Quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt và các amin thơm trong sản phẩm dệt may được tại Thông tư 37 của Bộ Công thương đang khiến nhiều DN ngành dệt may mất thêm thời gian, công sức và chi phí.
Quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt và các amin thơm gây khó thêm cho DN dệt may.
Hàng mẫu bị giữ 3 ngày không trả
Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 37 do Bộ Công thương tổ chức ngày 26/5, tại Hà Nội, nhiều ý kiến của DN đề xuất, nêu loại bỏ quy định này, vì thông tư sửa đổi nhưng càng gây khó hơn DN, điều này ngược với mục tiêu trong Nghị định 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo bà Hoàng Ngọc Ánh - Trưởng ban chính sách hội nhập quốc tế, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sau khi Thông tư 37 ra đời, các DN ngành dệt may đã gặp phải nhiều vướng mắc và đã gửi kiến nghị lên Hiệp hội.
Theo bà Ánh, hầu hết các DN đều kêu ca rằng, họ nhập một lượng mẫu với số lượng rất nhỏ, giá trị thấp nhưng vẫn bị cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra mẫu. Điều này rất gây mất thời gian và thêm chi phí cho DN.
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Trương Đình Út - đại diện Công ty May Nhà Bè cho rằng, trước đây theo Thông tư 32, các DN nhập dưới 25 m vải mẫu thì không phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm, tuy nhiên theo thông tư 37 mới, DN chỉ nhập dưới 30 m vải vẫn bị yêu cầu kiểm tra hàm lượng nói trên. Như vậy, với thông tư mới, DN vừa phải mất thêm thời gian chờ đợi, vừa mất thêm chi phí, thủ tục còn rườm rà hơn Thông tư 32 cũ.
Cũng chung ý kiến với Công ty May Nhà Bè, đại diện Công ty Minh Trí cho hay, DN nhập 12 mẫu hàng, mỗi mẫu chỉ vài ba sản phẩm thì bị cơ quan chức năng giữ 2 sản phẩm từ hôm 23/5 đến nay vẫn chưa trả mẫu. Việc cơ quan kiểm nghiệm giữ mẫu hàng của công ty khiến cho tiến độ, kế hoạch của công ty bị chậm trễ, chưa kể, mất thêm nhiều thời gian, chi phí đi lại.
“Khách hàng gửi một mẫu áo hay chỉ một mét vải thôi cũng bị yêu cầu kiểm tra hàm lượng formaldehyt”, đại diện công ty May 10 tiếp tục than về quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm đối với hàng mẫu tại Thông tư 37.
“Có khách hàng gửi một mẫu áo cho chúng tôi nhưng chúng tôi không được nhận sản phẩm ngay vì còn phải qua khâu kiểm tra mẫu. Chỉ một chiếc áo, không có giá trị thương mại, vì là mẫu nên cũng không tiêu thụ ra thị trường, có nghĩa là hoàn toàn không có nguy cơ gây hại đến sức khoẻ người tiêu dùng cũng mất thời gian để đợi kiểm tra mẫu. Rất mất thời gian của DN” - đại diện Công ty May 10 cho hay.
Lo ngại gian lận thương mại
Trước các khúc mắc liên quan đến khâu kiểm tra mẫu được quy định trong Thông tư 37, các DN đều nêu lên kiến nghị rằng, Bộ Công thương nên xem xét loại bỏ yêu cầu phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm trong các sản phẩm mẫu để giảm bớt gánh nặng chi phí, thời gian cho cộng đồng DN.
Phản hồi lại các thắc mắc của DN, ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công thương) lại cho rằng, các quy định tại Thông tư 37 chỉ với mục đích làm rõ hơn Thông tư 32 chứ không hề làm khó cho DN hơn Thông tư 32.
Đặc biệt, ông Cường nhấn mạnh rằng, Thông tư 37 chỉ yêu cầu kiểm tra hồ sơ của các sản phẩm mẫu của DN chứ không yêu cầu DN để lại mẫu để kiểm tra như trường hợp của công ty Minh Trí. “Nếu bị yêu cầu để lại mẫu là hoàn toàn không đúng với tinh thần của Thông tư 37” - ông Cường nêu quan điểm.
Theo ông Cường, việc giữ mẫu và giữ tới 3 ngày như trường hợp của Công ty Minh Trí là không đúng và điều này cho thấy, cả DN và cơ quan kiểm nghiệm đều không đọc kỹ, chưa nắm rõ Thông tư 37.
Trước đề xuất của các DN ngành dệt may về việc, cần loại bỏ yêu cầu kiểm tra hàm lượng formaldehyt đối với các sản phẩm mẫu, vì chủ yếu hàng mẫu có số lượng nhỏ, giá trị thấp, không mang tính chất giao dịch thương mại, không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ông Cường cho hay, sẽ xem xét lại vấn đề này.
Tuy nhiên, ông Cường nhấn mạnh: “Nếu bỏ quy định đó, ngay lập tức sẽ có DN nhập hàng ngàn sản phẩm về nước và coi đó là hàng mẫu. Và khi đó, nguy cơ sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa, thì ai sẽ chịu trách nhiệm?” - ông Cường đặt câu hỏi và nhấn mạnh: Không thể bỏ quy định này vì nếu bỏ sẽ tiếp tay cho hành vi gian lận thương mại.
Tuy nhiên, Bộ Công thương sẽ xem xét để tìm ra phương án hợp lý đối với các trường hợp nhập số lượng ít hàng mẫu chứ chắc chắn không có chuyện sẽ loại hẳn quy định kiểm tra hàng mẫu, và quá trình này cũng cần phải có lộ trình với mong muốn tránh thiệt hại cho DN cũng như người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ông Cường cũng lưu ý DN rằng: Trong lúc chờ đợi sửa đổi các quy định của Thông tư 37, các DN cần nắm rõ tinh thần của Thông tư, đó là kiểm tra mẫu không có nghĩa là lấy mẫu mà chỉ kiểm tra hồ sơ trong thời gian một ngày. “Trường hợp nào làm quá thời gian quy định và giữ mẫu là sai” – ông Cường khẳng định.