Trái Đất chuyển sang kỷ nguyên nung nóng toàn cầu

PHAN QUANG VŨ 06/10/2023 16:01

Mùa hè trôi qua với nhiều nơi trên Trái Đất. Giới chuyên gia thời tiết cho rằng năm 2023 có thể sẽ là năm nóng chưa từng thấy trong vòng 1.200 năm. Nhiệt độ toàn cầu xô đổ mọi kỷ lục khi mà trong 3 tháng 6,7 và 8 năm nay nhiệt độ cao hơn 1,2 độ C tính từ năm 1979 - năm được cho là nóng nhất trong vòng 100 năm. Còn nếu tính trong vòng 8 tháng của năm 2023 thì mức độ nhiệt còn nguy kịch hơn. Copernicus - Cơ quan quan sát Trái Đất của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, mùa hè 2023 Trái Đất bị nung nóng do việc đốt nhiên liệu hóa thạch quá mức cộng với sự “tiếp sức” của  El Nino.

Theo tiến sĩ Michael Mann (Đại học Pennsylvania, Mỹ), sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra đã trở nên trầm trọng bởi El Nino. Ông Mann cho rằng sự bất thường về nhiệt độ bề mặt toàn cầu cho thấy năm 2023 gần như chắc chắn sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận.

Còn Mika Rantanen - nhà khí tượng học Phần Lan cho rằng chúng ta đang sống ở nền nhiệt cao nhất trong vòng 174 năm. Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo nhiệt độ toàn cầu sẽ còn tăng cao trong vòng 5 năm tới, do khí thải nhà kính gây ra. Natalie Mahowald - nhà khoa học khí quyển tại Đại học Cornell nói: “Mùa hè năm 2023 đi qua với những sự kiện cực đoan chính là lời cảnh báo nghiêm khắc mà thiên nhiên gửi tới loài người”.

Nắng nóng dữ dội khiến nhiều nơi trên Trái Đất biến thành hoang mạc.

Những nơi nóng nhất Trái Đất

WMO từng “xếp hạng” 10 nơi nóng nhất Trái Đất. Trong đó có thể kể đến:

- Thung lũng Chết (California, Mỹ), năm 1913 nhiệt độ ở mức 56,7 độ C. Còn năm 2023 là 55 độ C.

- Aziziyah (Libya), mùa hè năm 1922, ngày nóng nhất 58 độ C.

- Dallol (Ethiopia) có nhiệt độ trung bình hàng ngày là 41 độ C trong suốt 6 năm kể từ năm 1960 đến năm 1966, trở thành khu vực có sự tồn tại của con người có nhiệt độ trung bình cao nhất.

- Wadi Halfa (Sudan), năm 2019 không hề có bất cứ một trận mưa nào. Mức nhiệt cao nhất 53 độ C vào tháng 4/1967.

- Dasht-e Loot (Iran), là nơi nhiệt độ mặt đất nóng nhất hành tinh. Số liệu từ năm 2003 đến 2009 cho thấy nhiệt độ cao nhất lên tới 70,7 độ C. Nơi đây không có sự sống con người.

- Tirat Zvi (Israel), từng được ghi nhận có nhiệt độ cao nhất ở châu Á khi chạm mốc 54 độ C vào tháng 6/1942. Nhiệt độ quanh năm ở khu vực này luôn ở mức trung bình 37 độ C.

- Timbuktu (Mali), phía nam sa mạc Sahara. Vào mùa đông, nơi đây thậm chí luôn có nhiệt độ trung bình 30 độ C. Nhiệt độ nắng nóng kỷ lục của khu vực này từng được ghi nhận ở mức 49 độ C.

- Kebili (Tunisia), thị trấn sa mạc có nhiệt độ trung bình cao hơn 43 độ C trong suốt mùa hè. Nhiệt độ cao nhất ở đây là 55 độ C.

- Ghadames (Libya), ốc đảo giữa sa mạc này được công nhận là Di sản Thế giới UNESCO nhờ những túp lều đặc trưng được làm từ bùn giúp bảo vệ 7.000 người dân tránh nóng. Được biết đến như “viên ngọc của sa mạc”, nơi đây có nhiệt độ trung bình 40 độ C, thậm chí đã từng ở mức 55 độ C.

- Bandar-e Mahshahr (Iran), Nhiệt độ nóng nhất được ghi nhận ở thành phố ngột ngạt này là 51 độ C.

