Tìm giải pháp quản lý tiền ảo

T.Hằng 05/12/2016 09:10

Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết đang xây dựng Dự thảo Nghị định về tiền điện tử. Còn phía Bộ Tư pháp cũng đã hoàn tất việc lấy ý kiến để ban hành các quy định về quản lý tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử.

Sắp có nghị định quản lý tiền điện tử

Có thể nói người Việt không còn lạ với tiền ảo, bởi những năm vừa qua loại tiền điện tử này đã làm mưa làm gió trên thị trường. Ngoài Bitcoin, hàng loạt đồng tiền điện tử khác như Ilcoin, Onecoin, Octacoin... được du nhập vào Việt Nam.

Đáng lưu ý hơn trên 1 số website, diễn đàn và mạng xã hội còn phổ biến nhiều loại tiền ảo khác nữa như Swisscoin, Gem coin,… với nhiều lời chào mời cùng hợp tác kinh doanh với mức lãi khủng

Các loại tiền ảo này dù không được Ngân hàng Nhà nước công nhận, song trên thế giới, đã được nhiều quốc gia, tập đoàn danh tiếng chấp nhận. Chẳng hạn với đồng Bitcoin tổng giá trị vốn hóa toàn cầu đã lên tới trên 10 tỷ USD. Trước sự phát triển nhanh chóng của tiền điện tử, một số quốc gia đã sớm bổ sung các quy định liên quan đến loại tiền này.

Mới đây ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, văn bản về tiền điện tử sẽ sớm được ban hành. Cùng với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp cũng đang chuẩn bị xây dựng Dự thảo Nghị định về tiền ảo dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 12/2017.

Vào hồi đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà Nước từng có thông báo khẳng định Bitcoin và các loại “tiền ảo” tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sở hữu, mua bán, sử dụng “tiền ảo” như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.

Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cũng đã khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại “tiền ảo” này.

Vào năm 2014 và năm 2015 nhiều hệ thống “tiền ảo” như Bitcoin bị cấm giao dịch ở một số quốc gia như Trung Quốc, Nga, Thái Lan... và thậm chí các hệ thống kỹ thuật cũng bị hacker tấn công như ở Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc)... dẫn tới nhà đầu tư và người dân bị thiệt hại nặng nề.

Giới chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng Việt Nam cần có động thái mạnh mẽ hơn với tiền ảo thay chỉ vì khuyến cáo. Tại Việt Nam tiền điện tử, tiền ảo, cũng đang tồn tại và việc né tránh nó là điều không thể, cần sớm xây dựng hành lang pháp lý để quản lý.

Giảm nguy cơ gây bất ổn xã hội

Theo thông tin từ Bộ Công thương, số lượng người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp đã giảm, nhưng đa cấp biến tướng ngày càng tinh vi. Địa bàn hoạt động của những công ty này nhanh chóng được thiết lập và mở rộng ở những nơi dân trí thấp.

Tại Gia Lai, các đối tượng lừa đảo huy động tiền của người dân bằng cách mời tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp với tên gọi “Ngân hàng cộng đồng Bitcoin”. Để dụ dỗ những người nhẹ dạ, muốn làm giàu nhanh chóng tham gia, các đối tượng lừa đảo đưa ra mức lợi nhuận lên đến 144% mỗi tháng, kèm theo đó là các mức hoa hồng tăng theo kiểu đa cấp khi mời được thêm người mới.

Khi số lượng người tham gia đã đủ lớn, những kẻ lừa đảo đã “ôm” hơn 22 tỷ đồng của người dân trong vùng và biến mất. Chưa kể một số công ty nước ngoài sử dụng website để giao dịch mua bán tiền ảo theo mô hình đa cấp, cơ quan quản lý cũng đang tỏ ra lúng túng.

Đại diện cơ quan quản lý cho biết, theo quy định, kinh doanh đa cấp nhưng không phải là hàng hóa là phạm luật. Tuy nhiên, vấn đề là vẫn chưa xác định rõ Bitcoin và các đồng tiền ảo khác là hàng hóa hay dịch vụ nên chưa thể quản lý được.

Ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cũng khẳng định pháp luật Việt Nam còn thiếu các quy định pháp luật cụ thể để điều chỉnh cụ thể về tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo dẫn đến một số hệ quả.

Do đó, việc sớm xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là cần thiết để đảm bảo có đầy đủ khung pháp lý cho các cơ quan chức năng thực hiện phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại hình tội phạm lợi dụng tiền ảo để trục lợi, trốn thuế, rửa tiền…, bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư và giữ vững trật tự, an ninh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm giải pháp quản lý tiền ảo