Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang khẳng định, chủ trương của tỉnh là Tết Nhâm Dần sẽ không tổ chức bắn pháo hoa và chương trình nghệ thuật tổng hợp chào đón năm mới. Lý do tỉnh đưa ra quyết định này là để phòng, chống dịch Covid-19, nhưng quan trọng hơn là để tiết kiệm, dành kinh phí lo Tết cho dân.
Nói cho cùng, lãnh đạo địa phương nào mà không thích “hoành tráng”. Thấy tỉnh này, thành phố kia bắn pháo hoa, tổ chức đường hoa, chương trình nghệ thuật… thì cũng muốn “đua” cho khỏi “kém cạnh”. Tuy nhiên, hiện đang trong bối cảnh dịch dã liên miên, mọi nguồn lực đã hao mòn, suy kiệt, không nên cố để “đua” chào đón năm mới...
Song, thay vì quyết định bắn pháo hoa như Hà Nội và một số nơi khác, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cương quyết dẹp bỏ, bao gồm cả các chương trình nghệ thuật tổng hợp. Theo dự kiến, kinh phí tiết kiệm được từ việc không bắn pháo hoa, tổ chức các cuộc họp không thực sự cần thiết, chương trình nghệ thuật... sẽ dành để mua quà cho các đối tượng ưu tiên, người có công, hộ nghèo, cận nghèo... Tổng kinh phí mua quà tặng dự kiến lên tới trên 21 tỷ đồng.
Cụ thể, tỉnh Kiên Giang sẽ tổ chức thăm, tặng quà cho 700 đơn vị lực lượng vũ trang, bệnh viện, trường, trại, trung tâm với mức kinh phí trên 3,8 tỷ đồng. Thăm, tặng quà cho đối tượng người có công với kinh phí trên 11,5 tỷ đồng. Gần 12.000 hộ nghèo sẽ được tặng quà với số tiền khoảng 6 tỷ đồng (mỗi hộ 400.000 đồng và suất quà trị giá 100.000 đồng).
Chu đáo hơn, UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội làm đầu mối, lập dự toán phân bổ, điều phối quà Tết đến các hộ nghèo tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tất cả các hộ nghèo đều có quà vui Xuân đón Tết.
Không chỉ đưa ra quyết sách sáng suốt đó để tập trung nguồn lực phòng chống đại dịch Covid-19, lo cho dân, lãnh đạo Kiên Giang còn chỉ đạo cụ thể từng đầu việc để chính sách đến được với từng đối tượng ưu tiên. Việc làm này nhận được sự ủng hộ cao của dư luận xã hội.
Dư luận xã hội đồng tình và đánh giá cao quyết định của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ địa phương này hoàn toàn có thể tổ chức bắn pháo hoa, lập đường hoa nghệ thuật, tổ chức các chương trình ca nhạc... như một số tỉnh, thành phố khác. Song, thay vì lãng phí tiền bạc vào những việc đó, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã chọn lo cho dân.
Điều này rất đúng với quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là các cấp chính quyền phải lo cho dân, không để người dân nào thiếu đói, nhất là trong dịp Tết đến Xuân về. Nhưng, không phải lãnh đạo địa phương nào cũng nghĩ và thực hiện được như vậy.
Thực tế có rất nhiều việc nói thì rất dễ, nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy khó. Việc đua nhau tổ chức bắn pháo hoa, tổ chức chương trình nghệ thuật mừng Xuân của nhiều địa phương cũng không ngoại lệ.
Vậy nên, việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang quyết định không bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán, dành nguồn lực phòng, chống đại dịch Covid-19 và lo cho dân mới nhận được sự đồng thuận và ủng hộ cao của dư luận xã hội. Nếu lãnh đạo địa phương nào cũng có tư duy lo cho dân như vậy, sẽ càng củng cố sự tín nhiệm của dân với các cấp ủy, chính quyền. Khi đó không chỉ Covid-19, mà bất cứ loại giặc nào chúng ta cũng sẽ chiến thắng.