Tự chủ đại học không có nghĩa là chỉ là tự chủ về tài chính. Quyền tự chủ của trường đại học càng lớn thì đi kèm trách nhiệm xã hội càng cao. Tự chủ đại học, thì quyền tự chủ của nhà trường sẽ được trao cho một Hội đồng trường chứ không chỉ là của riêng một cá nhân nào. Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội thảo “Tự chủ đại học-cơ hội và thách thức” do Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng tổ chức ngày 30/9.
Ảnh minh họa.
Hiểu đúng về tự chủ Đại học
Nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới, vấn đề tự chủ Đại học (ĐH) ở nước ta đã được khởi động từ nhiều năm trước. Theo TS Đặng Văn Định (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ VN), từ năm 1986-1990, Việt Nam có 95-102 trường, phân hiệu ĐH, CĐ với kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước với quy mô sinh viên cả nước chỉ từ 121 nghìn-138 nghìn, không đáp ứng nguyện vọng học tập của nhân dân. Đến năm 1993, ĐHQG Hà Nội được thành lập, 2 năm sau ĐHQG TP HCM ra đời.
Các ĐHQG có địa vị pháp lý đặc biệt, không có cơ quan chủ quản chỉ chịu sự quản lý nhà nước của các bộ ngành có liên quan, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao và được dùng con dấu quốc huy. Với những thành tựu đã đạt được, ĐHQG là tổ chức tự quản độc lập, ở đó nhà nước không áp đặt mà chỉ giám sát.
Mô hình ĐHQG không chỉ là đổi mới cơ chế quản lý giáo dục ĐH cho phù hợp với quá trình đổi mới kinh tế xã hội mà là cách làm đón đầu trong giáo dục và đào tạo, một phép thử thành công về trao quyền tự chủ toàn diện cho các trường ĐH.
Bên cạnh đó, sự ra đời của ĐH bán công, ĐH dân lập, ĐH tư thục trong tổng số 436 trường ĐH, CĐ (chưa kể trường của lực lượng vũ trang, trường quốc tế) ở Việt Nam không phải là vấn đề mới nhưng chưa quen.
“Ở Việt Nam, vừa phải tiếp tục thuyết phục nhau là nên thực hiện tự chủ ĐH, vừa phải nghiên cứu cách thức tự chủ phù hợp với hoàn cảnh và thể chế chính trị. Trong khi với thế giới, không có vấn đề nên hay không nên mà coi đó là thuộc tính của giáo dục ĐH, đã được quy định thành luật pháp. Vấn đề còn lại là nên tự chủ thế nào để có hiệu quả nhất”-GS TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam nhận định.
Để làm được điều đó, theo GS Quân, tự chủ ĐH phải thực hiện đầy đủ trên 3 mặt, không nghiêng về mặt nào: tự chủ thực hiện nhiệm vụ đào tạo, hoạt động khoa học (tự chủ học thuật), tự chủ về tài chính và tự chủ về nhân lực.
Nhiều hạn chế quyền tự chủ trong Luật Giáo dục
Luật Giáo dục (2005) đã ghi nhận quyền tự chủ ĐH về cơ bản tương tự quan niệm của các nước phát triển: Tự chủ về chương trình, kế hoạch đào tạo, hợp tác với bên ngoài.
Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Minh Thuyết- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội, ngay trong Luật cũng có những quy định hạn chế quyền tự chủ.
Đó là cơ sở giáo dục ĐH không được tự quyết định chương trình đào tạo vẫn phải theo chương trình khung của Bộ; Người đứng đầu cơ sở giáo dục ĐH không phải do tập thể giảng viên, viên chức hoặc hội đồng của cơ sở đó bầu mà do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm (đối với ĐH công lập) hoặc công nhận (ĐH ngoài công lập).
Về chế độ đãi ngộ, nhà giáo và viên chức của cơ sở giáo dục ĐH được trả lương theo quy định về ngạch, bậc và lương phụ cấp theo quy định của Chính phủ.
“Luật Giáo dục ĐH, tháng 9/2012 cũng tái khẳng định quyền tự chủ nhưng vẫn bị hạn chế ở một số mặt. Chẳng hạn, Luật quy định Thủ tướng xếp hạng ĐH, Bộ trưởng GD&ĐT xếp hạng CĐ trong khi đáng lẽ xếp hạng là việc của cộng đồng ĐH.
Năm 2010, chúng tôi có đi kiểm tra thì chỉ có 10 trường có hội đồng trường nhưng không có vai trò, tiếng nói tương xứng. Bởi HĐ trường thường do hiệu trưởng (giám đốc) làm chủ tịch nên đóng vai trò tư vấn hơn là một hội đồng quyền lực. Đồng thời, ở Việt Nam chưa làm rõ quan hệ Đảng ủy và hội đồng” – GS Thuyết nhấn mạnh.
Đối với các trường ĐH tư thục hiện nay, HĐQT là cơ quan quyền lực cao nhất. Nhưng Luật Giáo dục ĐH không phân biệt tổ chức của trường hoạt động vì lợi nhuận và trường hoạt động không vì lợi nhuận. Quyền của HĐQT ở loại hình nào cũng là quyền của các cổ đông lớn. HĐQT ở loại hình nào cũng có những thành viên không góp vốn.
Đặc biệt, đối với quyền tự chủ về tài chính là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của các trường thì các trường công lập nhận ngân sách nhà nước, học phí cũng là nguồn bổ sung ngân sách nhà nước nên phải tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật và học phí thu theo khung được Chính phủ quy định, sử dụng theo Luật Ngân sách nhà nước.
Thay đổi vai trò Hội đồng trường
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng câu chuyện tự chủ ĐH, cái vướng đầu tiên của xã hội e ngại là tự chủ nâng cao học phí ở mức trần, cao hơn các trường chưa tự chủ.
Như vậy ảnh hưởng đến con đường tiếp cận giáo dục chất lượng của những người nghèo. Vấn đề đặt ra là làm sao không tăng học phí nhưng vẫn có thể nâng cao chất lượng đào tạo?
“Hàng năm, Việt Nam có nhiều học sinh ra nước ngoài học với học phí cao gấp nhiều lần học trong nước. Ngoài ra, có những hình thức “du học tại chỗ” - học trường ĐH nước ngoài tại Việt Nam cũng có chi phí cao. Tại sao các cơ sở giáo dục ĐH không thay đổi, nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút những nguồn lực này? Đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo nhà nước phải có chính sách hỗ trợ”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Đối với các cơ sở giáo dục ĐH, Phó Thủ tướng cho rằng phần vốn của nhà nước sẽ xem xét trong khả năng có thể cấp cho các trường để tăng cường cơ sở vật chất, hoạt động khoa học.
Với lương, phụ cấp cho giáo viên có thể để các trường chuyển thành nguồn để cấp học bổng cho sinh viên. Phần chi thường xuyên sẽ giảm dần và lâu dài hướng tới như các nước tiên tiến trên thế giới.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhà nước không cấp tiền cho các cơ sở giáo dục ĐH khi đã tự chủ mà thậm chí sẽ được nhiều hơn. Như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân dù đã được trao cơ chế tự chủ ĐH.
Về phía Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng việc thí điểm này đã thực hiện cách đây gần 10 năm nhưng các trường vẫn rất khó khăn về tài chính do không có nguồn thu nào ngoài quy định như đã có trước đây.
Vì vậy, trong thời gian tới Bộ đang chủ trương sẽ luật hoá vấn đề tự chủ ĐH, xem tự chủ là một thuộc tính của giáo dục ĐH.
Làm sao để khi các trường ĐH được hình thành, bản thân nó đã tự chủ rồi, không cần ai cho phép nó. Nếu như giới hạn các quyền thì bản thân các trường không thích tự chủ và nếu đầu tư của nhà nước cắt hết thì các trường cũng sẽ rất khó khăn. Tháo gỡ được những vướng mắc này thì chắc chắn câu chuyện tự chủ ĐH sẽ thay đổi.
Dự kiến thời gian tới, những vấn đề tự chủ ĐH như mở ngành, hợp tác quốc tế, nhân sự… sẽ được bàn bạc và cụ thể hoá, đưa vào trong Nghị quyết. Trong đó, quy định giảng viên thỉnh giảng giống như giáo viên cơ hữu; quyền lợi của các cán bộ nghỉ hưu sẽ có thay đổi, có thể vẫn được giữ các chức vụ quản lý của nhà trường.
Được tự chủ về học phí nhưng cần đảm bảo chất lượng đào tạo đã cam kết. Đồng thời, điều lệ trường ĐH sẽ được sửa đổi để rõ chức năng nhiệm vụ của Hội đồng trường tránh “lập cho có” mà phải là một hội đồng quyền lực thực sự, quyết định mọi chính sách của nhà trường, có quyền chọn lựa hiệu trưởng và có cơ chế kiểm soát độc lập đối với mọi hoạt động của nhà trường.