Hằng năm, có khoảng 60.000 người trên toàn thế giới tử vong vì bệnh dại. Trong năm 2022, có 70 trường hợp tử vong do bệnh dại trên toàn quốc. Đáng lưu ý, 8 tháng đầu năm nay ghi nhận 61 trường hợp tử vong do bệnh dại ở 26 tỉnh, thành
Bệnh dại không thể điều trị
Mới đây, tại Quảng Ninh một bé trai đã rơi vào tình trạng nguy kịch sau 16 ngày bị chó cắn. Theo đó, bé trai bị chó nhà hàng xóm cắn vào cẳng tay trái, ngày 25/9. Lúc này, con vật chưa được tiêm phòng. Một ngày sau, gia đình đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng dại, đồng thời đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí khám, điều trị. Tại đây, trẻ được khâu 5 mũi, xuất viện hôm 1/10. Ngày 10/10, bệnh nhi lên cơn sốt, nhập đơn vị trên cấp cứu, song tình trạng xấu đi, được chuyển tuyến lên Hà Nội trong khi nguy kịch, sùi bọt mép. Do tiên lượng xấu, gia đình đã xin đưa bé về nhà, hiện bé vẫn trong tình trạng nặng.
TS.BS Nguyễn Huy Luân, Phòng khám Nhi - Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, theo liệu trình, người bị chó mèo cắn cần tiêm phòng dại bằng 5 mũi vaccine vào các ngày 0, 3, 7, 14 và 20 kể từ khi bị cắn. Về lý thuyết vẫn có trường hợp phát bệnh dại dù đã tiêm phòng, có thể do cơ thể chưa tạo ra miễn dịch đầy đủ, vết thương độc lực lớn hoặc vết cắn ở vị trí nguy hiểm nên di chuyển nhanh, vaccine không còn hiệu quả. Tuy nhiên, tỷ lệ này khá hiếm.
Theo BS Nguyễn Huy Luân, bệnh dại hiện không thể điều trị. Khi lên cơn dại, 100% trường hợp tử vong. Quá trình ủ bệnh phức tạp, phần lớn thời gian vòng 7 đến 10 ngày hoặc kéo dài vài năm gây khó kiểm soát, theo dõi và điều trị. Biện pháp phòng bệnh là tiêm vaccine ngừa dại ngay sau khi bị chó cắn. Bệnh dại do virus dại (Rhabdovirus) gây nên, lây từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt. Thời gian ủ bệnh thường 2-8 tuần, ngắn thì khoảng 10 ngày và dài có khi 1-2 năm, tùy lượng virus và độ nặng vết thương. Người bệnh sẽ nhiễm virus cấp tính tại hệ thần kinh trung ương.
Nguồn lây bệnh dại là động vật hoang dã và cả động vật sống gần người như chó, mèo... Phương pháp để xác định bệnh dại là xét nghiệm PCR virus dại trong nước bọt. Virus gây bệnh có sức đề kháng yếu và bất hoạt trong khoảng 2 phút ở 70 độ C, ánh sáng và các chất sát khuẩn thông thông thường có thể làm mất độc lực.
Trước đó, bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cũng tiếp nhận liên tiếp hai trẻ 8 và 13 tuổi mắc bệnh dại, đều vào giai đoạn viêm não, tổn thương não nặng, tính mạng nguy kịch.
Trước tình trạng nan giải của căn bệnh này, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân tiêm phòng đầy đủ cho chó mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó mèo, ra đường phải đeo rọ mõm. Khi bị chó mèo cắn, cào, liếm (đặc biệt nguy hiểm nếu bị chó cắn ở vùng đầu - mặt - cổ, đầu chi là nơi có nhiều dây thần kinh), cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
Phấn đấu không có người chết vì bệnh dại
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mỗi năm có khoảng 60.000 người trên toàn thế giới tử vong vì bệnh dại.
Cơ quan y tế nhận định nguyên nhân là nhiều người dân chủ quan không đi tiêm phòng vaccine sau khi bị chó cắn. Trong khi bệnh này lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật dại. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% ở cả người và động vật. Từ thực tế này, Việt Nam đặt mục tiêu "Không có người chết vì bệnh dại từ năm 2030".
Một trong những giải pháp quan trọng được WHO gợi ý là cần đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng với các dịch vụ y tế quan trọng, bao gồm điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm bệnh dại cho những cộng đồng chưa được cung cấp đầy đủ các dịch vụ này.
Cùng quan điểm, TS Trần Xuân Nguyên - Trưởng ban chuyên môn, Hội Đông Y Việt Nam, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về thú y của người dân còn nhiều hạn chế, nhất là ở vùng nông thôn và miền núi. Một bộ phận người nuôi chó, mèo chưa chấp hành nghiêm việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho vật nuôi. Bên cạnh đó, việc bắt giữ và xử lý chó thả rông là nhiệm vụ khó và nhạy cảm do động chạm đến tài sản của người dân. Đồng thời, việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định việc quản lý chó nuôi, tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo chưa được thực hiện.
Về vấn đề này, BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC (Công ty cổ phần vacxin Việt Nam) cho biết, bệnh dại là căn bệnh rất nguy hiểm và hiện nay thuốc điều trị vẫn chưa được nghiên cứu thành công. Phần lớn người tử vong do bệnh dại đến từ nguyên nhân sự chủ quan không tiêm vaccine phòng dại trong khi đây là căn bệnh hoàn toàn có thể được phòng ngừa bằng vaccine.