Tâm lý đầu tư được cải thiện, thậm chí một bộ phận nhà đầu tư trở nên “nôn nóng”. Thị trường chứng khoán đang chứng kiến thanh khoản biến động tăng vọt.
Thị trường đầy hứng khởi
Thị trường chứng khoán ngay đầu tuần đã có phiên giao dịch phấn khích. Trong đó lực cầu khá mạnh với tâm điểm là nhóm cổ phiếu bluechip, tiếp tục dẫn dắt thị trường lên vùng giá cao.
Chỉ số VN-Index vượt mốc 1.220 điểm. Mở cửa giao dịch, nhiều mã đã chuyển sắc tím, chẳng hạn như VIC, APS, API... Bên cạnh đó, các mã cổ phiếu như VHM, VRE, GIL cũng đua nhau tăng.
Đến giữa phiên, đà tăng có chững lại nhưng sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là VIC, đã giúp VN-Index tiếp tục có phiên giao dịch khởi sắc cùng thanh khoản tăng mạnh.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 248 mã tăng và 197 mã giảm, VN-Index tăng 7,19 điểm (+0,6%) lên 1.214,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 626,25 triệu đơn vị, giá trị 12.544,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 25,96 triệu đơn vị, giá trị 433,68 tỷ đồng.
Trước đó vừa có tuần giao dịch sôi động và chỉ số VN-Index tăng điểm tuần thứ 4 liên tiếp, chính thức vượt mốc 1.200 điểm - mức cao nhất trong vòng 10 tháng qua.
Giới phân tích đã có những lý giải về đà tăng của thị trường chứng khoán tuần qua mà tựu trung lại là dựa vào tình hình kinh doanh cải thiện của doanh nghiệp, được dựa trên báo cáo tài chính quý II.
Chưa kể, thị trường chứng khoán tuần qua đón nhận rất nhiều thông tin quan trọng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng thêm lãi suất lên 5,25%-5,5%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2001, trong bối cảnh GDP quý 2 của Mỹ tăng 2,4%, cao hơn dự báo trước đó (2%); Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng nâng lãi suất thêm 0,25% lên 3,75%, mức cao nhất kể từ tháng 5/2001.
Cùng đó là các thông tin như Sở Giao địch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chính thức khai trương hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang chú trọng đưa ra giải pháp tích cực, nỗ lực khắc phục các tiêu chí mà các đơn vị xếp hạng tín nhiệm đưa ra và cuối tháng 8/2023 sẽ tổ chức tọa đàm tại Hong Kong (Trung Quốc) làm việc với các tổ chức xếp hạng để đánh giá tiềm năng nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi.
Theo chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì đà tăng điểm nhờ những tín hiệu phục hồi trong kết quả kinh doanh quý II của một số doanh nghiệp niêm yết và một vài thông tin tích cực liên quan tới cuộc họp của Fed. Ở cuộc họp tháng 7, Fed đã tiếp tục nâng lãi suất sau 1 tháng tạm dừng đúng như kỳ vọng của thị trường.
Cơ hội cho nhà đầu tư
Giai đoạn này, chọn mã ngành nào để đầu tư sinh lợi là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra. Giới chuyên gia cho rằng nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào việc đầu tư dài hạn vào cổ phiếu định giá thấp của những doanh nghiệp có nền tảng, có cơ hội bứt phá thời gian tới.
Ví dụ, nhóm thuỷ sản như các doanh nghiệp ngành tôm, cá (FMC, VHC...); gỗ, nhóm nguyên liệu hàng hoá... do nhu cầu thế giới năm 2023 thấp; nhóm hoá chất khi kinh tế tốt hơn, công nghiệp phát triển thì các doanh nghiệp hoá chất sẽ tăng trưởng trở lại.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, thông thường, 6 tháng cuối năm sẽ là thời điểm Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Có nghĩa rằng, nhóm đầu tư công về cơ bản vẫn còn dư địa hưởng lợi, dù trong 6 tháng đầu năm, nhóm đầu tư công đã có nhịp tăng rất dài.
Nhóm thứ hai, dịch vụ dầu khí, cũng sẽ được hưởng lợi từ dự án Lô B - Ô Môn, là bởi Chính phủ đang đẩy mạnh các dự án mỏ khí mới để đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới. Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), điều này sẽ làm giảm sản lượng năng lượng của các nhà máy thủy điện và nhiệt điện và giúp đẩy mạnh hoạt động của nhóm điện khí, điện gió và điện mặt trời.
Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu gần đây có chuyển biến tích cực, với việc xuất khẩu tháng 5 và tháng 6 tăng lần lượt 4,3% và 4,5% so với tháng liền trước, được hỗ trợ từ việc nền kinh tế Trung Quốc đang dần tiến tới mở cửa hoàn toàn sau dịch Covid-19. Một số mã ngành liên quan đến xuất khẩu nhóm hàng gạo, cà phê và nông sản ghi nhận tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 nhờ nhu cầu tăng cũng như nguồn cung thế giới bị hạn chế cũng có thể lưu ý.
Theo ông Phùng Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS cho rằng, thị trường đang vận động theo chiều hướng tích cực và VN-Index liên tục vượt các ngưỡng kháng cự, giúp thu hút cả dòng tiền đầu cơ ngắn hạn cũng như dòng tiền đầu tư, tích lũy dài hạn.
Tuy nhiên, dòng tiền từ đầu năm 2023 đến nay duy trì trạng thái phân hóa và liên tục luân chuyển giữa các nhóm ngành. Trong đó, kể từ tháng 6, lực cầu hướng đến nhóm cổ phiếu blue-chip, vốn hóa lớn, tập trung vào một số mã có khả năng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý II cũng như nửa cuối năm như HPG, VCB, STB, BID, VNM. Ngoài ra, dòng tiền đầu cơ vẫn được đẩy mạnh ở một số nhóm cổ phiếu có độ nhạy giá cao và có thông tin hỗ trợ như chứng khoán, hóa chất, bán lẻ, dầu khí.
Dự báo dòng tiền sẽ tiếp tục hướng tới nhóm vốn hóa lớn trong quý III khi nhiều cổ phiếu đang cho kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực. Các quỹ ETF có xu hướng đẩy mạnh mua ròng trở lại sẽ giúp nhóm này giao dịch sôi động hơn.