Tương lai nào cho cầu Long Biên?

Hoàng Chiến 06/06/2022 07:00

Trải qua thời gian dài hoạt động, đến nay cầu Long Biên đã có nhiều hạng mục hư hại nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn trong quá trình di chuyển của người dân. Thế nhưng tương lai cây cầu hơn 120 năm tuổi ra sao? Phương án nào để cầu Long Biên hoạt động hiệu quả và khai thác tối đa giá trị văn hóa, lịch sử?

Nhiều hạng mục trên cầu đã xuống cấp theo thời gian

Liên tục ghi nhận các hạng mục xuống cấp

Người dân Hà Nội đã quá quen thuộc với cầu Long Biên, cây cầu hơn trăm tuổi chứng kiến những thay đổi, thăng trầm của Thủ đô như một chứng nhân lịch sử. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài hoạt động, cầu Long Biên liên tục ghi nhận những hạng mục xuống cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tham gia giao thông của người dân.

Không khó để phát hiện những vết nứt dài trên thân cầu, nhiều lỗ hổng cũng xuất hiện nhìn rõ cả mặt nước dưới sống Hồng. Những khối thép hoen gỉ theo thời gian, những thanh xà gỗ bị mối mọt cũng là điều mắt thường có thể trông thấy. Đặc biệt, tình trạng rung lắc mạnh đã ám ảnh nhiều người dân mỗi khi di chuyển qua cầu.

Chị Nguyễn Tú Anh (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) cho biết: “Mỗi ngày trở về sau giờ tan làm là cầu Long Biên tại đông nghẹt xe máy, thường xuyên xảy ra ùn tắc lúc tan tầm. Chưa kể tình trạng rung lắc mạnh mỗi khi qua cầu khiến tôi cảm thấy khá sợ hãi. Mặc dù thi thoảng lại thấy người ta đến tu sửa, bảo dưỡng nhưng hình như không cải thiện được bao nhiêu”.

Cũng theo chị Tú Anh, việc cầu Long Biên xuống cấp đã được báo chí phản ánh rất nhiều, tuy nhiên đến nay hiệu quả của việc tu sửa, bảo dưỡng cầu chưa thấy rõ, thậm chí còn liên tục ghi nhận những sự cố gần đây.

Mới đây, ngày 28/5, mặt đường trên cầu Long Biên làn dành cho xe máy, chiều đi từ Trần Nhật Duật - Ngọc Thụy xuất hiện một thủng lớn, khoảng rộng hơn 1m2 khiến nhiều người đi đường không khỏi hoang mang.

“Cần có một cuộc đại trùng tu, sửa chữa cầu Long Biên để đảm bảo an toàn cho người dân đi qua. Cây cầu đã quá già để có thể chống đỡ được lượng phương tiện đông đúc di chuyển mỗi ngày. Nếu cứ sửa chữa chắp vá, cục bộ sẽ dẫn đến tình trạng vá chỗ này, hổng chỗ kia”, chị Tú Anh nói.

Được biết, trong kế hoạch năm 2022, Bộ Giao thông vận tải sẽ triển khai gói kiểm định chất lượng toàn bộ cầu Long Biên. Sau khi có kết quả kiểm định mới có thể đề xuất phương án trùng tu tổng thể cây cầu đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Trước đó, không ít lần cầu Long Biên đã được đầu tư kinh phí để tu bổ, sửa chữa. Trong đó, năm 2021, kinh phí bảo trì cầu là 8,5 tỷ đồng. Năm 2022 kinh phí này có được khoảng hơn 9,7 tỷ đồng bao gồm cả kinh phí bảo dưỡng cầu đường sắt, kinh phí bảo dưỡng cầu đường bộ và kinh phí tuần cầu, bảo vệ cầu. Số tiền đầu tư được cho là ít ỏi này khiến việc trùng tu, sửa chữa gặp nhiều khó khăn.

Được biết, năm 2015, ngân sách nhà nước chi 300 tỷ đồng để đại tu cây cầu. Tuy nhiên, nhiều năm qua cây cầu lịch sử này chỉ được bảo dưỡng định kỳ và hiện chưa có thông tin về đợt sửa chữa lớn.

Cầu Long Biên gồng gánh lượng phương tiện đông đúc mỗi ngày. Ảnh: Hoàng Chiến

Bảo tồn hay xây mới?

Ông Trần Văn Huy (phường Ngọc Thụy, Long Biên) cho biết, cây cầu Long Biên có lịch sử cả trăm năm là một di sản của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, việc cây cầu bị xuống cấp là điều không thể tránh khỏi sau hơn 120 năm đi vào hoạt động. Tuy nhiên, việc trùng tu hay xây mới cần có kế hoạch cụ thể và đánh giá khách quan từ nhiều phía. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến giá trị lịch sử, văn hoá của cây cầu.

“Cầu Long Biên không chỉ đơn thuần là cầu nối giao thông mà còn là chứng nhân lịch sử. Hà Nội đã có nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng nhưng riêng với cầu Long Biên, cần một phương án đặc biệt để giữ lại giá trị văn hóa đặc biệt này” - ông Huy kiến nghị.

Có nhiều phương án đã được đưa ra nhiều năm qua đối với cầu Long Biên, thế nhưng đến nay vẫn chưa tìm được câu trả lời cụ thể. Tương lai cầu Long Biên ra sao chưa rõ, trong khi tuổi đời quá già của nó vẫn phải oằn mình gánh đỡ lượng phương tiện khổng lồ di chuyển qua mỗi ngày.

Dưới góc nhìn văn hoá, chuyên gia nghiên cứu, TS Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận định, cầu Long Biên được coi như một chứng nhân lịch sử, có tuổi đời hơn 120 năm. Do vậy việc trùng tu, sửa chữa là rất cần thiết, nhưng đặc biệt cần quan tâm đến việc giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của cây cầu. Khó có thể hình dung diện mạo văn hóa của Hà Nội ra sao nếu thiếu vắng đi sự có mặt của cầu Long Biên. Đó sẽ là một nỗi trống trải rất lớn trong các giá trị văn hóa di sản của Hà Nội.

Tuy nhiên việc trùng tu, bảo tồn ra sao lại cần những đánh giá từ giới chuyên môn. Còn dưới góc nhìn của văn hóa, việc trùng tu và sửa chữa phải giữ được những yếu tố cấu trúc, cấu kiện và chi tiết kĩ thuật xưa của cây cầu. Bởi thực tế, có rất nhiều trường hợp các công trình sau khi trùng tu, bảo tồn xong người ta không thể nhận ra công trình cũ.

Do vậy, việc trùng tu lại cầu Long Biên cần giữ lại những yếu tố căn cốt nhất, không làm thay đổi diện mạo của cây cầu. Bởi nếu trùng tu, sửa chữa mà thay đổi diện mạo, cấu trúc của cây cầu sẽ làm mất đi ý nghĩa với biểu tượng văn hoá.

Không những vậy, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, trong quá trình lên phương án sửa chữa, các cơ quan chức năng và chính quyền cũng cần lắng nghe ý kiến từ nhiều phía. Theo đó, chỉ các nhà chuyên môn mới biết yếu tố kĩ thuật nào cần được thay thế hay sửa chữa để giữ lại những giá trị của cây cầu.

“Một điều quan trọng khác là cần đặc biệt chú ý đến ý kiến của người dân. Trong bối cảnh hiện nay, khi mọi vấn đề đều nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, dân biết - dân bàn - dân làm – dân kiểm tra, giám sát – dân thụ hưởng, vấn đề trưng cầu ý kiến người dân, tôn trọng cảm xúc của dân với các giá trị văn hoá như cầu Long Biên là điều hết sức cần thiết”, TS Hồng khẳng định.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam:

Đã đến lúc biến cầu Long Biên thành công trình văn hóa, lịch sử

Câu chuyện xuống cấp nhiều hạng mục của cầu Long Biên không phải là mới mà đã xuất hiện từ nhiều thập kỉ trước, kể từ cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ. Bộ Giao thông vận tải mới đây cũng đang có phương án phối hợp để tu sửa cầu Long Biên. Dù chưa được công nhận là di sản nhưng cầu Long Biên vẫn là một dạng di sản của đô thị, bản thân nó đã mang trong mình nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử gắn liền với Hà Nội hơn 100 năm nay.

Sắp tới đây, khi cầu Long Biên không phải gánh đường sắt đô thị nữa nên chức năng sẽ thay đổi. Do vậy, phải biến cầu Long Biên thành công trình văn hóa, du lịch, lịch sử, gắn kết với quy hoạch sông Hồng đã được phê duyệt, phục vụ cho nhân dân Thủ đô và cả nước, tham gia vào quá trình phát triển du lịch và kinh tế. Hiện nay cũng có 2 phương án, một là hoàn trả nguyên trạng cầu Long Biên như ban đầu, hai là giữ nguyên trạng cầu Long Biên như hiện nay.

Với tư cách chuyên gia về kiến trúc đô thị, tôi trân trọng giá trị lịch sử của cầu Long Biên, và thấy cần làm cho cầu Long Biên bền vững, nhưng không nhất thiết phải phục hồi lại nguyên trạng những nhịp cầu đã hỏng. Bởi sự mất mát những nhịp cầu cũ cũng là minh chứng của chiến tranh, cũng là bài học giáo dục rất tốt, nhắc nhở thế hệ trẻ về quá trình đấu tranh của nhân dân Thủ đô và cả nước.

Đồng thời cũng có thể biến cầu Long Biên thành phố đi bộ, đi xe đạp, triển khai các dịch vụ văn hóa. Với những công nghệ hiện đại, hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ chiếu sáng vào ban đêm để biến Long Biên thành cây cầu ánh sáng trên sông Hồng.

Nếu nghiên cứu kĩ và biết trân trọng những giá trị của cầu Long Biên thì chúng ta có nhiều lời giải tốt để khai thác tối đa hiệu quả của cây cầu.

Bên cạnh đó, ngoài nguồn ngân sách của Hà Nội và Nhà nước, nên huy động và phát huy nguồn lực xã hội hóa để đưa vào trùng tu, khai thác cây cầu với tinh thần: Cầu Long Biên là lịch sử, là văn hóa của người dân Thủ đô và cả nước. Do đó phải đặc biệt quan tâm tới việc giữ gìn và phát huy nó trong thời kì phát triển mới.

Hoàng Chiến(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tương lai nào cho cầu Long Biên?