Trang bị kỹ năng sống cho trẻ: Ai? Khi nào?

H.DƯƠNG - K.NGUYÊN 18/06/2023 07:27

Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em, cướp đi mạng sống của hơn 3.000 trẻ em mỗi năm. Dù ngành giáo dục nhận định đây là kỹ năng cực kỳ quan trọng, nhưng đa số các em mới chỉ được học bơi trên… giấy. Không riêng môn bơi, nhìn nhận việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ, giới chuyên gia cho rằng, học kỹ năng là nhu cầu quan trọng. Ở nhiều nước, các nội dung này tích hợp học ngay trong nhà trường, trải nghiệm trong các chuyến huấn luyện xa. Còn ở Việt Nam trẻ em đang quá thiếu kỹ năng sống.

Cần đưa môn Bơi lội trở thành môn học chính thức trong chương trình học ở phổ thông.

Trẻ em thiếu kỹ năng sống

Câu chuyện 4 đứa trẻ sống sót kỳ diệu sau 40 ngày trong rừng Amazon ở Colombia gây xôn xao dư luận. Điều đó cho thấy, trẻ em khi được trang bị kỹ năng sinh tồn có thể vượt qua hoàn cảnh nguy hiểm. Không ít phụ huynh phân vân, nếu rơi vào trường hợp nguy hiểm như những đứa trẻ ở Colombia, thì trẻ em Việt Nam liệu có những kỹ năng gì để vượt qua? Bởi có nhiều em đến độ tuổi đi học nhưng ngay những hoạt động thường nhật như: tự mặc quần áo, đi vệ sinh, buộc dây giày, chuẩn bị đồ dùng học tập, ăn sáng… vẫn chưa tự làm được. Đó là chưa kể tới nhiều em thiếu các kỹ năng liên quan đến sinh tồn, giao tiếp, ứng xử, đạo đức.

Câu hỏi đặt ra là ở trường, các em đang được học những gì? Em N.T.N., 10 tuổi, Trường Tiểu học Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) kể: Hằng ngày tới lớp con học các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tự nhiên xã hội, Thể dục, Âm nhạc… Sau đó ăn trưa rồi đi ngủ, ngủ dậy lại học buổi chiều.

Trường N. có buổi học kỹ năng sống vào chiều thứ 2, sau giờ tan học. Cô giáo dạy các kỹ năng tránh điện giật, tránh bỏng nước sôi, không đi theo người lạ, gấp quần áo, nấu cơm… Tuy vậy, theo chị Nguyễn Ngọc Điệp, mẹ của bé N.T.N., nhà trường dạy kỹ năng sống ngoại khóa và có thu thêm kinh phí 100 ngàn đồng/tháng, với học sinh lớp 3, những kỹ năng được học hiện nay chỉ là lý thuyết nên các em không mấy hào hứng, nếu cha mẹ dành thời gian thì cũng có thể trang bị cho con em mình những kiến thức đó với việc thực hành ngay tại gia đình. Nhiều phụ huynh quan niệm đăng ký học cho con vui. “Điều tôi muốn trẻ em học được từ nhà trường là kỹ năng giao tiếp, tự tin chia sẻ hay những môn học như bơi lội, xử lý tình huống khi lỡ bị lạc, hoặc trang bị cho các em kiến thức để tránh bạo lực học đường ngay từ bậc tiểu học…”, chị Điệp chia sẻ.

Tương tự, chị Bùi Thu Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) có con học tiểu học lo ngại: Tôi thấy chương trình học của bậc tiểu học có rất nhiều kiến thức, học cả ngày ở trường chưa hết, tối các em phải vật lộn với phiếu bài tập về nhà tới khuya. Trong khi đó việc trang bị kỹ năng sống trong nhà trường không có, sau giờ học các con chỉ biết ăn và ngủ, nếu có thì rất hình thức chứ không thực chất. Ngay như môn Bơi lội, ngành giáo dục luôn nhấn mạnh vai trò của bơi lội, nhưng để môn bơi thành môn học chính thức cho học sinh tiểu học vẫn chỉ là đề xuất từ nhiều năm qua. Muốn con biết bơi, các gia đình phải tự cho con em đi học ở các trung tâm với chi phí khá đắt đỏ.

Với ngành giáo dục, dù nhìn nhận rõ thực trạng đuối nước là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em Việt Nam trong các tai nạn thương tích, nhưng việc đưa môn bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước trong trường hàng chục năm qua vẫn chỉ là những lời hứa và kế hoạch trên văn bản. Cụ thể, tháng 4 vừa qua, Bộ GDĐT mới có quyết định phê duyệt tài liệu hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh. Theo tài liệu này, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em, cướp đi mạng sống của hơn 3.000 trẻ em mỗi năm.

