Tại hội thảo Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực ô tô Việt Nam diễn ra ngày 7/-9 tại TP HCM, nhiều ý kiến bày bỏ quan ngại, thời gian tới ô tô của các nước ASEAN sẽ tràn vào thị trường Việt Nam. Thế nhưng, liệu doanh nghiệp Việt Nam có còn thời gian tăng tốc để nắm thị trường nội địa?...
Thị trường sẽ đón “đợt sóng” ô tô giá rẻ từ các nước ASEAN.
Nguy cơ ô tô Thái Lan tràn vào thị trường
Năm 2015, Thái Lan đứng thứ 4 trong các quốc gia cung cấp ô tô cho thị trường Việt Nam, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, Thái Lan lại dành ngôi vị quán quân cho hoạt động này. Dự báo, thị trường ô tô Việt Nam sẽ nhập khẩu nhiều sản phẩm “made in Thailand”.
Đại diện tổ chức Jica (Nhật Bản) cho hay, khi thuế giảm thuế nhập khẩu với xe thành phẩm thì xe của các nước Asean sẽ ồ ạt chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Trong đó, đứng đầu phải kể đến Thái Lan và Indonesia. Nguyên nhân chủ yếu, Thái Lan và một số nước đang phát triển một các bùng nổ đối với ngành này. Dẫn đầu khu vực ASEAN là Thái Lan với năng lực sản xuất mỗi năm hơn 1,9 triệu chiếc, thứ hai là Indonesia sản xuất hơn 1 triệu chiếc mỗi năm và đứng thứ 3 là Malaysia với khả năng sản xuất 800.000 chiếc/năm. Philippines và Việt Nam gần như tương đồng nhau, đang ở trong giai đoạn bắt đầu có sự phát triển với lượng xe xuất xưởng khoảng 250.000 chiếc/năm. Không chỉ là nước phát triển nhanh ngành công nghiệp ô tô, lợi thế về thuế suất nhập khẩu tạo điều kiện cho xe của các nước vào thị trường Việt.
Đầu năm 2017 thuế suất ô tô nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á về Việt Nam sẽ tiếp tục giảm xuống còn 30% và sang năm 2018 sẽ giảm còn 0%. Điều kiện thuận lợi từ thị trường trong nước, về quy mô Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất tốt bởi với dân số 90 triệu dân, tầng lớp trung lưu tăng, thu nhập bình quân đầu người ngày càng được nâng cao, ở mức 2.111 USD năm 2015 và dự kiến sẽ đạt 3.000 USD vào năm 2020… Chính vì vậy, Việt Nam là một thị trường tiêu thụ tiềm năng.
Quan ngại trước áp lực từ sau năm 2018 cho thị trường ô tô Việt Nam, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy – Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp (IPSI) khẳng định: “Khi thuế nhập khẩu giảm về 0% sẽ gây áp lực đối với xe lắp ráp trong nước. Hiện tại các nước ASEAN cung cấp khoảng 20% ô tô cho thị trường Việt Nam nhưng 2018 tình hình khác hẳn, số lượng tăng cao”.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, thời gian tới 5 quốc gia xuất khẩu nhiều vào Việt Nam vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản. Đặc biệt, xe con nhập khẩu từ Thái Lan có thể thay đổi theo chiều hướng gia tăng. Đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp còn cho biết thêm, ngoài giá nhập khẩu linh kiện cao, chi phí lao động và chi phí khấu hao không thấp đang đẩy giá thành xe của Việt Nam cao hơn các nước ASEAN. Hiện giá xuất xưởng tăng 100% nhưng đến tay người tiêu dùng thành 167% (thuế phí tăng 40-50%). Đây chính là điều kiện thuận lợi để xe các nước ASEAN cạnh tranh tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Ngành ô tô trong nước “rùa bò"
Báo cáo kết quả nghiên cứu về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam do Viện Nghiên cứu Công nghiệp sản xuất linh phụ kiện ô tô – Đại học Waseda thực hiện, GS. Kobayashi - Giáo sư danh dự của Đại học Waseda (Nhật Bản) cho biết, trong 5 nước khu vực ASEAN có ngành công nghiệp ô tô gồm: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines thì Việt Nam có lượng xe sản xuất và tiêu thụ đều ở vị trí thấp nhất. Sự non yếu còn thể hiện rõ, mặc dù gần 30 năm phát triển ngành công ngiệp ô tô tuy nhiên tỷ lệ nội địa hóa của ngành chỉ đạt khoảng 30 – 35%. Các chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tụt hậu và không phát triển nhanh được là do lịch sử phát triển còn ngắn, chỉ mới bắt đầu từ những năm 1990.
Trong khi đó, những năm 1990 là thời kỳ toàn bộ Asean chuyển đổi từ “công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu” sang “công nghiệp hóa hướng tới xuất khẩu” không còn dư địa cho phát triển ngành sản xuất linh phụ kiện phục vụ cho công nghiệp ô tô. Nhược điểm nữa phải kể đến ngành công nghiệp ô tô phát triển trong bối cảnh vừa sản xuất trong nước vừa phải cạnh tranh với các nước trong khu vực nên gặp áp lực cạnh tranh rất lớn. Thừa nhận yếu điểm của ngành công nghiệp ô tô trong nước, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy lý giải, có 3 vấn đề chính kìm hãm sự phát triển của ngành. Thứ nhất là quy mô thị trường hiện còn rất nhỏ. Thứ hai là áp lực cạnh tranh sau năm 2018 khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Nam sẽ bằng 0%. Thứ 3 là công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Với những trở ngại nêu trên thì ngành công nghiệp Việt Nam không dễ dàng vượt qua các rào cản trên.
Quá nhiều khó khăn như vậy thì liệu Việt Nam có nên tiếp tục phát triển ngành công nghiệp ô tô hay không? “Giảm thuế nhập khẩu nguyên chiếc thì chắc chắn linh phụ kiện cũng giảm. Trường hợp không có sự chuẩn bị và tăng tốc phát triển ngành công nghiệp ô tô sản phẩm của các nước ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam. Chính phủ, cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần có sự đồng lòng, quyết tâm mới thực hiện được”, GS. Kobayashi nhấn mạnh. GS. Kobayashi ví von, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam giống như con tằm, muốn thành con bướm thì phải nỗ lực nhiều để phát triển.