị này mô phỏng hơn 100 nhóm sản phẩm chọn lọc bằng hình ảnh. Với Vinmart 4.0 người dùng có thể trải nghiệm mua hàng từ xa.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan khẳng định: “Khoảng 15 năm trước không ai nghĩ Việt Nam có ngành công nghiệp bán lẻ nhưng giờ chúng ta đã định hình rồi. Chắc chắc công nghiệp dịch vụ bán lẻ có tương lai tươi sáng”. Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, có 2 cụm từ dùng để nói về tương lai bán lẻ Việt Nam: Công nghệ và sáng tạo. Nếu không có công nghệ, không có sáng tạo bán lẻ Việt Nam sẽ không phát triển được trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Đồng quan điểm trên, ông Geoffrey Morrison – người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Concept I cũng nhận định, yếu tố ảnh hưởng lớn đến thành công của ngành bán lẻ đó chính là công nghệ. Công nghệ tạo ra đặc thù độc đáo, tạo sự tương tác của khách hàng với công nghệ số. Từ đó giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm mọi thứ qua điện thoại thông minh. Thậm chí, khách hàng có thể tới cửa hàng tự thiết kế, tự lựa chọn rồi đặt món hàng đó.
“50% hoạt động mua sắm hiện nay do truyền miệng, nhưng 80% các hoạt động truyền miệng này do trải nghiệm của những khách hàng trước đó. Cách tiếp thị truyền thống cổ điển không còn thu hút nữa. Tôi muốn nhấn mạnh, tương lai ngành bán lẻ phụ thuộc vào tương tác, trải nghiệm của khách hàng” – ông Chris Dobson, Phó Chủ tịch Viện thiết kế Bán lẻ thông tin cụ thể.