Trung bình 1 xe taxi của Vinasun nộp thuế khoảng 35,7 triệu đồng/năm trong khi con số này với xe taxi công nghệ là rất mập mờ!
Ảnh minh họa.
Mập mờ tiền thuế taxi công nghệ
Mới đây, trong công văn phát đi của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (taxi Vinasun), ông Trương Đình Quý, phó Tổng Giám đốc Vinasun cho biết, thông tin “Grab đóng thuế nhiều gấp 3 lần Vinasun” là hoàn toàn không chính xác.
Cụ thể, theo các báo cáo đã kiểm toán, số thuế Vinasun đã nộp năm 2018 là 207,861 tỷ đồng, chứ không phải con số 144 tỷ đồng. Trong khi, số thuế của Grab, theo số liệu Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Quốc hội ngày 5/6 thì tổng số thuế mà 9 công ty taxi công nghệ trong năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 (trong đó có Grab) phải nộp là 437 tỷ đồng và các doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách 415 tỷ đồng.
Ông Quý cho biết thêm, Vinasun luôn là đơn vị đứng đầu về nộp thuế trong toàn ngành vận tải taxi. Số thuế nộp vào Ngân sách Nhà nước tăng đều qua các năm. Cụ thể, từ năm 2014 - 2016 tổng số thuế của Vinasun nộp là trên 1.200 tỷ đồng. Trong khi với số lượng xe lớn hơn gấp nhiều lần, nhưng Grab chỉ nộp vỏn vẹn 9,5 tỷ đồng (Kết luận của Thanh tra Tổng cục Thuế). Năm 2017, Vinasun nộp 335,07 tỷ đồng và năm 2018 nộp 207,86 tỷ đồng.
Buộc Grab hoạt động như xe taxi
Mặc dù là doanh nghiệp thu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh taxi nhưng nhiều năm qua, Grab luôn khẳng định mình không kinh doanh vận tải. Vì vậy, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sáng ngày 5/6, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về cạnh tranh không lành mạnh giữa xe hợp đồng điện tử và taxi truyền thống.
Theo đại biểu Phạm Văn Hoà, Phó Đoàn chuyên trách tỉnh Đồng Tháp, Grab mới nộp thuế 10 tỷ đồng năm 2014 - 2016, còn các hãng taxi truyền thống nộp thuế hàng nghìn tỷ mỗi năm. Giải pháp nào để quản lý xe công nghệ như Grab, chặn tình trạng tăng số lượng xe chui, trốn thuế?...
Trước những câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện có khoảng 48.000 xe hợp đồng điện tử đăng ký hoạt động, song con số thực tế có thể cao hơn do còn lượng lớn người dân mua xe kinh doanh hình thức này mà không đăng ký. Ông Thể khẳng định, chính sách quản lý hoạt động vận tải đảm bảo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, nhất là giữa xe công nghệ và taxi truyền thống.
Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 86/2014 sau 7 lần sửa đổi, trình Chính phủ thì hiện đã nhận được ý kiến đồng thuận cao. Theo đó, dự thảo Nghị định này sẽ quy định xe hợp đồng điện tử và taxi truyền thống đều phải gắn mào để lực lượng chức năng dễ nhận biết, quản lý phương tiện lưu thông trên đường.
Ngoài ra, xe công nghệ hay taxi cũng đều phải chịu quy định về thủ tục như nhau, chẳng hạn Grab hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký, đăng kiểm, cũng như chịu trách nhiệm trực tiếp trước lái xe, hành khách... như taxi truyền thống. Ngược lại, taxi truyền thống cũng sẽ được gắn các thiết bị công nghệ phục vụ hành khách như xe hợp đồng điện tử.