Giáo dục

Tuyển sinh đầu cấp ở TPHCM vẫn nhiều áp lực

Đoàn Xá 10/07/2024 10:04

Mặc dù đã có một số thay đổi nhưng tuyển sinh đầu cấp tại TPHCM (lớp 1,6 và 10) vẫn còn nhiều áp lực, căng thẳng.

anhbaiduoi(5).jpg
Tuyển sinh lớp 1 ở TPHCM vẫn còn một số áp lực. Ảnh: Đ.Xá.

Kỳ thi tuyển sinh đầu cấp THPT (lớp 10) luôn là nỗi áp lực rất lớn của học sinh (HS), phụ huynh. Hiện nay, đây được coi là kỳ thi có tính chất căng thẳng nhất trong 12 năm học phổ thông, thậm chí căng thẳng hơn việc xét tuyển vào nhiều trường đại học. Với hàng chục nghìn thí sinh không vượt qua được kỳ thi lớp 10 mỗi năm, áp lực dành cho thí sinh và phụ huynh luôn rất lớn.

Trong khi đó, dù không quá gay gắt nhưng kỳ thi tuyển sinh bậc THCS (lớp 6) ở TPHCM đang có nhiều thay đổi, theo hướng cạnh tranh gay gắt hơn. Nếu những năm trước, chỉ có 1 hoặc 2 trường THCS trên địa bàn tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh thì năm học 2024 - 2025, số trường buộc phải thi đánh giá năng lực tăng lên gấp nhiều lần. Nguyên nhân không có gì khác ngoài việc nhu cầu người học quá đông trong khi khả năng tiếp nhận của nhà trường không đủ.

Được biết, dù hầu hết các trường THCS trên địa bàn đều chỉ tuyển sinh theo hình thức xét học bạ và nơi cư trú, nhưng việc số trường THCS tổ chức thi đánh giá năng lực nhiều cũng khiến áp lực gia tăng. Bởi hầu hết trước các kỳ thi, hàng nghìn HS bắt buộc phải đi học thêm cũng như ôn luyện, tìm hiểu cấu trúc và đề thi đánh giá năng lực những năm trước, để tăng cơ hội trúng tuyển. Ghi nhận thực tế cho thấy, hầu hết các trường THCS đã tổ chức thi đánh giá năng lực năm học 2024 - 2025 vừa qua có tỷ lệ chọi là khoảng 1/3, thậm chí có trường còn có tỷ lệ lên đến khoảng 1/12. Đây là tỷ lệ cạnh tranh rất cao, phản ánh tính cạnh tranh gay gắt của áp lực vào các trường THCS này.

Trong khi đó, dù được đón nhận vào các trường tiểu học trên địa bàn nhưng tuyển sinh lớp 1 cũng có một số áp lực nhất định, chủ yếu là sĩ số lớp đông đúc, trường học xa nhà. Theo quy chế tuyển sinh năm học 2024 - 2025, HS vào lớp 1 sẽ được xác nhận nơi cư trú thực (không phân biệt ở tạm trú, thường trú…) để sắp xếp vào các trường tiểu học trên địa bàn (mô hình GIS). Tuy nhiên, ở một số khu vực phường/xã có diện tích rộng, có 2 - 3 trường nằm cách xa nhau và mật độ dân cư đông đúc nên nhiều HS phải học xa trường khiến phụ huynh bất an, lo lắng.

Theo ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GDĐT TPHCM, năm học 2024 - 2025, ngành giáo dục thành phố tuyển sinh theo mô hình GIS. Mô hình này tự động đưa ra thứ tự ưu tiên với HS khi vào lớp 1 với ưu tiên với việc quét tự động bán kính các trường học gần nhà. Các trường này sẽ được mô hình sắp xếp ưu tiên số 1, số 2... Lúc này xảy ra trường hợp có nhiều HS cùng có nhu cầu nhưng trường đó không đáp ứng được thì mô hình sẽ tiếp tục chuyển sang ưu tiên số 2. Ví dụ một trường tiểu học có năng lực tiếp nhận 400 HS nhưng có 450 em cùng có nhu cầu vào học thì sẽ có HS phải chuyển sang ưu tiên số 2. Ngoài ra, ông Minh cũng nêu trường hợp, nếu HS bị đưa vào các trường quá xa nhà thì phụ huynh có thể có 2 lựa chọn, không nhập học và chờ đợt tuyển sinh thứ 2. Ngoài ra, phụ huynh có thể liên hệ trực tiếp phòng giáo dục quận (huyện, TP Thủ Đức) để tạo điều kiện giải quyết nếu thoả đáng.

Có thể nói, với đặc thù mật độ cư dân không đồng đều, thường xuyên thay đổi nơi ở (nhóm công nhân, người lao động tự do…) khiến cho việc đáp ứng đúng, đủ nhu cầu thực tế, ổn định của HS ở bậc đầu cấp tại TPHCM, nhất là lớp 1 vẫn còn khá khó khăn. Việc giải quyết vấn đề này không chỉ một sớm một chiều mà cần có thời gian, sự chung tay của nhiều ban, ngành để có thể tạo ra một môi trường giáo dục hoàn thiện hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh đầu cấp ở TPHCM vẫn nhiều áp lực