Quốc tế

Trật tự kinh tế mới trong năm 2024

Hà Anh 04/01/2024 07:08

Năm 2024 có thể gây bất ngờ khi thế giới điều chỉnh theo trật tự kinh tế mới với một cái “giá” không hề dễ chịu.

anh-bai-chinh-3-1.jpg
Sở giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Nguồn: AP.

Chứng khoán toàn cầu tăng điểm và lợi suất trái phiếu chính phủ hàng đầu giảm trong những tuần gần đây, bất chấp các ngân hàng trung ương cảnh báo không nên đặt cược xoay vòng. Ở Mỹ, các nhà đầu tư hiện đang ở vị trí thuận lợi để Cục Dự trữ liên bang (Fed) hướng dẫn nền kinh tế hạ cánh an toàn, giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Niềm tin của thị trường được nhen nhóm sau khi nền kinh tế Mỹ phục hồi một cách đáng ngạc nhiên. Điều đó một phần được hỗ trợ bởi khoản tiết kiệm của người tiêu dùng từ đại dịch Covid -19 và sức hấp dẫn của Mỹ như một bến cảng an toàn để đầu tư.

Dù vậy, nhiều nhà đầu tư đang đặt cược rằng, Fed có thể cắt giảm lãi suất tới 1,5% vào cuối năm 2024, nhưng điều đó vẫn khiến lãi suất chính sách ở mức gần 4%, cao hơn mức đã tồn tại trong suốt hai thập kỷ qua. Ở mức đó, chính sách tiền tệ vẫn sẽ là lực cản đối với tăng trưởng.

Thêm vào đó là một loạt rủi ro khác đối với triển vọng vào năm 2024. Đại dịch Covid-19 đã lùi vào dĩ vãng trong năm 2023, nhưng xung đột Ukraine - Nga vẫn dai dẳng và bạo lực tại dải Gaza bùng nổ đặt thế giới vào quỹ đạo nhiều thách thức khó lường trong năm 2024. Các cuộc bầu cử ở một số quốc gia cũng có thể thay đổi hoàn toàn trật tự thế giới theo những cách không thể ngờ.

Lãi suất định hình mọi thứ, từ tăng trưởng kinh tế đến giá trị tài sản tài chính hay chi phí đi vay để mua ô tô hoặc nhà. Lãi suất cao hơn làm cho các tài sản như cổ phiếu công nghệ và tiền điện tử kém hấp dẫn hơn, vì các nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận kha khá mà không phải chịu nhiều rủi ro khi đầu tư vào các kênh này.

Trong khi Fed và các ngân hàng khác đã tăng lãi suất trong hơn một năm qua, thế giới vẫn chưa hoàn tất quá trình chuyển đổi từ thời điểm tiền tệ tự do sang thời kỳ thắt chặt. Năm 2024 có thể sẽ là năm mà những tác động của quá trình chuyển đổi này thể hiện rõ ràng hơn.

Điều đó có nghĩa là các công ty - trong một số trường hợp là toàn bộ quốc gia - sẽ phải cơ cấu lại các khoản nợ của mình vì không còn đủ khả năng trả lãi. Điều này đã được thể hiện rõ trong các cuộc đàm phán nợ ở các thị trường mới nổi và tình trạng phá sản ngày càng gia tăng của các công ty, doanh nghiệp. Số hồ sơ phá sản doanh nghiệp của Mỹ đạt mức cao nhất kể từ năm 2020. Dự báo tình hình này sẽ còn xảy ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Đối với lĩnh vực bất động sản thương mại - nơi một số phân khúc văn phòng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cách làm việc mới sau đại dịch - sẽ còn chịu nhiều tổn thất hơn. Nhiều chủ nhà có thể sẽ phải đánh giá lại danh mục đầu tư của họ và từ bỏ chìa khóa các tòa nhà, đồng thời thua lỗ đổ vào các ngân hàng và nhà đầu tư như đang xảy ra với công ty bất động sản mất khả năng thanh toán của châu Âu Signa.

Đối với người tiêu dùng, trong khi việc tiết kiệm mang lại nhiều lợi nhuận hơn thì chi phí cho vay cao hơn sẽ cần phải điều chỉnh. Ví dụ, nhiều người trưởng thành ở Mỹ chỉ biết đến lãi suất thấp cho các khoản thế chấp 30 năm của họ. Giờ đây, họ cần phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn gấp đôi và tính toán sao cho phù hợp với ngân sách cá nhân. Và cuối cùng, điểm mấu chốt là niềm tin của các nhà đầu tư có thể sẽ bị thử thách, vì mọi người sẽ phải tìm cách sống sót với lãi suất cao hơn.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới được dự báo giảm xuống mức 2,7% vào năm 2024, từ mức 2,9% trong năm 2023, trước khi tăng lên mức 3% vào năm 2025. Nguyên nhân tăng trưởng chậm lại là bởi các điều kiện tài chính được thắt chặt hơn, tăng trưởng thương mại yếu, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng thấp…

Các ý kiến phân tích cho rằng, dù những dự báo có xu hướng chỉ ra kịch bản “hạ cánh mềm”, nhưng không thể xem thường rủi ro trước giá cả hàng hóa biến động, những thay đổi về địa chính trị, cũng như những diễn biến khó lường ở các nền kinh tế lớn… Trong đó, tình hình các điểm nóng xung đột được cho là sẽ có tác động mang tính quyết định tới triển vọng kinh tế thế giới năm 2024. Điển hình, nếu xung đột lan rộng ở Trung Đông, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay sẽ bị nhấn chìm, bởi nó sẽ tạo ra sự gián đoạn đáng kể đối với thị trường năng lượng và các tuyến thương mại chính.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, để tránh những cú sốc, các kế hoạch chi tiêu và thuế rõ ràng là rất quan trọng. Các nước cần duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt hiện tại cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng rằng lạm phát được kiểm soát, nhường chỗ cho một số đợt tăng lãi suất bổ sung nếu cần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trật tự kinh tế mới trong năm 2024

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO