Hai từ “khảo cổ” tôi được biết rất sớm. Cũng như vậy, những di vật khảo cổ như trống đồng Đông Sơn, mũi tên đồng, rìu đá rìu đồng cũng từng thấy nhiều lần trên sách và trong các trưng bày bảo tàng trong và ngoài nước... Thế nhưng thấy là thấy vậy thôi. Là để biết những thứ đó đã xuất hiện từ những niên đại rất xa xưa. Tất cả dừng lại ở đó!
Hiểu biết về khảo cổ chỉ sơ sài là vậy. Nhưng chỉ một buổi dã ngoại theo mấy ông bạn đi chơi xa, đến tư gia kiêm kho di vật khảo cổ của TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á (Kim Bôi, Hòa Bình) thì mới hé được tí hiểu biết và cảm thấy lần đầu được mở mắt phần nào. Còn trước đây chỉ lại đại khái chẳng đâu vào đâu!
Trong đống hơn 30 nghìn hiện vật từ mảnh gốm sứ chai lọ đựng trong các rổ đặt sin sít bên nhau, cái lành thì ít, cái vỡ thì nhiều, đó là không kể những mảnh vỡ năm vỡ ba như đống xà bần của ngôi nhà đổ nát... Ai nhìn thấy, chắc cũng như tôi, dễ nghĩ là thứ bỏ đi để lấp ao chuôm.
Vậy mà nó được khai quật ở những di chỉ từ núi cao xuống đồng bằng, ven biển và lòng biển từ Bắc vào Nam rải khắp nước ta hội tụ về đây. Đó là những báu vật từ những di chỉ Đông Sơn, Đồng Đậu, Gò Mun, Châu Can, Óc Eo, Thẩm Luông, Đống Thếch... nhập về, chứ không phải riêng văn hóa Hòa Bình! Thật là phong phú.
Buổi gặp gỡ ngắn nhưng để lại cho tôi ấn tượng rất sâu đậm vì bước đầu hiểu thêm giá trị sâu xa của ngành khảo cổ. Sau nhưng mảnh vỡ chum vại, những mảnh binh khí, những đồ trang sức và dấu vết của dệt may trong vải liệm mộ táng, hiểu ra văn hóa vật chất đã nối con người với nhau và ngộ ra thấy đường biên giới tham lam của nhiều quốc gia trở nên thô thiển nông cạn tàn bạo và vô nghĩa.
Ngồi lắng nghe TS Nguyễn Việt nói về khai quật mới thật thú vị. Chẳng hạn trong khối đất khai quật một tầng văn hóa nơi này thu được mấy vạn vỏ ốc, nơi kia chỉ có mấy ngàn, là người ta hiểu đâu là nơi có cuộc sống tụ hội đông đúc, vào thời nào.
Qua các tầng văn hóa, người ta biết đây là điểm lưu trú của tầng lớp quý tộc hay bần nhân! Khi phát hiện thấy mảnh vỡ, đồ dùng thuộc hàng cao cấp thì rõ là nơi từng cư trú của nhóm người giàu sang. Nghe ông nói mới hiểu thế nào là di chỉ nghèo, di chỉ giàu để biết đó đã từng là vùng hoang sơ hay trù phú và biết gần đúng về những nhóm người từng cư trú. Di chỉ giàu là các tầng văn hóa phong phú hiện vật. Nhìn qua các tầng văn hóa, qua kiểm tra phóng xạ các bon C14 người ta có thể xác định niên đại mảnh đất và con người đã từng sinh sống.
Tôi bảo Phạm Lộc - một đạo diễn điện ảnh đi cùng: Vậy là nếu muốn dựng lại những phim lịch sử thì không thể thiếu những nhà khảo cổ làm cố vấn. Với họ qua hiện vật có thể mô phỏng lại cả một quá khứ mà không sai lệch bao nhiêu. Những hiện vật khảo cổ giúp cho người ta đọc được quá khứ rành rọt...
Đây hiện vật Đường, Hán, Tống Minh, đây Lý Trần, Mạc, Nguyễn... từng hiện vật đã trở thành những lời kể trung thực nhất, và lịch sử dần hiện ra như những thước phim. Đó là lịch sử kiếm sống, lịch sử di trú và cả lịch sử chiến tranh qua các triều đại. Nếu nắm bắt, khai quật được những di chỉ quan trọng, các hiện vật còn góp phần chỉnh đốn những trang sử sai. Chưa bao giờ tôi biết được những điều thú vị như vậy của đóng góp khảo cổ vì những hiện vật trong các di chỉ có thể nói cho mọi người nghe chính xác về thời đại của mình chứ không đơn thuần là phỏng đoán.
Nói như vậy có người sẽ cười tôi là quá ngây thơ. Vâng, ngây thơ thật, vì trước đến nay tôi hiểu quá sơ sài về ngành khảo cổ, không hiểu được vai trò to lớn của nó trong nghiên cứu sự biến đổi về đời sống con người trong tiến trình lịch sử đã khuất lấp qua thời gian. Do vậy tôi mới hiểu sao TS Nguyễn Việt lại say sưa với những mảnh vỡ của gốm sứ, những mũi tên, dao kiếm rỉ sét, những vật trang sức từ vỏ ốc đơn sơ đến thủy tinh tinh vi, vì đọc nó thấy biến đổi lịch sử.
Có những giá trị ưu tú đã mất đi mà hôm nay con cháu chưa thể làm lại được như tiền nhân. Mới nhận ra không phải hôm nay có máy bay, tàu to hơn mấy nghìn năm trước, nhưng có cái lại không bằng. Thời đại nào cũng có những giá trị văn minh, và có những cái đánh mất đáng tiếc. Những gì là ưu việt hay thụt lùi là còn ở góc nhìn nhân văn trước những phát hiện từ khảo cổ học là điều rất cần thiết tranh biện để tiệm cận sự thật.
Giá trị của khảo cổ học, theo tôi lớn nhất là giá trị nhân văn. Nó làm cho nhân loại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, ấm áp hơn với nhau trong cuộc sống.
Một chuyến đi ngắn có vài giờ mà để lại trong tôi biết bao suy nghĩ và trước hết rất có ích cho bản thân, cái lớn nhất là nhận ra bản chất của khảo cổ học và từ đó nhận ra chân giá trị mà những người làm khảo cổ hướng tới, đó là làm cho những di vật cất lên tiếng nói để gắn kết con người với nhau, yêu lấy nhau và bảo vệ lấy môi trường sống của chính con người. Làm chính trị không đơn thuần chỉ hiểu luật pháp, triết học, giáo lý mà cũng còn cần hiểu sâu sắc về khảo cổ học để có thể hướng tới nhân văn sâu sắc hơn trong việc phụng sự cho chính con người.