Tuy nhiên, chỉ tính từ đầu kỳ nghỉ hè đến nay, nhiều địa phương đã ghi nhận hàng chục ca đuối nước thương tâm. Ngày 10/6, tại Cao Bằng đã xảy ra vụ đuối nước làm 2 anh em trong một gia đình bị tử vong. Ngày 2/6, nam sinh lớp 6 Trường THCS Đặng Cương, huyện An Dương, TP Hải Phòng tử vong vì đuối nước. Trước đó, tại Nghệ An, chỉ trong 1 tuần của tháng 5 đã có 4 vụ đuối nước làm 6 trẻ em tử vong. Ở các tỉnh phía Nam, hàng loạt vụ trẻ em đuối nước xảy ra vào những ngày cuối tháng 5 như: 2 học sinh lớp 8 (xã An Phước, tỉnh Vĩnh Long) là anh em song sinh tử vong khi đi bắt cá và tắm ven bờ sông Cổ Chiên. Tại Đồng Tháp, 3 chị em ruột trong một gia đình tử vong khi tắm sông Bà Dư…

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm tuổi 15 - 19 tỷ lệ cao nhất, chiếm 43%, tiếp đến nhóm tuổi 5 - 14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0 - 4 chiếm 19,5%. Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái. Tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn 3 lần so với nữ giới. Cũng theo số liệu thống kê, ngoài nguyên nhân đuối nước đứng đầu bảng, còn rất nhiều tai nạn đáng tiếc khác xảy ra liên quan đến các tại nạn về điện, xâm hại tình dục, bỏng, ngã… những tai nạn mà đáng lẽ có thể phòng ngừa hoặc giảm nhẹ nếu trang bị cho trẻ đầy đủ những kỹ năng tự bảo vệ thiết yếu.

Khắc phục cách nào?

Liên quan đến kỹ năng sinh tồn, kỹ năng tự bảo vệ, trẻ em thời nay “thiếu” và “yếu” ngay cả những kỹ năng cơ bản nhất, cụ thể là môn bơi. Để khắc phục tình trạng này, Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) đưa môn bơi trở thành môn học chính thức trong chương trình học, các thầy, cô giảng dạy hoàn toàn miễn phí. Ông Đào Thế Anh - Hiệu trưởng Trường THPT Kiến Thuỵ cho biết, những năm học trước, nhà trường đã tổ chức dạy bơi cho học sinh dưới hình thức câu lạc bộ. Tuy nhiên, việc tổ chức theo mô hình này còn nhiều bất cập như học sinh chỉ tham gia theo sở thích, số lượng tham gia ít và chất lượng chưa cao. Nhằm phổ cập bơi đồng thời rèn luyện kỹ năng sống, phòng, chống tai nạn đuối nước và phát triển thể lực toàn diện cho học sinh, nhà trường đã đưa bơi thành nội dung tự chọn của môn Giáo dục thể chất trong hè. Sau hoàn thành khóa học, học sinh phải biết bơi ếch từ 25m trở lên và nhà trường có tổ chức kiểm tra đánh giá. Bên cạnh đó, trường đã tổ chức các giải bơi lội để khích lệ học sinh. Đây là một mô hình hay mà có lẽ nhiều trường học ở các địa phương trên cả nước cần tham khảo.

Với vai trò cá nhân dạy bơi miễn phí cho các em nhỏ tại hồ bơi Tân Túc (huyện Bình Chánh, TPHCM) và mong muốn các em nhỏ có một kỳ nghỉ hè an toàn và lành mạnh, vận động viên bơi lội Ánh Viên chia sẻ: Đuối nước đều có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, không chỉ riêng trẻ em. Vì vậy mọi người chú ý khi đi bơi, cần khởi động kỹ. Dù là biết bơi thì vẫn chỉ nên bơi trong phạm vi có người cứu hộ, không nên bơi một mình. Phụ huynh cũng cần quan tâm và chú ý đến các bạn nhỏ hơn, đặc biệt trong dịp nghỉ hè.

Để khắc phục tình trạng đuối nước, ở một góc nhìn khác, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) đề xuất cần đưa bể bơi an toàn thành một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới hiện nay. Theo TS Khuất Thu Hồng, nhiều địa phương phấn đấu trở thành nông thôn mới, xây dựng nhiều hạng mục công trình công cộng rất hoành tráng, nhưng quên mất bể bơi. Trong khi ở các vùng nông thôn, bể bơi không cần lớn, miễn là một nơi để các cháu có thể bơi an toàn, có người trông nom, quản lý, các cháu được dạy bơi. Có làm như vậy thì tình trạng đuối nước ở trẻ em mới được giải quyết tận gốc.

Nhìn rộng hơn về câu chuyện rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, nhiều ý kiến cho rằng, hè năm nào chúng ta cũng nghe “điệp khúc” những vụ tai nạn thương tích mà ẩn đằng sau đó phần lớn là do các em thiếu kỹ năng sống. Hiện nay, chương trình giáo dục mới chú trọng vào dạy người, dạy năng lực nhưng riêng về kỹ năng sống chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là chưa có nhiều nghiên cứu cơ bản để xác định rõ thanh thiếu niên ở các độ tuổi cần kỹ năng gì ở từng vùng miền.

