Bộ GDĐT đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Thông tư ban hành Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo. Theo đó, Chương trình được xây dựng với mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu làm quen tiếng Anh của trẻ từ 3 - 6 tuổi trong những cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện thực hiện và phụ huynh có nhu cầu.
Đã từng thí điểm
Theo tinh thần Dự thảo, chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo nhằm giúp trẻ trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh, hướng tới hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh, chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học, tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc các nền văn hóa khác.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT) cho biết, đề án về đổi mới toàn diện căn bản giáo dục đã đặt ra yêu cầu cho trẻ mầm non tiếp cận với ngoại ngữ, công nghệ thông tin.
Việc cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh chính thức được thí điểm từ năm 2014, tuy nhiên, việc này với chỉ được triển khai dựa trên 1 công văn, chưa đủ hành lang pháp lý.
Trước đó trong năm 2017, tiến hành rà soát lại sau 3 năm thí điểm chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Bộ sẽ xem xét lại toàn bộ về chương trình, nội dung, cách thức thực hiện do đang trong quá trình thí điểm nên còn nhiều thứ vẫn chưa bài bản...
Khi ấy những khó khăn được đã được chỉ ra như Bộ GDĐT chưa có văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện cụ thể; chưa có chương trình khung cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh cũng như quy định về thẩm định tài liệu, giáo trình khiến nhiều địa phương lúng túng trong triển khai do năng lực đội ngũ giáo viên còn hạn chế.
Cùng với đó đã xảy ra tình trạng mỗi nơi dạy một kiểu do việc giao các Sở GDĐT thẩm định. Đơn cử tại TP HCM, Sở GDĐT thẩm định và cho phép sử dụng 4 tài liệu để giảng dạy. Tại Hà Nội, số đơn vị được Sở GDĐT phê duyệt tài liệu gồm 14 trung tâm và 10 hệ thống trường mầm non tư thục.
Ở không ít địa phương, vì thiếu giáo viên nên đã phải liên kết với các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài để mời giáo viên đến dạy. Trong khi giáo viên các trung tâm hầu hết chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm mầm non.
Theo ông Minh, xuất phát từ thực tiễn, việc tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh đã được triển khai ở khoảng 30% số trẻ trên toàn quốc, song việc dạy và học vẫn còn gặp khó, nên Bộ GDĐT đã ban hành dự thảo chương trình làm quen với tiếng Anh mẫu giáo để lấy ý kiến dư luận.
Việc ban hành dự thảo kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề nêu trên của các địa phương. Tinh thần của dự thảo quy định này là không áp đặt, không phải tất cả đều phải triển khai, mà chỉ áp dụng cho những cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng được yêu cầu thực hiện.
Cần chương trình khung hợp lý
Ghi nhận từ các trường cho thấy, hiện việc triển khai cho trẻ làm quen với tiếng Anh còn gặp nhiều khó khăn. Việc dạy và học tiếng Anh ở cấp tiểu học cũng vẫn còn ngổn ngang, chứ chưa nói với các em ở độ tuổi mẫu giáo.
Có những học sinh được học tiếng Anh từ lớp 1 cho đến hết lớp 5, nhưng vẫn không tự tin để phát âm tiếng Anh khi được yêu cầu.
Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 được Bộ GDĐT triển khai từ lớp 3 đến lớp 12, nhưng đã nhiều năm nay, không ít địa phương, trong đó có Hà Nội đã đưa chương trình dạy học ngoại ngữ từ lớp 1 bằng hình thức liên kết.
Dẫu thế điều khiến nhiều phụ huynh chưa yên tâm là việc tồn tại quá nhiều chương trình liên kết, nhưng chất lượng của các chương trình liên kết này ra sao thì vẫn chưa có cơ sở để đánh giá/thẩm định.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, học tiếng Anh ở tuổi mầm non chưa cần thiết. Vì rằng, 3 – 4 tuổi các cháu còn quá nhỏ để tiếp xúc với ngoại ngữ.
Cơ bản nhất theo ông phải có môi trường để sử dụng ngoại ngữ. Trẻ học được 3 từ thì phải có điều kiện để nói 3 từ ấy thường xuyên liên tục chứ tuần học hai buổi, mỗi buổi có vài chục phút, học xong để đấy thì quên ngay.
Với lứa tuổi mẫu giáo, học nhẹ nhàng, vui chơi, trẻ biết được đến đâu thì tốt đến đó. Hiện tại các trường thực ra đang dạy ngoại ngữ một cách tự phát, từ giáo viên đến giáo trình.
Nếu Bộ chưa xây dựng được một giáo trình chuẩn thì không nên dạy, cần phải nghiên cứu, xây dựng giáo trình thích hợp cho từng lứa tuổi.
Lại có những quan điểm khác cho rằng, việc dạy tiếng Anh sớm cho trẻ để tạo nền tảng là điều cần thiết, đơn cử như ở những vùng phát triển du lịch, hoặc vùng có nhiều khu công nghiệp.
Đại diện một số địa phương cho biết ngay sau khi Bộ GDĐT có quy định chính thức, Sở GDĐT sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương để triển khai ở các trường học đủ điều kiện.
Dù thế nào, ở bậc học mầm non, quan trọng hơn tất cả là xây dựng niềm yêu thích một ngôn ngữ mới, sự hứng thú trong học tập với trẻ.
Những quy định trong quản lý chất lượng là cần thiết nhưng rõ ràng, vẫn cần tham khảo thêm ý kiến các chuyên gia, tiếp thu kinh nghiệm của các nước trước khi xây dựng một chương trình khung, nhằm tránh cứng nhắc trong dạy và học ở lứa tuổi mầm non.