“Tình hình TNGT gây hậu quả nghiêm trọng có diễn biến phức tạp, diễn ra dồn dập là do nhiều lái xe đã có tâm lý chủ quan, lơ là cho rằng vì cả nước đang tập trung chống dịch nên lực lượng chức năng không thực thi nhiệm vụ”, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia nhìn nhận.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa thông tin, 8 tháng năm 2020, cả nước xảy ra 9.170 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.342 người, bị thương 6.727 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 2.161 vụ (giảm 19,07%), số người chết giảm 754 người (giảm 14,8%), số người bị thương giảm 1.860 người (giảm 21,66%).
Đáng lưu ý là từ tháng 6 đến tháng 8, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải (xe tải, xe chở khách, xe container), làm chết và bị thương nhiều người khiến dư luận bức xúc tại các địa phương: Đắk Nông ngày 13/6 làm 5 người chết, 5 người bị thương; Kon Tum ngày 11/7 làm 6 người chết, 35 người bị thương; Bình Thuận ngày 21/7 làm 8 người chết, 7 người bị thương; vụ tai nạn giao thông ngày 26/7 tại Quảng Bình làm 15 người chết, 22 người bị thương. Gần đây nhất là vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 5 thuộc địa bàn quận Long Biên, Hà Nội ngày 4/8, làm 3 người chết và 1 người bị thương.
Liên quan đến vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia thừa nhận, thời gian qua, tình hình TNGT gây hậu quả nghiêm trọng có diễn biến phức tạp, diễn ra dồn dập trong thời gian ngắn (từ tháng 6 đến tháng 8). Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn đều không bất thường mà xuất phát từ các yếu tố thường thấy. Như vụ TNGT ở Quảng Bình khiến 15 người thiệt mạng, tài xế điều khiển phương tiện khi trong người có nồng độ cồn, giấy phép lái xe không phù hợp; Vụ TNGT ở Bình Thuận làm 8 người chết thì lái phụ lái thay lái chính.
“Cần phải nói rằng, khái niệm về TNGT vốn là những sự kiện bất thường không mong đợi, ngay cả người cầm lái cũng không mong sự việc đáng tiếc xảy ra. Nhưng, tôi cho rằng, ở đây, nhiều lái xe đã có tâm lý chủ quan, lơ là cho rằng vì cả nước đang tập trung chống dịch nên lực lượng chức năng không thực thi nhiệm vụ”, ông Hùng nhận định.
Do đó, xem xét trách nhiệm của cả lái xe và doanh nghiệp kinh doanh vận tải trước vấn đề an toàn giao thông được đặt ra. Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, Nghị định 86 trước đây và bây giờ đều quy định trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh vận tải. Cụ thể, trên những phương tiện kinh doanh vận tải hiện tải như xe khách liên tỉnh hay xe hợp đồng phải có thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện phương án đảm bảo ATGT, theo dõi giám sát hoạt động của phương tiện giao thông thông qua thiết bị GSHT và yêu cầu lái xe thực hiện đúng quy định cứ 4 tiếng phải nghỉ, 10 tiếng phải thay lái.
Ngoài ra, trên thiết bị giám sát hành trình cũng có chức năng giám sát, khi chạy quá tốc độ thiết bị sẽ cảnh báo. Nhưng thực tế cho thấy, hiện có một tỷ lệ không nhỏ các chủ xe gần như buông lỏng quản lý và “khoán trắng” cho lái xe, tạo lỗ hổng trong công tác đảm bảo ATGT.
Trên cơ sở đó, ông Hùng cho rằng, tới đây, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, quy định thêm trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thống kê hành vi vi phạm về lộ trình, tốc độ, từ đó đưa ra chế tài xử lý theo hướng đình chỉ hoạt động kinh doanh của xe và đình chỉ hoạt động kinh doanh tạm thời (có thời hạn) của đơn vị kinh doanh vận tải. Cơ quan thực hiện đình chỉ là các Sở GTVT.
“Trong Nghị định 10 cũng có quy định, đối với xe khách và container phải gắn thêm camera trên xe để doanh nghiệp vận tải có thể giám sát hoạt động chính trong xe, theo dõi lái xe có vi phạm các quy định về đảm bảo ATGT. Những quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2021”, ông Hùng nói.
Được biết Tổng cục Đường bộ VN cũng đang trong quá trình xây dựng phần mềm quản lý về lái xe. Với phần mềm này, chủ xe và các cơ quan quản lý sẽ biết hành trình từ lúc lái xe lên xe như thế nào đến lúc kết thúc, đồng thời nắm được thông tin chi tiết về lái xe để việc quản lý người điều khiển phương tiện sẽ chặt chẽ hơn.