Bàn bạc, bàn luận, bàn cãi, tranh luận, thảo luận, tranh cãi là những biện pháp, phương pháp làm việc, là những kỹ năng sống quan trọng bậc nhất của con người trong mọi thời đại, mà mục đích tối cao là để thực hành tốt Tư duy phản. Vì chỉ có tư duy phản biện con người mới tiến bộ được, gia đình mới tiến bộ được, xã hội mới tiến bộ được.
Theo Từ điển tiếng Việt thì:
- “Bàn bạc là bàn việc, trao đổi ý kiến (nói khái quát). Thí dụ: Bàn bạc công việc”.
- “Bàn cãi là trao đổi qua lại những ý kiến trái ngược về một việc gì, về vấn đề gì. Thí dụ: bàn cãi cho ra lẽ. Vấn đề đã rõ không cần phải bàn cãi gì nữa”.
Cũng theo Từ điển tiếng Việt:
- “Tranh cãi” là bàn cãi để phân rõ phải trái. Thí dụ: Tranh cãi về lý luận. Một vấn đề còn đang tranh cãi”.
- “Tranh luận” là bàn cãi để tìm ra lẽ phải. Thí dụ: Tranh luận về học thuật. Kết thúc cuộc tranh luận”.
- “Thảo luận” là trao đổi ý kiến về một vấn đề, có phân tích lý lẽ. Thí dụ: Thảo luận kế hoạch công tác”.
Từ cách đây hàng trăm năm, bậc thầy về thơ ngụ ngôn, Jean de la Fontaine (1621 – 1695) đã ca ngợi tác dụng to lớn của sự tranh luận trong đời sống hàng ngày: “Tranh luận giúp lợi ích lớn lao/ Thiếu nó, người có khác nào trong mê”. Quả đúng như thế, từ việc nhỏ đến việc lớn có nhiều điều chưa chắc ta đã hiểu kỹ, hiểu rõ, hiểu đúng để mà thực hành, để mà làm việc. Nếu ai đó vì mê muội, vì tự ái không dám hỏi ý kiến người khác, không dám tranh luận, thảo luận thành ra dốt nát suốt đời, thành ra u mê ám chướng không biết mở mắt to để nhìn rõ trắng đen, phải trái. Kết cục thật thảm hại, đâm ra tự mình lại hại mình vì bị sự ngu dốt bao phủ.
Trong cái kỹ năng tranh luận, tranh cãi thì người biết im lặng lắng nghe, im lặng tiếp thu, im lặng đón nhận ý kiến của người khác, im lặng nghe theo ý kiến đa số đúng đắn là đáng quý nhất, đáng trân trọng nhất. Học giả Le Talmud ở thời Trung cổ đã từng dặn dò: “Người nào biết im lặng đầu tiên trong cuộc tranh luận là người đáng khen nhất”. Vì sao như thế? Rất dễ hiểu, vì Thượng đế cho ta 2 cái tai để nghe, chỉ có 1 cái miệng để nói, nên ta phải tuân theo quy luật là “nghe nhiều tốt hơn nói nhiều”! Việt Nam ta cũng có câu: “Ở nhà nhất mẹ nhì con/ Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta” và nếu ai nắm bắt được lời dặn dò này, khi có việc đối ngoại, việc cần thảo luận với các đối tác khác cần hết sức thận trọng lắng nghe để từ từ rút ra nhận định nào đó thật kỹ rồi mới phát ngôn ra. Thận trọng như thế sẽ đỡ bị hớ, vì lời đã nói ra khó bề rút lại. Trong cuộc cãi vã tập thể ồn ào, ai biết im lặng trước mới thật sự khôn ngoan. Đợi đến khi không khí lắng dịu, ai cũng cần nghe điều hay lẽ phải, lúc đó mới thật sự là lúc cần nói, cần bầy tỏ chính kiến của mình.
Biết im lặng đúng lúc khi đang tranh luận, biết lắng nghe thận trọng trước khi phát biểu đã là khó, đã là khôn ngoan rồi, nhưng nếu biết cách kiềm chế để không phải dẫn đến cãi cọ, dẫn đến tranh cãi mới thật sự là tinh tế, là nhân văn. Chả thế mà triết gia Edmund Waller (1606 – 1687) đã soi sáng cho chúng ta: “Kiềm chế được sự tranh cãi, biết thực hành sự yêu mến thì chúng ta sẽ biết cảm thông với nhau như những thiên thần trên thượng giới”.
Thì ra, nếu ta biết đem lòng yêu thương để thông cảm với nhau còn quý giá hơn tranh cãi, tranh luận để cố phân định ai đúng ai sai. Cao quý thay những bậc tài trí hơn người mới biết cách thực hành và truyền dạy được tinh thần cao thượng như thế.
Cũng với cái tinh thần hòa hiếu, nhân văn để cố giữ hòa khí, lấy yêu mến thông cảm với nhau để giải quyết các xung đột, các nhà triết học phương Đông cổ đại còn dạy ta cách phân biệt đối tượng để bày tỏ thái độ cho đúng mực. Sách Luận ngữ (Đông phương cổ đại) đã viết: “Gặp người đáng nói mà mình không nói là bỏ mất người hay. Gặp người không đáng nói mà mình nói là phí hoài mất lời nói” (Khả dữ nhân tri ngôn nhi bất dữ chi ngôn, thất nhân. Bất khả dữ nhân chi ngôn nhi dữ chi ngôn, thất ngôn). Theo cách hướng dẫn này của Luận ngữ ta nên có sự chọn lọc, tìm hiểu kỹ đối tượng, đối tác, hợp đồng làm ăn xem có đáng làm không, có nên hợp tác không rồi hãy tranh luận bàn bạc. Nếu việc quá sức mình cũng nên tìm cách thoái lui. Nếu việc đó không đáng mất công mất sức của mình cũng nên tìm cách thoái lui. Cả hai trường hợp vừa nêu ta nên có thái độ dứt khoát từ đầu, chớ nên nấn ná, rền dứ, việc vừa không đi đến đâu vừa lãnh đủ những phiền phức không ngờ tới. Việc đời phong phú, phức tạp, nhiễu loạn như thế mà chỉ quy vào có hai điều: Đừng đánh mất người hoặc đừng đánh mất lời thì quả thực quá cô đọng, quá minh triết của Cổ học tinh hoa.
Cũng bàn thêm về các kỹ năng đàng hoàng, uyên bác và khiêm tốn khi tham gia tranh luận, thảo luận, nhà triết học cổ đại Ritilius Rufus (Năm thứ 2 sau Công nguyên) đã xác định rõ ràng: “Những ai sử dụng đến lời nói mỉa mai hoặc những lời cạnh khóe thì không xứng đáng là lời tranh luận”. Vì sao thế? Vì người thắng thế khi đứng về chính nghĩa, đứng về sự thật cần gì phải nói những lời cay độc, cạnh khóe. Những lời ấy chỉ dành cho kẻ yếu, kẻ sắp thua trong cuộc tranh cãi, bàn luận. Nói một cách khác, người ôn tồn, bình tĩnh, đàng hoàng luôn biết cách sử dụng lợi thế ngôn ngữ trong các trận chiến ngôn ngữ trên bàn đàm phán, trên bàn hội nghị.
Đại văn hào Victor Hugo cũng tán thành nhận xét của Rufus khi ông viết: “Những lời nói hùng hổ và cay chua chứng tỏ một lý lẽ yếu đuối”.
Đáng quý thay, đáng trân trọng thay những lời dạy bảo của các bậc hiền tài, từ Rufus đến Victor Hugo, đã nhắc ta mãi mãi phải là người ôn tồn, hòa nhã và luôn giữ cho mình một lý lẽ sắc sảo, đanh thép và có sức thuyết phục người khác trong kỹ năng tranh luận, thảo luận.
Nhưng tranh luận, thảo luận, bàn bạc, bàn cãi nào cũng có 2 mặt của nó, như ta thường nói “2 mặt của 1 vấn đề”. Đó là mặt tích cực, dương tính và mặt tiêu cực, âm tính của tranh luận.
Mặt tích cực của tranh luận là:
- Giữ vững tính hoài nghi, giữ vững tư duy phản biện là cơ sở và nền tảng để phát triển tư duy, trí tuệ của con người.
- Tranh thủ được nhiều ý kiến của công luận nên bao giờ cũng đầy đủ hơn, sáng suốt hơn, đúng đắn hơn. Tránh được bảo thủ, trì trệ, lạc hậu.
Mặt tiêu cực, hạn chế của kỹ năng tranh luận là:
- Thảo luận nhiều quá, tràn lan, không còn kiểm soát được dẫn tới hỏng việc, mất đoàn kết nội bộ.
- Những việc đã xẩy ra rồi, đã qua rồi không nên nhắc đi nhắc lại mãi gây tổn thương về tâm lý và kết quả không đi đến đâu mà ngày càng trở nên tồi tệ.
Đoạn trên đã nói nhiều về tính tích cực của tranh luận. Những dòng sau đây sẽ phân tích sâu hơn về hai khía cạnh cần đề phòng trong kỹ năng tranh luận.
Nhà bác học John Denham (1615 – 1669) trong tác phẩm kinh điển “Sự tiến bộ của học vấn” đã cảnh báo về sự tranh luận thái quá, biện luận bảo thủ và không ai chịu ai, tranh nhau nói sẽ dẫn đến kết quả thảm hại khi ông viết: “Cây tri thức úa tàn vì biện luận/ Lá khô cằn thay thế việc đơm bông”. Dù xa cách chúng ta hàng mấy trăm năm nhưng ý kiến của Denham rất giống với lời dạy bảo của cha ông ta ngày trước, đó là: “Lắm thầy thối ma/ Nhiều cha con khó lấy chồng”. Câu này đúng hoàn toàn, vì trong nhà có “ma” mà mời càng nhiều thầy bói, thầy cúng, thầy mo về làm lễ thì vừa mất tiền, tốn của mà “ma” lại sinh ra nhiều hơn. Còn có con gái lớn trong nhà, có ai đến “hỏi” thì phải nhanh chóng gả đi, chứ hết cha đẻ rồi đến cha nuôi, mỗi người một ý thì chắc chắn cô con gái trở thành ế ẩm vì mọi người còn mải cãi nhau.
Sang một ý khác cần lưu ý về kỹ năng tranh luận, nhà hiền triết Đông phương cổ đại, Khổng Tử, cũng đã căn dặn: “Việc đã thành, chớ nói lại/ Việc đã rồi, chớ can gián/ Việc đã qua, chớ trách cứ” (Thành sự bất thuyết/ Toại sự bất gián/ Ký vãng bất cứu). Những ý tứ này, những góc nhìn này vừa bác học, vừa bình dân, nó nhắc con người hãy nhìn vào các niềm vui ở đây và ngay bây giờ để tận hưởng những ngày hạnh phúc có thật, nếu không chúng sẽ trôi qua uổng phí và ta sẽ hối tiếc vô cùng.