Nhấn mạnh ngành giáo dục cần có các chương trình “khung” dạy về kỹ năng sống, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam kiến nghị: Việc dạy kỹ năng sống cho học sinh cần sự chung tay của cả 3 bên: Gia đình, nhà trường, xã hội. Các bên đều phải có những hợp tác nhất định để quản lý thời gian và dạy kỹ năng cho con trong thời gian nghỉ hè. Ví dụ như câu chuyện học bơi, chính quyền địa phương phải quy hoạch được sân chơi đủ an toàn cho trẻ em, nếu không trẻ em sẽ đi bơi ở các sông hồ rất nguy hiểm. Bên cạnh đó việc dạy kỹ năng bài bản phải là trách nhiệm của nhà trường. Đồng thời ngành giáo dục phải phê duyệt các chương trình khung này để các trung tâm, nhà văn hóa dạy kỹ năng cho trẻ em. Chương trình đó cũng cần được kiểm định thường xuyên từ việc đánh giá chất lượng. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh cũng cần tìm hiểu chương trình con em mình tham gia chứ không thể phó mặc cho nhà trường và xã hội.

TS Nguyễn Thành Nhân - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ Châu Á - Thái Bình Dương: Cha mẹ là người dạy kỹ năng quan trọng nhất của trẻ

Kỹ năng thực hành xã hội giúp các bạn trẻ biết làm chủ chính mình, tư duy tốt hơn, làm việc nhóm chuyên nghiệp hơn. Tôi có may mắn được đi giảng bài khắp cả nước cũng như đi các quốc gia khác. Vì vậy, tôi học được khá nhiều điều bổ ích từ chính các bạn trẻ và nhìn thấy những điều mà các bạn thiếu để hỗ trợ. Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất của chương trình dạy kỹ năng sống là đưa các em về điểm tựa gia đình, biết quý trọng bản thân và những gì cha mẹ đã và đang làm cho mình. Nhiều nội dung tưởng chừng như đơn giản nhưng là sợi dây gắn kết rất lớn giữa các thành viên trong gia đình với nhau.

Tôi cho rằng, học kỹ năng là nhu cầu quan trọng không chỉ thanh thiếu niên Việt Nam mà ngay cả trên thế giới cũng vậy. Tuy nhiên ở các nước tiến bộ, các nội dung này tích hợp học ngay trong nhà trường, trải nghiệm trong các chuyến huấn luyện xa, còn ở Việt Nam các em quá thiếu. Có một điều tôi muốn nói, cha mẹ là người dạy kỹ năng quan trọng nhất của trẻ nhưng tiếc là phụ huynh tại Việt Nam hiện nay quá bận bịu, không có thời gian và cũng thiếu kỹ năng truyền tải những điều mình cần dạy cho con. Chính vì vậy, việc các em học thêm tại các trung tâm kỹ năng là cần thiết. Tuy nhiên, mỗi em đều có khả năng khác nhau. Vì vậy, để chọn chương trình đào tạo kỹ năng sống cho các em, phụ huynh nên xem xét kỹ nơi mình lựa chọn. Sau đó, sự rèn luyện tiếp tục tại nhà khá quan trọng, nếu không các em sẽ trở lại con người cũ trong vài tuần. Chính phụ huynh là người cần duy trì cũng như cam kết đồng hành cùng các em trong chuỗi ngày rèn luyện tiếp theo.

Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Ủy ban Thể dục Thể thao: Để bơi lội trở thành phong trào

Với điều kiện địa lý tự nhiên nhiều sông, suối, ao, hồ… nên người dân Việt Nam phải thích ứng, tức là phải biết bơi, giỏi bơi để tồn tại. Do đó, cần tạo ra được phong trào rộng khắp trong việc tổ chức huấn luyện bơi để phòng chống đuối nước cho người dân, đặc biệt cho học sinh.

Với xu thế xã hội hóa như hiện nay, chúng ta đã chứng kiến các tổ chức, cá nhân cùng cơ quan nhà nước tạo ra những giải chạy thu hút tới 5.000, 10.000 người tham gia. Tại sao chúng ta không tổ chức phong trào bơi? Muốn tạo ra phong trào, phải huy động được sự đóng góp của tổ chức xã hội, tương tự như các giải chạy. Cần kêu gọi cá nhân, tổ chức phát huy phong trào bơi lội..., bởi điều này mang lại lợi ích to lớn, ý nghĩa thiết thực cho đời sống nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ như học sinh, sinh viên. Trong khi đó, công tác tổ chức phong trào bơi lội của các nhà quản lý phải gặp nhau ở một điểm: Có chủ trương đúng và có biện pháp hợp lý. Hiện tại, biện pháp tổ chức theo con đường xã hội hóa là phù hợp nhất để phát triển bơi lội trên khắp mọi miền đất nước, đóng góp cho chiến lược phòng chống đuối nước trong học sinh, sinh viên nói riêng và người dân nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trang bị kỹ năng sống cho trẻ: Ai? Khi nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO