Với các tác phẩm dịch thuật, Trần Tiễn Cao Đăng đã làm nên tên tuổi của mình. Bởi mỗi cuốn sách với ông đều có một số khó khăn, thách thức tùy thuộc vào thế giới nghệ thuật, phong cách, tính cách... riêng biệt của tác giả.
Trần Tiễn Cao Đăng là dịch giả với các tác phẩm “Biên niên ký chim vặn dây cót” (Haruki Murakami), “Mãi đừng xa tôi” (Kazuo Ishiguro)... Cuốn “Từ điển Khazar” của Milorad Pavic là tác phẩm dịch gây tiếng vang đầu tiên của Trần Tiễn Cao Đăng. Cuốn “Súng, vi trùng và thép” (Jared Diamond) do Trần Tiễn Cao Đăng dịch đã vinh dự nhận được giải A - Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021. Với niềm đam mê văn chương, Trần Tiễn Cao Đăng còn sáng tác, viết tiểu thuyết...
Chia sẻ về công việc dịch thuật, ông ví dụ: “Chẳng hạn, Roberto Bolaño là nhà văn đồng thời là nhà thơ, cho nên trong tiểu thuyết của ông có khá nhiều đoạn vô cùng biến ảo về hình ảnh, điều mà theo tôi chỉ một nhà thơ “chính cống” mới đạt tới được”, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng bày tỏ, bên cạnh đó ông cũng cho rằng: “Để dịch được các đoạn như vậy, bản thân người dịch cần có chút ít tố chất của người làm thơ. Cũng may, tôi có làm thơ nên có thể ráng “đu theo” tác giả”.
Hầu hết tác phẩm được Trần Tiễn Cao Đăng chọn dịch đều là những cuốn sách và tác giả mà cá nhân ông tâm đắc và tin chắc rằng xứng đáng được dịch sang tiếng Việt. “Trong một số trường hợp, chẳng hạn “Từ điển Khazar” của Milorad Pavic, hay “2666” của Roberto Bolaño, chính tôi là người giới thiệu tác phẩm cho đơn vị xuất bản. Dịch những tác phẩm như vậy là một công việc đầy hứng khởi”, Trần Tiễn Cao Đăng kể lại.
Giải A - Giải thưởng Sách hay năm 2021 đến với Trần Tiễn Cao Đăng khá bất ngờ bởi được trao tặng sau nhiều năm, kể từ khi cuốn sách được in lần đầu tiên. Tuy nhiên, khi nghĩ kỹ, ông cho đó là sự hợp lý. Bởi đây là bằng chứng cho thấy cuốn sách đã và đang thực sự có ích cho cộng đồng xã hội Việt Nam. Với sự khiêm tốn, Trần Tiễn Cao Đăng nói, ông chỉ góp một phần nhỏ vào thành công của cuốn sách.
Từ nhỏ Trần Tiễn Cao Đăng đã say mê văn chương và ham thích ngôn ngữ. Ông nhớ lại, khi mới bảy, tám tuổi đã bắt đầu háo hức đọc những cuốn sách “dành cho người lớn” trong tủ sách của mẹ và của cậu ruột, nhà sát vách, như “Huckleberry Finn” của Mark Twain, “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, “Một thời để yêu và một thời để chết” của Erich Maria Remarque,...
Một trong những trò chơi của ông khi học phổ thông là bịa ra những ngôn ngữ không có thật ở những xứ sở không có thật - tương tự như Tolkien làm với tác phẩm “Chúa Nhẫn”: “Từ hai cội nguồn này, dịch thuật đến với tôi, hay đúng hơn, tôi đến với dịch thuật một cách hoàn toàn tự nhiên. Khi còn ở trường đại học (Khoa Ngữ văn Nga, Trường Đại học Tổng hợp TPHCM, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), tôi đã dịch tiểu thuyết “Cố đô” của Yasunari Kawabata từ bản tiếng Nga sang tiếng Việt. Tuy nhiên, tôi chỉ trở thành dịch giả “chuyên nghiệp” kể từ khi dịch “Từ điển Khazar” của Milorad Pavic, xuất bản năm 2005”.
Thành công trên con đường dịch thuật như vậy, Trần Tiễn Cao Đăng bất ngờ chuyển hướng sang sáng tác văn chương. Qua mỗi trang viết của cuốn tiểu thuyết đầu tay công phu, dày dặn, có thể thấy Trần Tiễn Cao Đăng luôn học hỏi để có những khám phá ngôn từ cũng như kĩ năng viết. Với ông, ngôn ngữ là công cụ để ông tư duy, sáng tạo, và cũng là tình yêu lớn.
Ông đọc nhiều, viết đều đặn hằng ngày. Nói về kỹ năng, ông cho rằng không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, ông chú trọng đến vấn đề cấu trúc, nhất là đối với tiểu thuyết. “Nhìn chung tôi thuộc típ nhà văn viết chủ yếu từ trực giác, không vận dụng quá nhiều lý tính”, Trần Tiễn Cao Đăng nói và cho rằng: “Tôi định nghĩa bản thân trước hết như một nhà văn, sau đó mới là dịch giả. Cũng vào những năm ở trường đại học, song song với việc dịch “Cố đô”, tôi viết cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, “Vũ trụ loài người” - hiện nay bản thảo tạm thời bỏ dở, nhưng rất có thể tôi sẽ sử dụng lại một số phần của nó trong những tiểu thuyết sắp tới. Và, từ trước đó nữa, trong những năm học cấp một, tôi đã bắt đầu mày mò viết/vẽ những truyện tranh của chính mình, bắt chước theo những truyện tranh tôi rất mê hồi đó như truyện “Xì Trum”, truyện “Lucky Luke” (ở Sài Gòn trước năm 1975 dịch là “Lục Kỳ”), truyện “Astro Boy”... Có thể nói tôi là người mang thiên hướng kể chuyện/viết văn”.
Sáng tác của Trần Tiễn Cao Đăng không dễ đọc đối với phần lớn độc giả. Ông tâm sự, không phải ông cố ý lựa chọn như thế, đơn giản bởi đó là tư chất của ông. Mặt khác, ông bày tỏ sự thực lòng ngưỡng mộ những nhà văn mà tác phẩm vừa đẹp đẽ, sâu sắc, vừa dễ đọc: “Văn chương cũng giống như âm nhạc, như ẩm thực, như bản thân thế giới, bao gồm những dạng rất khác nhau, đáp ứng những nhu cầu rất khác nhau, nhằm giải quyết những vấn đề rất khác nhau. Tôi yên tâm với việc mình ít người đọc. Ít không có nghĩa là không có. Số ít những người “vào” được sáng tác của tôi, họ là những tri kỷ vô giá. Mặt khác, tôi tin chắc rằng, ở những không gian xa hơn - những nước khác, và ở những thời gian xa hơn - trong tương lai, tác phẩm của tôi sẽ có nhiều người đọc hơn và sẽ thực sự đến được vị trí xứng đáng của nó”.
Trần Tiễn Cao Đăng chia sẻ: “Nhà văn đích thực là người cô đơn. Đó là sự cô đơn của những cá nhân không chấp nhận sự tha hóa. Sự cô đơn của kẻ đau những thứ mà đám đông không đau”. Trong trường hợp của bản thân, ông thường xuyên đau trước những hành động hủy diệt ngày càng tăng của rất nhiều người đối với thế giới. Tác phẩm của Trần Tiễn Cao Đăng là hiện thân của nỗi đau ấy, sự chiêm nghiệm nỗi đau ấy: “Một số nhà văn có những cách nói riêng của mình, rất hay, về văn chương. Với tôi, văn chương là một trong những cách tốt để con người - trước hết là một số cá nhân, sau đó là một bộ phận của cộng đồng - có thể tự phản tỉnh, tự chất vấn lại một số những hiểu biết và niềm tin cơ bản của mình về thế giới”.
Trần Tiễn Cao Đăng chọn cách ngày nào cũng viết, dành ít nhất một đến hai tiếng, và đọc sách thường là vào buổi sáng. Buổi chiều, ông dành thời gian để làm những việc “kiếm sống” như dịch sách, biên tập, hiệu đính, viết báo,... và tập tành một chút yoga, thể dục cơ bản. Buổi tối, thư giãn bằng cách nghe nhạc, xem phim, hoặc tự dịch tác phẩm của mình. Ngoài ra, hằng ngày, một việc không kém phần quan trọng với ông là chăm sóc lũ mèo.
Hiện nay, Trần Tiễn Cao Đăng sắp hoàn tất bản thảo cuốn tiểu thuyết thứ hai. “Ngoài ra, ông cũng đang viết một tiểu thuyết mới mà ông chia sẻ là không quá dày, không khó đọc như các cuốn trước, cũng như hứa hẹn nhiều bất ngờ, là “Vòng quay cuối cùng quanh mép lỗ đen”, và một số truyện ngắn, truyện vừa. Trần Tiễn Cao Đăng tiếp tục dịch “Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian” sang tiếng Anh. Về dịch thuật, trong năm 2023, Trần Tiễn Cao Đăng sẽ dịch một kiệt tác văn chương Mỹ Latinh mà ở Việt Nam chưa nhiều người biết đến. Đó là cuốn nào, thì ông mạn phép xin giữ bí mật.
Hầu hết tác phẩm được Trần Tiễn Cao Đăng chọn dịch đều là những cuốn sách và tác giả mà cá nhân ông tâm đắc và tin chắc rằng xứng đáng được dịch sang tiếng Việt. Các tác phẩm: “Từ điển Khazar” của Milorad Pavic, hay “2666” của Roberto Bolaño, chính ông là người giới thiệu tác phẩm cho đơn vị xuất bản. Cuốn “Súng, vi trùng và thép” (Jared Diamond) do Trần Tiễn Cao Đăng dịch đã vinh dự nhận được giải A - Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021.