Đây là một trong nội dung đáng chú ý của Nghị định số 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp bắt buộc, trong đó quy định hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.
Theo đó Nghị định quy định, người lao động bị bệnh nghề nghiệp, thân nhân người lao động bị bệnh nghề nghiệp được Quỹ BHXH về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp chi trả các chế độ bao gồm: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; trợ cấp một lần hoặc hằng tháng; trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp khi người lao động chết do bệnh nghề nghiệp; đóng BHYT cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
Hỗ trợ 100% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được BHYT chi trả.
Như vậy, so với Nghị định 37/2016/NĐ-CP, Nghị định 88 nâng mức hỗ trợ chi phí chữa bệnh nghề nghiệp lên 100% thay vì 50% như trước đây. Mặt khác, bổ sung thêm đối tượng được hưởng là “thân nhân người lao động bị bệnh nghề nghiệp” thay vì chỉ giới hạn là người lao động bị bệnh nghề nghiệp như trước đây.
Ngoài ra Nghị định 88 cũng quy định, người lao động được hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 khi có đủ các điều kiện sau: Đã được chẩn đoán bị bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp;
Đã tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp; Có tham gia BHXH bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây bệnh nghề nghiệp.
Đáng chú ý Nghị định 88 cũng quy định mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp bằng 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Y tế sau khi đã được BHYT chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người.
So với quy định tại Nghị định 37/2016/NĐ-CP, mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp cao nhất là 15 triệu đồng, thay cho quy định trước đây không quá 10 lần mức lương cơ sở/người.
Cũng theo Nghị định này, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động khi có đủ các điều kiện theo quy định.