Sự tinh tế đã trở thành đặc trưng của ẩm thực Việt. Tuy nhiên, những món ăn ngon của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn trên bản đồ du lịch thế giới.
Điểm đến của ẩm thực
Những năm qua, ẩm thực Việt đã có một bước tiến vươn tầm quốc tế với hàng loạt giải thưởng. Có thể kể đến Giải thưởng Ẩm thực Thế giới - sáng kiến toàn cầu đã tôn vinh Hà Nội là “Điểm đến thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á năm 2023”. Năm 2022, Việt Nam cũng vượt qua nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan... để trở thành “Điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á” tại Giải thưởng Ẩm thực thế giới. Tháng 6/2023, cẩm nang ẩm thực nổi tiếng thế giới Michelin Guide đã gắn sao cho 4 nhà hàng Việt Nam, trong đó có 3 nhà hàng tại Hà Nội và 1 nhà hàng tại TPHCM.
Ngoài ra, nhiều tạp chí, chuyên trang du lịch ẩm thực nổi tiếng thế giới cũng dành những lời khen cho các món ngon của Việt Nam. Năm 2023 TasteAtlas - trang thông tin chuyên về ẩm thực nổi tiếng thế giới đã xếp Việt Nam ở vị trí thứ 6 trong các nền ẩm thực của Châu Á; xếp thứ 20 nền ẩm thực tuyệt vời của thế giới. Đặc biệt, TasteAtlas cũng đưa ra 5 món ăn tiêu biểu nhất của Việt Nam, gồm bánh mỳ, phở, chả giò, bò kho, bún bò Huế; 5 sản phẩm (về ẩm thực) tiêu biểu là cà phê đá, nước mắm Phú Quốc, cà phê Việt Nam, cà phê trứng và chả lụa.
Chuyên trang du lịch Traveller của Australia cũng đã đề xuất bánh cuốn của Việt Nam là một trong 10 món ăn hấp dẫn mà du khách cần thưởng thức trong năm 2023. Chuyên trang du lịch Travel and Leisure của Mỹ đã vinh danh Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hàng đầu châu Á trong danh sách Bucket List Places in Asia năm 2023, đặc biệt là ẩm thực đường phố.
Nghệ thuật ẩm thực Việt Nam được hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử. Rất nhiều nghệ nhân đã dành cả cuộc đời để gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của văn hóa ẩm thực Việt Nam. Thậm chí, đề tài “ẩm thực” giờ đây còn có mặt trong các gameshow thu hút đông đảo khán giả theo dõi trên các kênh sóng truyền hình.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ, giá trị văn hóa ẩm thực có sức lan tỏa nhanh và rộng. Nhiều người nước ngoài chưa từng đến Việt Nam nhưng cũng đã biết đến ẩm thực Việt Nam ở chính quê hương của họ. Ẩm thực có thể kích thích mong muốn của du khách để đến với đất nước ta. Ẩm thực cũng giúp mọi người hiểu hơn về Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh mềm trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia với thế giới.
Loại bỏ hình ảnh xấu xí
Với sự đa dạng, đặc sắc và những tinh túy, ẩm thực Việt Nam đang trở thành những đại sứ lan tỏa bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, trên hành trình khẳng định, lan tỏa ẩm thực Việt vẫn còn đó những vướng mắc.
Câu chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm nhiều năm qua vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Hay hình ảnh “phở mắng, cháo chửi” đã trực tiếp làm cho nhiều điểm đến mất điểm với thực khách trong và ngoài nước. Chưa kể, việc tổ chức các lễ hội, Festival về ẩm thực tràn lan đang để lại nhiều ý kiến trái chiều. Có thể kể đến như Lễ hội “Rạng danh ẩm thực Việt Nam” được tổ chức tại TPHCM với những hình ảnh nhếch nhác, giá thành không tương xứng với chất lượng món ăn. Sau những lùm xùm, Hà Nội hiện cũng đang tạm cấm tổ chức những sự kiện ẩm thực có tính chất thương mại ở phố đi bộ Hồ Gươm.
Đặc biệt, thời gian qua, với sự bùng nổ của mạng xã hội, nhiều món ngon của các vùng miền đã bị giới thiệu theo chiều hướng tiêu cực. Mới đây, hàng loạt clip tự xưng “ẩm thực Tây Bắc” đã được đăng tải với nội dung, hình ảnh phản cảm, khiến nhiều người bức xúc bởi nó làm xấu đi nét đẹp của văn hóa ẩm thực Tây Bắc. Các clip này được dàn dựng với mục đích câu view, câu like nên những hình ảnh như ăn cả mâm tiết canh; ăn cá sống, thịt sống, thậm chí cả phân non của trâu, bò… khiến nhiều khán giả ghê sợ, bởi sự phản cảm và mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhìn chung, việc lan tỏa ẩm thực Việt đang cần được “gạn đục, khơi trong” để mang đến cho thực khách những món ngon, địa chỉ tin cậy. Theo Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam Nguyễn Thường Quân, muốn khẳng định mình trên bản đồ ẩm thực thế giới, ẩm thực Việt cần phải chứng minh được những giá trị thuộc về bản sắc văn hóa. Bởi từ bản sắc văn hóa, ẩm thực sẽ có nhiều con đường để phát triển. Đây cũng là cách để lan tỏa ẩm thực Việt Nam theo hướng bền vững. Ông Quân cũng cho rằng, đội ngũ đầu bếp hiện nay cần phát triển toàn diện hơn nữa, đi sâu vào chuyên môn, kỹ năng hơn, có nhiều kỹ năng mềm hơn, đáp ứng được tiêu chuẩn nghề của thế giới.