Nghị quyết quy định mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao (CLC) trên địa bàn Thủ đô năm học 2020-2021 đã được các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội thông qua mới đây, với tỷ lệ 94,06% tán thành.
Theo đó, từ năm học 2021-2022, học phí một số trường công lập CLC sẽ được điều chỉnh. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của nghị quyết là trẻ em học mầm non, học sinh tại 14 cơ sở giáo dục CLC trên địa bàn thành phố.
Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, trong 14 trường này có 7 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 4 trường trung học cơ sở (THCS) và 1 trường trung học phổ thông (THPT). Hiện mức thu của các trường được thực hiện theo Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND năm 2016 của HĐND thành phố quy định mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập CLC năm học 2019-2020. Cụ thể, cấp học mầm non và tiểu học có mức trần học phí là 5,1 triệu đồng/tháng; cấp THCS và THPT là 5,3 triệu đồng/tháng. Qua 4 năm học, mức thu học phí bình quân của 14 trường công lập CLC đều dưới mức trần theo quy định trên. Hiện các trường vẫn tự bảo đảm chi thường xuyên.
Trong Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ mười một, HĐND thành phố khóa XV, mức trần học phí năm học 2020-2021 với cấp học mầm non và THCS được giữ nguyên như năm học 2019-2020, lần lượt là 5,1 triệu đồng/học sinh/tháng và 5,3 triệu đồng/học sinh/tháng. Mức trần học phí cấp tiểu học và THPT được điều chỉnh tăng ở các mức tương ứng 5,5 triệu đồng/học sinh/tháng và 5,7 triệu đồng/tháng; đồng nghĩa với tăng thêm 400.000 đồng/tháng so với hiện nay. Mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập CLC áp dụng năm học 2020-2021 sẽ được điều chỉnh bắt đầu từ năm học 2021-2022.
Ở các năm học trước đó, việc tăng học phí của các trường công lập CLC đã gây nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh. Nhiều người băn khoăn về tiêu chí trường CLC, vấn đề tài chính ở trường công lập CLC, bởi mức thu ở nhiều trường hiện nay không dễ thở với những gia đình có mức thu nhập trung bình. Ngoài tiền học phí, các khoản tiền phụ thu đã “đội” gánh nặng ngân sách với những gia đình có 2 con cùng học trường công lập CLC. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu những trường công lập CLC hiện nay có phải trường chỉ dành cho con nhà giàu, bởi mức học phí hiện nay cao tương đương, thậm chí còn cao hơn các trường tư thục.
Mô hình trường công lập CLC nếu xét từ mức học phí và giá các loại dịch vụ hiện nay thì có khác gì so với trường tư thục hay không? Và với mức học phí cao như hiện nay, thì cơ hội được vào học của những học sinh khá, giỏi nhưng gia đình không có điều kiện về kinh tế là rất hẹp. Hơn thế, nếu trường học hạch toán theo cơ chế thị trường, tức là tự chủ hoàn toàn, có nên gắn “mác” trường công lập hay không?
Ngoài các trường THPT CLC do Sở GDĐT quản lý (gồm Trường THPT Nguyễn Siêu, THPT Phan Huy Chú, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm…), từ mùa tuyển sinh năm 2016 tại Hà Nội cũng có thêm một số trường THPT CLC trực thuộc các trường ĐH. Được biết, mức học phí của các trường này cũng không hể thấp. Đơn cử như Trường THPT Khoa học Giáo dục (thuộc ĐHQGHN), học phí từ 3,2 đến 3,6 triệu đồng/tháng (chưa kể tiền ăn trưa và dịch vụ xe tuyến), tổng cộng mức chi tiêu mỗi tháng cho học sinh THPT ước khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng.
Vậy trường như thế nào được gọi là trường công lập CLC? Theo Sở GDĐT Hà Nội, có 5 tiêu chí các trường CLC bao gồm: Cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; chương trình giảng dạy; phương pháp giảng dạy; các dịch vụ chất lượng cao. Việc tăng học phí trường CLC nhằm tạo điều kiện cho các trường có thời gian chuẩn bị tâm thế và nguồn lực tài chính, tiến tới tự đảm bảo hoạt động chi thường xuyên, học phí phù hợp không đột biến với phụ huynh... Hà Nội cũng đặt mục tiêu tăng thêm 20 trường CLC từ nay đến năm 2020.
Ủng hộ việc phát triển hệ thống trường công lập CLC, nhưng theo ông Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, khi giao quyền tự chủ cho các trường, cơ quan quản lý cần quy định mức học phí tối đa để các trường không được thu vượt ngưỡng. Tùy thuộc vào cơ sở vật chất để cơ sở giáo dục đưa ra mức học phí tương ứng và lựa chọn là ở phụ huynh. Còn TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, dù ở môi trường công lập, tư thục hay cơ sở công lập CLC, chất lượng và hiệu quả giáo dục sẽ là thước đo chính xác nhất. Bằng không, việc thu học phí cao, thừa định tính nhưng thiếu định lượng là những lý do chính khiến loại hình trường CLC vẫn khiến xã hội còn nghi ngại. Trong khi chúng ta vẫn còn chưa phân định rõ việc có thị trường giáo dục hay không? Liệu có nên coi giáo dục cũng là một loại hàng hóa hay không?... Do đó việc duy trì mô hình giáo dục kiểu nhà nước thu tiền sẽ gây ra sự phân hóa lớn trong xã hội.
Dù biết mức học phí tăng lên theo năm và ở mức khung quy định, song nhiều phụ huynh tại Hà Nội cho rằng, học phí trường công lập CLC lên đến trên 5,5 triệu đồng/tháng là cao so với mặt bằng chung hiện nay.Vì lẽ đó việc quản lý, giám sát chất lượng đào tạo của các trường CLC là yêu cầu cần thiết.