Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, hiện cả nước thiếu khoảng 45.000 giáo viên mầm non. Vì thế, Bộ yêu cầu các địa phương quan tâm, tuyển dụng đủ số giáo viên này theo lộ trình, đặc biệt là trong số biên chế giáo viên giao cho các địa phương. Đối với các cấp học khác, phải thực hiện tinh giản 10% theo lộ trình trên cơ sở đảm bảo “có học sinh thì phải có giáo viên dạy học”.
Tăng cường tuyển dụng giáo viên mầm non theo chế độ đặc cách với các giáo viên đang diện hợp đồng.
Không thực hiện tinh giản biên chế với giáo viên mầm non
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ đã phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất và Chính phủ đã phê duyệt 20.300 biên chế giáo viên mầm non. Số biên chế này đang giao cho 14 tỉnh có dân số cơ học tăng và 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Bộ GDĐT yêu cầu các tỉnh cần sử dụng số biên chế này đúng đối tượng. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị các tỉnh ưu tiên, tăng cường tuyển dụng giáo viên mầm non theo chế độ đặc cách với các giáo viên đang diện hợp đồng mà Chính phủ đã hướng dẫn..
“Tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở các địa phương có khu công nghiệp phát triển mạnh, tăng dân số cơ học; các thành phố lớn, số trẻ tăng nhanh dẫn đến không đủ cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc, từ đó phụ huynh phải gửi con ở các cơ sở tự phát dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Các địa phương cần quan tâm bố trí đủ đất để xây dựng các nhà trẻ tại các khu vực này”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Đặc biệt, Bộ GDĐT cũng đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế với giáo viên mầm non vì hiện tại đang thiếu nhiều.
Cụ thể, tại thời điểm tháng 10/2019, cả nước thiếu hơn 86.000 giáo viên, trong đó thiếu nhiều nhất là bậc mầm non hơn 45.000 giáo viên, tiểu học hơn 18.000 giáo viên. Nhiều tỉnh, thành phố thiếu hàng nghìn giáo viên như: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Bắc Ninh, Nghệ An, Gia Lai, Hải Dương...
Đối với Hà Giang, thống kê của tỉnh cho thấy hiện tổng số giáo viên thiếu là khoảng trên 1.500 giáo viên các cấp, tập trung vào mầm non, tiểu học. Tại Hà Nội, thống kê của Sở GDĐT và Sở Nội vụ cho thấy TP hiện thiếu hơn 12.000 giáo viên và nhân viên trong ngành, nhất là giáo viên tiếng Anh Tin học bậc tiểu học. Đặc biệt là khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, với mức tính định biên như hiện nay sẽ không phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy. Thêm vào đó, việc quá tải trường lớp, nhiều lớp học có sĩ số lên đến 60 học sinh đòi hỏi phải xây mới thêm trường, tuyển thêm giáo viên trong những năm học tiếp theo.
Gỡ khó tinh giản biên chế
Giải pháp để tinh giản biên chế được nhiều địa phương đang thực hiện là sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, điều chỉnh lại quy mô lớp học hợp lý, thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế…
Tuy nhiên, vẫn không thể tránh khỏi việc nhiều giáo viên đã bị cắt hợp đồng, trong đó có những người thâm niên giảng dạy trên 10 năm, thậm chí hơn 20 năm. Nghịch lý xảy ra là các giáo viên rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp sau khi bị cắt hợp đồng còn các trường lại lo tìm cách giải bài toán thiếu giáo viên. Giải pháp trước mắt là tăng số tiết của các thầy cô trong biên chế so với quy định… Hoặc ký hợp đồng với giáo viên theo từng năm, thuê giáo viên thỉnh giảng theo tiết, tăng sĩ số học sinh trên một lớp học, sắp xếp, sáp nhập các trường... Đây là những giải pháp tình thế có thể giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên trước mắt song về lâu dài, rõ ràng sẽ tạo ra những ảnh hưởng với cả hệ thống giáo dục. Trong đó, chất lượng giáo dục sẽ bị ảnh hưởng là điều nhiều chuyên gia đã cảnh báo khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới với những yêu cầu quan trọng về sĩ số học sinh/lớp, chuẩn về trình độ các thầy cô cần đạt…
Đó là chưa kể theo Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, mỗi năm, mỗi tỉnh, thành phố sẽ có hàng trăm giáo viên được cử đi đào tạo. Cụ thể, theo lộ trình, việc đào tạo bắt đầu thực hiện từ năm 2020 đến năm 2030, trung bình mỗi tỉnh/thành phố 1 năm sẽ có khoảng 408 giáo viên được cử đi đào tạo (mầm non 142 người, tiểu học 185 người, trung học cơ sở 81 người). Như vậy, các thầy cô ở lại lại tiếp tục “cõng” thêm công việc của những giáo viên này…
Cần lắm một chính sách đặc thù cho ngành giáo dục để quy định tinh giản biên chế diễn ra đúng lộ trình mà không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Trong đó, từ phía các bộ, ngành cần sớm hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 để các địa phương có cơ sở phân loại tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập; hướng dẫn cụ thể khung năng lực vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, định mức số người làm trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực… Cùng với tự chủ tài chính, cần được tự chủ trong cơ chế đãi ngộ người lao động, đi cùng với tự chủ về nhân sự, đầu tư.