Tự chọn sách giáo khoa

Bắc Phong 28/10/2023 07:54

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, để lấy ý kiến góp ý của dư luận, đến hết ngày 20/12/2023. Điểm đáng chú ý nhất của dự thảo Thông tư là Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông do hiệu trưởng thành lập thay vì do UBND tỉnh, thành phố, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập theo quy định hiện hành.

T hông tư được áp dụng đối với trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

Theo đó, mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập một hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu là 5 người.

Nhiệm vụ của hội đồng là tổ chức thẩm định biên bản các cuộc họp của tổ chuyên môn; các phiếu nhận xét, đánh giá sách giáo khoa (SGK) của giáo viên; danh mục SGK do các tổ chuyên môn lựa chọn. Từ đó, tổng hợp, đề xuất với người đứng đầu trường danh mục SGK do các tổ chuyên môn lựa chọn sau khi đã thẩm định đạt yêu cầu.

Chủ tịch hội đồng chịu trách nhiệm giải trình về việc lựa chọn SGK của cơ sở.

Căn cứ vào kết quả của các trường do Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn SGK của các trường tại địa phương.

Tại thời điểm này, dự kiến giao việc chọn SGK về nhà trường được dư luận ủng hộ. Đây có thể coi là việc “phân cấp phân quyền” cho cơ sở, trong nỗ lực chấm dứt những lùm xùm bấy nay xung quanh SGK, trong đó có chuyện tỷ lệ chiết khấu quá cao khiến giá SGK bị đẩy lên. Theo Nghị quyết số 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XV) ban hành ngày 18/9/2023, giai đoạn 2015-2022 Nhà nước đã bố trí tổng kinh phí hơn 213 nghìn tỷ đồng để thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, trong đó có việc thay SGK các cấp. Số tiền rất lớn đó khiến nhiều người giật mình, nhưng mấu chốt là “làm mới” SGK dường như vẫn còn nhiều bất cập.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, giá bộ SGK mới tăng gấp 2 - 4 lần giá bộ SGK cũ. Số đầu SGK tăng, tình trạng bán SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến việc người dân phải bỏ thêm nhiều tiền ra mua sách học cho con. Cùng đó, chi phí phát hành SGK cao. Đơn cử, mức chi phí phát hành tối đa đối với SGK phục vụ năm học 2020-2021 và 2021-2022 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 29% giá bìa; sách bài tập là 33%; sách giáo viên là 15%. Năm học 2022-2023, các con số tương ứng là 28,5% - 35% - 15%.

Thời gian qua, tại nhiều địa phương, phụ huynh có con học trường công phải đóng nhiều loại tiền, vì thế không thể để SGK làm cho gánh nặng chi phí nặng hơn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều gia đình còn rất khó khăn, nhất là ở các vùng nông thôn,vùng sâu vùng xa. Cũng càng không thể xem SGK là “miếng bánh” để chia nhau thị phần của các nhóm lợi ích hoặc để cho cơ chế xin - cho có cơ hội lũng đoạn. Vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là một bài học nhãn tiền.

Lãng phí từ SGK không chỉ lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước, mà còn làm hao tổn tiền bạc của mỗi gia đình.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký nghị quyết về giám sát chuyên đề về việc thực hiện nghị quyết 88 Quốc hội khóa XIII và nghị quyết 51 Quốc hội khóa XIV về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, giai đoạn 2014-2022. Trong đó có vấn đề cung ứng, phát hành SGK còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Quy định lựa chọn SGK tại Thông tư 25 của Bộ GDĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương, tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh.

Tất nhiên, SGK có nhiều vấn đề, nhưng chỉ với việc giao cho các trường chọn thay vì cấp tỉnh cũng đã đem đến hy vọng lành mạnh hóa thị trường xuất bản khổng lồ này khi mà khâu trung gian được tối giản. Số đầu sách chọn mua giảm, chiết khấu giảm thì tất nhiên số tiền mỗi gia đình bỏ ra mua giá SGK cho con sẽ giảm.

Đó là điều nên làm và cần làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự chọn sách giáo khoa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO