Văn hóa

Tìm cách ‘khoác áo mới’ cho nhạc Trịnh

LAN DUNG 31/03/2024 09:43

23 năm sau ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về cùng “cát bụi” (1/4/2001-1/4/2024), những ca khúc của ông để lại vẫn tiếp tục vang lên. Và thú vị hơn, các nghệ sĩ, ca sĩ trẻ tiếp tục làm mới nhạc Trịnh bằng một tâm thế mới…

89.jpg
Ca sĩ Hà Lê và nghệ sĩ saxophone Lê Duy Mạnh kết hợp để tổ chức đêm nhạc Trịnh có tên “Mưa hồng” tại Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội).

Nhiều hoạt động “nhớ Trịnh”

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh năm 1939, mất năm 2001. Ông là nhạc sĩ Việt Nam hiếm hoi có sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng vươn tầm thế giới. Một thống kê cho thấy, có khoảng 2 triệu băng đĩa nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được bán tại Nhật Bản.

Ở trong nước, hiếm có nhạc sĩ nào sáng tác nhiều và có nhiều ca khúc được phổ biến rộng rãi, được công chúng yêu mến như Trịnh Công Sơn. Cũng theo thống kê, trong số khoảng 600 ca khúc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết, có tới 236 bài được phổ biến rộng rãi, nhiều bài đã ăn sâu vào nhiều thế hệ yêu nhạc Việt Nam, như: “Cát bụi”, “Nối vòng tay lớn”, “Một cõi đi về”, “Diễm xưa”, “Em còn nhớ hay em đã quên”, “Hạ trắng”…

Năm nay, nhân kỷ niệm 23 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn, nhiều chương trình âm nhạc được tổ chức. Tối ngày 1/4, đêm nhạc “Như cánh vạc bay” sẽ được tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Đêm nhạc có sự tham gia của các ca sĩ Mỹ Linh, Ngọc Anh, Hồ Trung Dũng, Lưu Hương Giang, Nguyên Hà, Hà Lê...

Cũng trong tối 1/4 ca sĩ Giang Trang tổ chức mini show “Những mặt phố 2: Ngồi bên dòng sông” tại Polygon Music, Hà Nội. Suốt nhiều năm qua, cứ vào thời điểm này, Giang Trang lại tổ chức đêm nhạc để nhớ Trịnh. Trong show diễn lần này, cô trở lại và tái hiện bầu không khí những ngày đầu khi cô đến với nhạc Trịnh để rồi sau đó bắt đầu dự án kéo dài bảy năm thể nghiệm với âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Trước đó, đêm nhạc “Nhịp thời gian - Nhớ Trịnh Công Sơn” có sự tham gia của Hồng Nhung, vợ chồng Cẩm Vân - Khắc Triệu, Nguyên Hà, Thu Minh, cặp du ca Hoàng Trang - Nguyễn Đông... đã diễn ra tối 30/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Và tối 29/3, ca sĩ Hà Lê và nghệ sĩ saxophone Lê Duy Mạnh đã kết hợp để tổ chức đêm nhạc Trịnh có tên “Mưa hồng” tại không gian “độc lạ” đó là Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội)…

Từ phía gia đình nhạc sĩ cũng có nhiều hoạt động để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa này. Tối 1/4 diễn ra đêm nhạc với chủ đề “Trịnh Công Sơn, Phiêu du một đời” tại mộ ông - nghĩa trang Gò Dưa, TPThủ Đức, với những người bạn, khán giả yêu mến nhạc sĩ…

Theo ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, năm nay gia đình không tổ chức đêm nhạc hoành tráng, mà tập trung vào các hoạt động xã hội.

Theo đó, dịp này gia đình cố nhạc sĩ cũng công bố chương trình Xây dựng 3 điểm trường Trịnh Công Sơn cho con em đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế (hoàn tất vào ngày 1/4), ở B'lao (Lâm Đồng) và Buôn Ma Thuột - nơi Trịnh Công Sơn sinh ra (đang khảo sát vị trí để hoàn thành 2 trường này vào năm 2024-2025); chương trình mang 15.000 áo ấm cho trẻ em học sinh miền núi khó khăn tại Thừa Thiên Huế (Nam Đông/A Lưới/Phú Lộc), Quảng Trị (Khe Sanh), Lào Cai (Sa Pa), Điện Biên, Hà Giang, Sơn La.

“Mới hóa” nhạc Trịnh không dễ

Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống, âm nhạc của ông đã được nhiều thế hệ ca sĩ biểu diễn, và mỗi ca sĩ lại có cách khai thác, biểu diễn khác nhau. Đặc biệt, từ sau khi nhạc sĩ qua đời, xu hướng làm mới ca khúc của ông tiếp tục được nhiều ca sĩ, nghệ sĩ thực hiện. Gần đây, những ca sĩ nghệ sĩ thuộc thế hệ gen Z (thuật ngữ chỉ thế hệ sinh năm 1997 - 2012) lại có cách tiếp cận nhạc Trịnh một cách khác biệt hơn.

Tất nhiên, làm mới âm nhạc nói chung, làm mới nhạc Trịnh nói riêng, là chuyện khá bình thường trong đời sống văn nghệ. Nó cũng là hướng đi mà nhiều nghệ sĩ biểu diễn của thế giới đã thực hiện. Nhưng với âm nhạc Trịnh Công Sơn, không phải nghệ sĩ nào cũng có cách làm mới phù hợp.

Nhiều nghệ sĩ khi làm mới đã vấp phải những ý kiến trái chiều. Đáng chú ý là sự làm mới nhạc Trịnh của ca sĩ Hà Lê với dự án “Trịnh Contemporary”, và 6 nghệ sĩ trẻ, gồm: Mỹ Anh, Juky San, Kiên Trịnh, Hoàng Duyên, Obito và Hoàng Dũng với dự án “EP Gen Z và Trịnh”.

Hà Lê từng nói rằng, khi bước chân vào nghệ thuật, anh nhận ra âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dù được viết đã rất lâu và nhiều ca sĩ đã hát, đã để lại dấu ấn nhưng vẫn còn có những khoảng trống để thế hệ sau khai thác, sáng tạo. Vì vậy, anh đã tìm hiểu và hát nhạc Trịnh theo cách của riêng mình. Cách riêng của Hà Lê cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, tuy vậy, đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại đồng cảm và chấp nhận cách làm mới đó.

Một sự kiện đáng chú ý trong đợt kỷ niệm 23 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn, đó là vào lúc 10 giờ ngày 1/4, tại nhà riêng của cố nhạc sĩ sẽ công bố thành lập "Nhóm Nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn" (gọi tắt là "Nhóm Nghiên cứu Trịnh Công Sơn"), với sự tham gia của ông Nguyễn Trung Trực, bà Trịnh Vĩnh Trinh - đại diện gia đình Trịnh Công Sơn, cùng TS Nguyễn Nam (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam) và các thành viên đại diện của nhóm nghiên cứu gồm những người trẻ am hiểu về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Mục đích của nhóm là tìm hiểu về nhạc Trịnh Công Sơn và ước ao "khoác chiếc áo mới" cho những tác phẩm bất hủ để "thở hơi thở mới của thời đại", lan tỏa các giá trị tích cực đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Dự kiến các hoạt động sắp tới của nhóm sẽ là: ra mắt series podcast về Trịnh Công Sơn; công bố đề án nghiên cứu Trịnh Công Sơn qua tư liệu lưu trữ cùng việc số hóa các tư liệu về nhạc sĩ; dịch thuật và xuất bản cuốn sách khảo cứu hơn 640 trang có tên “Trịnh Công Sơn và Bob Dylan - Tiểu luận về chiến tranh, tình yêu, sáng tác và tôn giáo” (đã ra mắt bản gốc cuối năm 2023 tại Mỹ bởi GS John Schafer); tổ chức concert nhạc Trịnh tại Đại học Fulbright; ra mắt nhiều album do nghệ sĩ trẻ hát và phối mới nhạc Trịnh…

Trước đây, trong một lần trò chuyện, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bày tỏ sự vui mừng khi thấy có nhiều người trẻ hát nhạc Trịnh theo cách riêng của họ.

“Anh tôi khi còn sống luôn tìm kiếm những giọng ca mới hát theo cách riêng của thời đại họ. Tôi ủng hộ các bạn trẻ tìm được cảm hứng sáng tạo trên nhạc Trịnh và cứ hãy mạnh dạn ra mắt sản phẩm của mình. Dòng chảy âm nhạc phải luôn được tiếp nối qua các thế hệ”, bà Trịnh Vĩnh Trinh nói.

Nhưng làm sao để làm mới nhạc Trịnh mà không bị dư luận, những người mến mộ Trịnh Công Sơn chấp nhận? Đó là điều cần nghiên cứu bài bản, cần cả sự nhạy cảm và tài năng của nghệ sĩ, ca sĩ biểu diễn.

box-bui-lan-huong-1.jpg
Ca sĩ Bùi Lan Hương.

Với công chúng yêu nhạc Trịnh, việc các ca sĩ, nghệ sĩ trẻ làm mới âm nhạc Trịnh Công Sơn không còn là “chuyện hiếm”. Nếu lập danh sách, chắc chắn sẽ rất dài, trong đó có thể kể tới các giọng ca Đồng Lan “tiên phong thực hiện” nhạc Trịnh bằng tiếng Pháp. Cô đã cho ra mắt sản phẩm album nhạc Trịnh theo phong cách jazz được hát song ngữ Việt - Pháp gồm các ca khúc như “Ngẫu nhiên”, “Vết lăn trầm”, “Này em có nhớ”…

Gần đây, là ca sĩ Bùi Lan Hương cũng được nhắc tới nhiều với những nỗ lực “phổ” sự tươi mới, khác lạ vào ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đặc biệt, Bùi Lan Hương khi hóa thân vào vai Khánh Ly trong phim “Em và Trịnh” đã hát ca khúc của Trịnh bằng một tinh thần khác, khiến nhiều người đồng cảm nhưng đồng thời cũng nhận không ít tranh cãi.

Trong thế hệ ca sĩ trẻ hát nhạc Trịnh theo phong cách mới thì Miu Lê chiếm được nhiều cảm tình từ khán giả. Cô không hát nhiều nhạc Trịnh, chỉ thể hiện hai ca khúc “Còn tuổi nào cho em” và “Diễm xưa” dưới tư cách nhạc phim “Em là bà nội của anh”.

Miu Lê nói rằng, cô thể hiện tác phẩm bằng sự cảm nhận của mình - một người trẻ và yêu quý dòng nhạc của một nhạc sĩ lớn. Sau khi xem Miu Lê hát, em gái của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chia sẻ: “Miu Lê hát nhạc Trịnh rất hay và đầy tố chất của nhạc Trịnh, đúng phong cách Trịnh Công Sơn - Khánh Ly của thời xa xưa ấy mà gia đình rất trân trọng. Trinh nghĩ anh Sơn cũng rất vui”.

Mỹ Anh cũng là cái tên được nhắc đến nhiều. Dù là con gái ruột ca sĩ Mỹ Linh nhưng cô ca sĩ gen Z này lại không hề chọn lối hát phô diễn vocal, tròn vành rõ chữ như mẹ mà tìm tới những phong cách trẻ trung, hội nhập. Mỹ Anh hát nhạc Trịnh không nhiều, chỉ một ca khúc “Nhìn những mùa thu đi” trong dự án "Gen Z và Trịnh" và vấp phải ý kiến tranh luận trái chiều, khá gay gắt.

Trong số các giọng ca làm mới nhạc Trịnh gần đây thì Hà Lê được khen ngợi nhiều hơn cả. Anh cũng là một trong số ít nghệ sĩ trẻ nghiêm túc với nhạc Trịnh nhất khi sử dụng nhiều nhạc cụ hòa âm phối khí (cả hiện đại lẫn cổ truyền), tạo nên những thanh âm mới mẻ, bắt tai. Rất ít nghệ sĩ làm mới nhạc Trịnh lại sử dụng nhiều nhạc cụ cùng lúc như Hà Lê, tạo nên nhiều lớp lang, biến hóa khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm cách ‘khoác áo mới’ cho nhạc Trịnh