Tính đến cuối năm 2018, số lượng doanh nghiệp (DN) bán hàng đa cấp chỉ còn 30 DN so với tổng số 67 DN 2015 và 102 DN năm 2013. Có thể khẳng định, trong vòng 2 thập kỷ qua, các DN bán hàng đa cấp trải qua nhiều thăng trầm, biến cố.
Trên thực tế, bán hàng đa cấp (BHĐC) là mô hình kinh doanh khá hiện đại, được các nước cho phép hoạt động. Tuy nhiên khi thâm nhập vào Việt Nam, loại hình này đã bị biến tướng, các đối tượng đã lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tham gia. Việt Nam đã có hành lang pháp lý tương đối rõ ràng, nghiêm khắc để điều chỉnh, quản lý hoạt động BHĐC và khâu áp dụng pháp luật khá chặt chẽ trong cấp phép và thanh tra, xử phạt hành chính.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Ngọc – Công ty Luật TNHH ATIM, sự thay đổi liên tục của chính sách của cơ quan nhà nước được lý giải là nhằm bảo vệ người tham gia cũng như giám sát chặt chẽ hoạt động của các DN kinh doanh theo mô hình BHĐC trước bối cảnh có một số DN BHĐC bất chính tạo nên sự bất ổn định của ngành. Tuy nhiên, bà Ngọc đặt câu hỏi: Liệu rằng việc đặt ra nhiều điều kiện khắt khe có làm hạn chế việc kinh doanh đa cấp bất chính, hay là loại bỏ luôn các DN chân chính với sản phẩm tốt, có chất lượng từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng?
Đáng lưu ý là từ năm 2016 đến nay không bất kỳ có DN nào mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC, dù có rất nhiều DN thực hiện xin cấp phép BHĐC. Theo bà Ngọc, tình hình này đã tác động đến tâm lý DN nhất là đối với DN có uy tín trên thế giới, bởi họ cũng suy nghĩ lại việc mở rộng hoạt động kinh doanh của họ đến Việt Nam. Ngoài ra, điều này cũng cho thấy tâm lý e dè của cơ quan nhà nước trong việc cấp phép BHĐC cho các DN mới.
Trên thế giới, BHĐC là mô hình khá phổ biến. Theo các chuyên gia, việc bán hàng theo phương thức này giúp giảm thiểu rất nhiều chi phí trong khâu phân phối hàng hóa, vì vậy việc mua bán hàng hoá mang lại lợi ích cho cả người bán hàng và người tiêu dùng. Đây là nhu cầu và xu thế tất yếu của sự phát triển, nếu không chấp nhận là tự loại bỏ mình khỏi xu hướng phát triển chung.
Theo thống kê của Liên đoàn Bán hàng trực tiếp thế giới (WFDSA), năm 2017 doanh thu của ngành kinh doanh đa cấp toàn cầu đạt hơn 189.641 triệu USD, tốc độ tăng trưởng toàn cầu đạt 1,6%, số lượng người tham gia hơn 116 triệu người. Hiện nay, có nhiều công ty bán hàng đơn cử như Ford, Colgate, Coca-cola và nhiều công ty nổi tiếng khác đã bắt đầu áp dụng phương pháp kinh doanh BHĐC để phân phối sản phẩm độc đáo của mình bên cạnh phương pháp phân phối truyền thống. Điều này cho thấy đây là ngành bán lẻ có nhiều ưu điểm và là xu hướng phát triển tất yếu của phương thức bán lẻ trong tương lai.
Trước xu thế của thế giới, bà Ngọc đề xuất: Cơ quan nhà nước cần có cái nhìn khách quan để tránh tư tưởng cực đoan cho rằng BHĐC là lừa đảo và từ đó tìm cách khắc phục, đặc biệt là về góc độ, quan điểm, tư duy pháp lý, để đưa bán hàng đa cấp trở về với bản chất vốn có của nó và phát triển cùng với xu hướng của toàn cầu.