Tại Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa mới ban hành đã yêu cầu có cơ chế cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến cả cơ hội và thách thức cho đất nước.
Vấn đề đặt ra là phải mạnh dạn, có cơ chế như vậy mới đem lại thành công trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cơ chế hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm để “tiếp sức” cho doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp đang là đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn. Bởi hiện có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động ở Việt Nam nhưng hầu hết là quỹ đầu tư của nước ngoài. Việc xây dựng một cơ chế gọi vốn đầu tư cho khởi nghiệp thông qua việc hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm để tiếp sức cho DN khởi nghiệp đang là đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn.
Theo ông Thịnh, trên thế giới thị trường đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp đã phát triển rất sôi động, tuy nhiên ở Việt Nam hoạt động đầu tư mạo hiểm mới chỉ xuất hiện, và hiện số lượng các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho khởi nghiệp sáng tạo có rất ít. Ở nước ta hơn 10 năm nay đã bắt đầu thành lập các quỹ đầu tư kinh doanh mạo hiểm để xem xét, đầu tư vào lĩnh vực mới, có rủi ro nhưng thực tế do điều kiện phát triển của nước ta nguồn lực còn ít vì thế các quỹ đầu tư mạo hiểm không được phát triển.
Hiện nay có một số lĩnh vực đang được đầu tư mạo hiểm như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học biến đổi gen, phát triển các giống cây con mới trong nông nghiệp, đầu tư trí tuệ thông minh, xây dựng khu đô thị thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, vật liệu nano.
Ông Thịnh cũng cho rằng, những cái mới ở trong nước và thế giới chưa có thì mới cần đầu tư mạo hiểm. Nếu Nhà nước không “đầu tư mạo hiểm” thì sẽ không xây dựng được căn cứ pháp lý và cơ chế vận hành cho hoạt động này, kết quả là tạo ra tâm lý e ngại cho các thành phần kinh tế khác.
Kiên quyết đấu tranh với tư tưởng thờ ơ, thụ động
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trong Nghị quyết số 52, Đảng đã đề ra các quan điểm chỉ đạo hết sức quan trọng nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi các chủ trương chủ động, tích cực tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, phải xác định chủ động, tích cực tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với toàn bộ hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội.
Ông Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến cả cơ hội và thách thức cho đất nước, trong đó phải xác định cơ hội là chủ đạo. Tuy nhiên phải chủ động tích cực, phòng ngừa ứng phó với tất cả những tác động tiêu cực, đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng, an toàn công bằng xã hội và phát triển bền vững của đất nước. Bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần này đòi hỏi phải có đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội để xây dựng một thể chế cho phù hợp. Phải có cách tiếp cần mở, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng những cơ chế thí điểm với những vấn đề mới, thực tiễn đặt ra, tạo mọi điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Kiên quyết đấu tranh với các tư tưởng thờ ơ, thụ động, nhưng đồng thời cũng không được chủ quan, nóng vội, duy ý chí.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bình, cần huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế cả trong nước và ngoài nước để đáp ứng đủ nguồn lực trong việc chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó nguồn lực trong nước là quyết định, nguồn lực nước ngoài là quan trọng. Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của toàn xã hội và của cả hệ thống chính trị.