Vậy, còn quốc gia nào nóng nhất thế giới? Câu trả lời đó là Libya - quốc gia Bắc Phi giáp với Địa Trung hải ở phía bắc, Ai Cập ở phía đông, Sudan ở phía đông nam, Tchad và Niger ở phía nam, Algérie và Tunisia ở phía tây. Là quốc gia rộng thứ 17 trên thế giới (1,8 triệu km2), khí hậu đa phần là khô kiểu sa mạc.

Không chỉ với nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trên 58 độ C tại thị trấn Al 'Aziziyah, nằm ở phía tây Tripoli, Libya phần lớn là sa mạc, đất nước phải trải qua thời tiết nóng bức với nền nhiệt cao quanh năm. Mặt trời đổ lửa lại nóng hơn bởi những cơn gió nóng, khô mang theo nhiều bụi (người dân địa phương gọi là gibli).

Sa mạc bao phủ hầu như toàn bộ vùng đông Libya, là một trong những địa điểm khô cằn nhất trên thế giới. Tại nhiều vị trí, trong thời gian hàng chục năm không có mưa. Các điều kiện khí hậu và đất đai bạc màu hạn chế rất nhiều năng suất nông nghiệp, vì thế Libya phải nhập khẩu khoảng 75% lương thực. Trong khi đó, rủi ro cháy rừng luôn rình rập và lây lan nhanh hơn rất nhiều khi khí hậu nóng. Đã thế, tình trạng khô hạn còn gây ra những trận bão cát và bụi vô cùng khủng khiếp khi gió có thể di chuyển hàng triệu tấn cát mỗi năm.

Cho dù có trữ lượng dầu mỏ dồi dào nhưng thời tiết quá khắc nghiệt nên mật độ dân số Libya thưa thớt: Hơn 7,2 triệu người đứng thứ 108 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong khi diện tích 1,8 triệu km2, đứng thứ 17 thế giới.

Mùa hè ở Thung lũng Chết (California, Mỹ).

Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng bỏng trong vòng 1.500 năm

Cuối tháng 8/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã lên tiếng cảnh báo hơn một nửa lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 nước có nguy cơ bị hạn hán do thiếu lượng mưa và nhiệt độ như thiêu đốt. Tình trạng nắng nóng cùng với cháy rừng lan rộng tại nhiều nước, trong khi các dòng sông cạn kiệt.

Tại Hy Lạp, Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha những cánh rừng khô nỏ đã làm “mồi ngon” cho "giặc lửa". Trong một ngày tháng 7, vùng Brittany (Pháp) ghi nhận mức nhiệt tới 43 độ C - chưa từng có trong vòng 500 năm, và một số cánh rừng bốc cháy.

Đáng chú ý, thành phố Milan (Italy) trong mùa hè năm 2023 đã phải trải qua những ngày có nhiệt độ trung bình cao nhất trong 260 năm qua. Cơ quan Bảo vệ môi trường cấp vùng (ARPA) của Italy cho biết đây mùa hè này nóng nhất kể từ khi Trạm Quan trắc thời tiết Milano Brera bắt đầu ghi lại nhiệt độ vào năm 1763. Vùng Lombardy bao quanh Milan đã trở thành “chảo lửa” khi nhiệt độ trung bình cao hơn năm 2000 đến gần 10 độ C.

Kể từ năm 2019 tới nay, châu Âu đã phải đương đầu với 5 mùa hè khốc liệt, nhiệt độ tăng dần. Nếu như năm 2019, Hy Lạp ghi nhận ngày nhiệt độ cao nhất khi tháng 8 kết thúc là 41 độ C, thì năm 2021 là 41,5 độ C và 2023 là 43 độ.

Trước đây 20 năm, mùa hè năm 2003, EU ghi nhận tới 70.000 người chết mà nguyên nhân trực tiếp là do nắng nóng. Trong đó Pháp và Italy mỗi quốc gia ghi nhận từ 15.000 đến 20.000 trường hợp tử vong.

Mùa hè năm nay đến với châu Âu trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục sau 3 năm chống chọi với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tăng trưởng chậm hơn một phần do nắng nóng. Marie Marchell, một kỹ sư nông nghiệp cho biết, châu Âu sẽ còn phải chuẩn bị nhiều hơn nữa khi mà mùa hè mỗi năm lại kéo dài hơn và dữ dội hơn. Những dữ liệu quan trắc còn lưu lại được ở châu Âu cho thấy một điều vô cùng đáng lo ngại, đó là 5 năm gần đây nhất đã trở thành 5 năm nóng nhất trong vòng 1500 năm. Châu Âu là châu lục đang nóng lên nhanh nhất thế giới, gấp đôi mức trung bình toàn cầu kể từ những năm 1980.

Chuyên gia khí hậu Alvaro Silva (Tổ chức Khí tượng thế giới - WMO) đã mô tả mùa hè 2023 là sự bắt đầu của trạng thái "bình thường mới" trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng.

Người dân ở Bihar (Ấn Độ) trong cái nóng thiêu đốt mùa hè 2023.

Nắng nóng thử thách sự thích ứng của người châu Á

Với châu Á, mùa hè 2023 cũng được coi là nóng nhất lịch sử. Theo tờ The Straits Times, các nhà khí tượng học đã đo được nhiệt độ cao kỷ lục 45 độ C ở Thái Lan và Myanmar, trong khi nhiều khu vực khác ở Đông Nam Á ghi nhận nhiệt độ trung bình từ 40 độ C trở lên kéo dài hầu như suốt các tháng 5,6,7,8. Tại Thái Lan, Chiang Mai vốn được bao quanh bởi những ngọn núi đã chứng kiến nhiều đợt cháy rừng ở trầm trọng buộc hàng nghìn người phải ra đi. Khói bụi từ những đám cháy khiến có lúc Chiang Mai trở thành thành phố ô nhiễm nhất hành tinh.

Tờ Diplomat mô tả, nắng nóng đã khiến chính quyền Bangkok cảnh báo người dân hạn chế ra ngoài. Tại quận Bagna, nhiệt độ lên tới 43 độ C, trong khi chỉ số nhiệt (bao gồm độ ẩm và các chỉ số đo lường cảm giác về nhiệt độ) lên tới 54 độ C. Cục Khí tượng Thái Lan trong một ngày cao điểm nắng nóng đã phải liên tục đưa ra các thông báo để người dân được biết.

Tuy nhiên, nắng nóng khủng khiếp nhất mùa hè năm 2023 ở châu Á có lẽ là ở Ấn Độ, đất nước hơn 1,42 tỉ dân. Nóng như thiêu như đốt khiến kỷ lục về nhiệt độ liên tục bị phá vỡ. Trong tháng 8, Cục Khí tượng Ấn Độ đã ban hành cảnh báo tình hình nghiêm trọng ở các bang Tây Bengal, Andhra Pradesh và Bihar.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Climate bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Cambridge (Anh) cho biết, do quá nóng, Ấn Độ đã và đang phải đối mặt với sự va chạm của nhiều hiểm họa khí hậu tích lũy. Trên tờ USA Today, nhà khí tượng học Jason Nicholls của Công ty AccuWeather cho biết tình trạng thời tiết cực đoan là kết quả của một khối khí nóng và dải áp suất cao kéo dài từ vịnh Bengal đến biển Philippines. Còn giáo sư David Karoly (Đại học Melbourne, Australia) nói với phóng viên đài Channel News Asia rằng bản chất khắc nghiệt của những đợt nắng nóng này đang trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, và Ấn Độ “ngẫu nhiên” phải chịu đựng ở mức cao nhất.

Tiến sĩ Fahad Saeed - chuyên gia về chính sách khí hậu tại Tổ chức Phân tích khí hậu (Đức), cho rằng, mùa hè khốc liệt 2023 sẽ gây ra những thách thức về sức khỏe cộng đồng trong nhiều năm tới, không chỉ với Ấn Độ mà còn cả châu Á. Trong đó các nhóm dân số dễ bị tổn thương sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Trong khi đó, các nghiên cứu về châu Á đều khẳng định nhiệt độ nắng nóng tăng cao liên tục, tàn phá khủng khiếp nhiều vùng trọng điểm châu Á từ nay đến giữa thế kỷ này. “Không thể không lo ngại khi mà suốt một tuần lễ 220 triệu dân nhiều vùng thuộc bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) trải qua đợt nắng nóng lên đến 47 độ C. Khủng hoảng khí hậu sẽ gây ra các đợt nắng nóng thường xuyên hơn và kéo dài hơn trong tương lai, thử thách khả năng thích ứng của Ấn Độ” - tiến sĩ Chandni Singh (Viện Định cư con người Ấn Độ) nói và cảnh báo “chắc chắn chúng ta sẽ đạt đến giới hạn về khả năng sống sót vào giữa thế kỷ này”.

Còn theo nhóm nghiên cứu từ Đại học Cambridge thì mùa hè nắng nóng ở Ấn Độ đang đặt “gánh nặng chưa từng có” lên nông nghiệp, nền kinh tế và hệ thống y tế công cộng của nước này.

Cũng theo nhóm nghiên cứu này, ngay khi mùa hè vừa bắt đầu, nhiều kỷ lục về nhiệt độ đã bị xô đổ ở các quốc gia châu Á. Tình trạng sóng nhiệt ghi nhận ở nhiều nơi, có khi còn xuất hiện hiện tượng vòm nhiệt - nghĩa là nhiệt độ mặt đất không thoát ra được. Còn đối với Leon Hermanson - tác giả báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới thì sự kết hợp giữa nhiệt độ và độ ẩm cao tại những nơi như Ấn Độ đang đẩy con người vượt quá một ngưỡng nguy hiểm. Gọi là giới hạn "bầu ướt" khi mà cơ thể không thể tự điều hòa thân nhiệt bằng mồ hôi được nữa.

Ông Petteri Taalas - Tổng Thư ký WMO cho rằng, những gì đã diễn ra trong mùa hè năm nay cần được "kiểm kê” trên phạm vi toàn cầu nếu như các chính phủ thực sự muốn tìm ra cách ứng phó.

Trái Đất đang bị đẩy tới ngưỡng nguy hiểm

Báo cáo của nhóm nhà khoa học trong Ủy ban Trái Đất (do giáo sư Johan Rockstrom đứng đầu) đã đưa ra bằng chứng đáng lo ngại cho thấy hành tinh đang đối mặt với khủng hoảng nguồn nước, dưỡng chất trong môi trường, duy trì hệ sinh thái và ô nhiễm aerosol. Công bố của tạp chí Nature nhấn mạnh đến tác hại đến từ những mùa hè nóng bỏng liên tiếp 3 năm qua.

Theo đó, chất lượng nước và mất môi trường sống cho các loài nước ngọt giảm mạnh. Ranh giới an toàn này đã bị vượt qua ở 1/3 diện tích đất liền trên thế giới do đập thủy điện, hệ thống tưới tiêu và xây dựng. Vấn đề tương tự cũng xảy ra với hệ thống nước ngầm suy kiệt nhanh hơn tốc độ bổ sung. Trong khi đó, 47% lưu vực sông đang thu hẹp ở tốc độ đáng báo động.

Về khí hậu, thế giới đã đặt ra mục tiêu nhằm ngăn hiện tượng ấm lên toàn cầu ở mức thấp nhất có thể là 1,5 - 2 độ C so với mức nhiệt ở thời kỳ tiền công nghiệp. Ủy ban Trái Đất nhấn mạnh đây là mốc nguy hiểm bởi nhiều người đang chịu ảnh hưởng xấu từ nắng nóng cực hạn, hạn hán và lũ lụt đi kèm với mức tăng nhiệt độ hiện nay là 1,2 độ C. Theo đó, mức an toàn là 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuy nhiên nhóm nghiên cứu cũng cho rằng tình trạng của Trái Đất “khá ảm đạm” nhưng không phải mất hết hy vọng. "Trái Đất thực sự khá ốm yếu ở nhiều lĩnh vực. Điều này ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Chúng ta không thể chỉ chữa trị triệu chứng mà phải xử lý tận gốc nguyên nhân" - Joyeeta Gupta, đồng Chủ tịch Ủy ban Trái Đất, nhấn mạnh.

Một nghiên cứu khác của 50 nhà khoa học đăng trên tạp chí Earth System Science Data, cho biết giai đoạn 2013-2023, sự ấm lên do con người gây ra tăng với tốc độ hơn 0,2 độ C mỗi thập niên. Cũng trong giai đoạn này, lượng khí thải trung bình hàng năm đạt mức cao nhất mọi thời đại là 54 tỉ tấn CO2, tương đương khoảng 1.700 tấn mỗi giây.

Theo tạp chí Science Alert, những phát hiện kể trên có thể sẽ “đóng lại cánh cửa” cho việc hạn chế sự ấm lên toàn cầu theo mục tiêu 1,5 độ C của Thỏa thuận kiểm soát khí hậu Paris năm 2015. “Chúng ta chưa chạm ngưỡng ấm lên 1,5 độ C, nhưng với đà này không lâu nữa sẽ vượt ngưỡng” - Piers Forster, tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư vật lý tại Đại học Leeds, cho biết.

Nghiên cứu cũng đưa ra dự báo nhiệt độ bề mặt Trái Đất đang trên đà tăng 2,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào năm 2100, đẩy hơn 2 tỉ người (khoảng 22% dân số toàn cầu) ra khỏi vùng khí hậu dễ chịu. Theo tạp chí Nature Sustainability, các nước có nhiều người nhất phải đối mặt với nắng nóng nguy hiểm là Ấn Độ (600 triệu), Nigeria (300 triệu), Indonesia (100 triệu), Philippines và Pakistan (mỗi nước 80 triệu).

"Cứ mỗi 0,1 độ C tăng so với mức hiện tại, sẽ có thêm khoảng 140 triệu người tiếp xúc với nắng nóng nguy hiểm" - Tim Lenton, Giám đốc Viện Hệ thống toàn cầu (Đại học Exeter), tác giả chính của nghiên cứu cho biết thêm sự ấm lên toàn cầu đang đẩy nhiệt độ tăng cao khắp nơi. Nếu như 40 năm trước chỉ 12 triệu người trên thế giới phải đối mặt với môi trường khắc nghiệt thì nay đó phải là con số tỉ.

Hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đang cạn kiệt

53% các hồ trong nghiên cứu cho biết tốc độ mất nước lên tới khoảng 22 tỉ tấn mỗi năm trong giai đoạn 30 năm qua. Đó là thông tin trên tạp chí Science. Nếu tính từ năm 1993 tới nay, rất nhiều hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp, chủ yếu do biến đổi khí hậu.

Giới chuyên gia cho biết, một số nguồn nước ngọt quan trọng nhất thế giới - từ Biển Caspi nằm giữa châu Âu và châu Á đến hồ Titicaca của Nam Mỹ - tốc độ mất nước đã ở mức báo động. Lượng nước này nhiều gấp khoảng 17 lần thể tích hồ Mead - hồ chứa lớn nhất nước Mỹ.

56% sự sụt giảm ở các hồ tự nhiên bắt nguồn từ việc con người tiêu thụ và khí hậu ấm lên. Trong đó nguyên nhân thứ hai chiếm phần lớn hơn, theo Fangfang Yao - nhà thủy văn học bề mặt tại Đại học Virginia, trưởng nhóm nghiên cứu. Gần 2 tỉ người sống xung quanh các hồ đang khô cạn chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phép đo đạc vệ tinh kết hợp với các mô hình thủy văn và khí hậu để đánh giá gần 2.000 hồ lớn trên thế giới. Trong khi 53% số hồ giảm lượng nước thì chỉ có 25% số hồ có mực nước tăng, thường là do xây đập ở những vùng xa xôi, giữ lại nước.

“Nước nằm trong số những thành tố quan trọng nhất đối với con người. Việc cạn kiệt nguồn nước ngọt sẽ là hậu quả khôn lường và chúng ta phải thấy trách nhiệm của mình trong đó” - tiến sĩ Fangfang Yao nói.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres, kêu gọi gấp rút hành động chống biến đổi khí hậu, đồng thời nhấn mạnh rằng nhiệt độ kỷ lục trong mùa hè 2023 cho thấy Trái Đất đã chuyển từ giai đoạn ấm lên sang kỷ nguyên nung nóng toàn cầu. "Nắng nóng tới ngưỡng không thể chịu đựng. Trong khi đó, các mức lợi nhuận từ nhiên liệu hóa thạch và hành động chống biến đổi khí hậu hiện không thể chấp nhận được.

Lãnh đạo các chính phủ phải hành động. Đừng do dự thêm nữa. Đừng tiếp tục viện thêm cớ. Đừng chờ đợi người khác hành động trước. Thay vì tuyệt vọng trước các tác động tiêu cực, nhân loại cần gấp rút hành động ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất. Phải biến một năm nóng như lửa đốt thành một năm đầy tham vọng" - Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trái Đất chuyển sang kỷ nguyên nung nóng toàn cầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO