Chủ động xác định phương án tuyển sinh riêng là cách mà một số trường ĐH sẽ thực hiện trong năm 2020. Nhưng trên thực tế phần lớn các trường lâu nay vẫn sử dụng kết quả từ kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh. Do đó, nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc nên hay không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020 vẫn đang tiếp diễn. Vấn đề đặt ra lúc này là chất lượng nguồn tuyển của các trường sẽ được giám sát ra sao?
Tự chủ đi kèm với kiểm soát chất lượng nguồn tuyển. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Tâm lý đợi chờ
Cùng với hai luồng ý kiến xoay quanh việc thi và bỏ thi THPT quốc gia 2020, cũng xuất hiện hai luồng tâm lý, một là chủ động ôn thi, hai là trông chờ phương án bỏ thi quốc gia từ Bộ công bố.
Về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến - Hiệp hội Các trường ĐH - CĐ Việt Nam đã phân tích rằng, vào thời điểm này thì chưa nên vội nói chuyện bỏ thi, dẫn tới tâm lý học sinh buông không học. Ông Khuyến nhấn mạnh: Tôi tin cơ quan quản lý nhà nước sẽ có tính toán phù hợp, vì vậy, người học phải quyết tâm học, không nên thụ động ngồi chờ khi nào bỏ thi. Trong thời điểm học sinh vẫn đang nghỉ học như hiện nay, gia đình và xã hội cần cố gắng động viên các em để dù dịch phải nghỉ đến trường nhưng học sinh không nghỉ học; các địa phương cũng cần quan tâm để chọn giải pháp phù hợp, đảm bảo việc dạy học từ xa.
Còn ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GDĐT) cho rằng, dù kỳ thi THPT quốc gia chỉ với mục đích xét tốt nghiệp nhưng đa phần các trường ĐH vẫn tham khảo kết quả này để xét tuyển hàng năm. Nếu năm nay vì khách quan mà không tổ chức được kỳ thi, nhiều trường ĐH sẽ lúng túng. Xét tốt nghiệp trong trường hợp bất khả kháng khi dịch bệnh kéo dài là phương án cần được tính đến nhưng theo ông Ngọc, sẽ có tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, khó đảm bảo chính xác và công bằng cho các em học sinh. Vì vậy, Bộ GDĐT cần lưu ý để đưa ra những giải pháp phù hợp.
Phân tích từ các chuyên gia giáo dục cũng cho thấy: Theo Luật Giáo dục hiện hành, thi là hình thức duy nhất để công nhận tốt nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, nếu vì học sinh nghỉ học quá dài do Covid- 19 mà phải bỏ kỳ thi THPT quốc gia, thay vào đó là xét tốt nghiệp thì cũng phải có kế hoạch cụ thể, sớm trình Chính phủ để báo cáo, xin ý kiến Quốc hội.
Chủ động phương án dự phòng
Trước đó, từ chiều 13/4, ĐH Kinh tế quốc dân đã họp Hội đồng tuyển sinh quyết định phương án tuyển sinh mới vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
PGS.TS Bùi Quốc Triệu, Trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, nếu Bộ GDĐT vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020 thì nhà trường giữ nguyên phương án tuyển sinh như công bố. Trong trường hợp Bộ GDĐT không tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020, nhà trường dự kiến sẽ tổ chức thi riêng và sẵn sàng kết hợp với các trường ĐH khác để lập nhóm thi chung, nhưng phải phù hợp với tình hình thực tế. Theo ông Triệu, phù hợp với tình hình là thi theo những gì mà từ trước đến nay thí sinh được học và chuẩn bị. Do đó, hình thức và nội dung của kỳ thi riêng này cũng sẽ tương tự như kỳ thi THPT quốc gia, bởi nhà trường có kinh nghiệm tổ chức thi trong kỳ thi “3 chung” trước đây. Nhưng đề thi sẽ được rút gọn hơn. Mục đích tổ chức kỳ thi này nhằm đảm bảo chất lượng và không gây xáo trộn cho học sinh. Về môn thi, nhà trường tổ chức thi theo các môn tổ hợp mà nhà trường xét tuyển. Theo đó, trường sẽ tổ chức thi 8/9 môn của kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, môn duy nhất không tổ chức thi là môn Giáo dục công dân. Thí sinh sẽ thi viết luận môn Ngữ văn, các môn còn lại thi trắc nghiệm, định dạng và nội dung tương tự như đề thi tham khảo thi THPT quốc gia năm 2020 đã công bố của Bộ GDĐT. Về cách thức tổ chức, trường sẽ phối hợp các cơ quan chức năng, an ninh trong tất cả các khâu và thực hiện nghiêm túc quy chế thi hiện hành của Bộ GDĐT. Dự kiến thời gian diễn ra kỳ thi vào tháng 8, địa điểm tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Như vậy, đến thời điểm này, đã có 2 trường ĐH công bố kế hoạch tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Đó là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Song những trường không có kế hoạch tổ chức kỳ thi riêng, việc tuyển sinh sẽ tiến hành ra sao? PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng ĐH Giao thông vận tải cho biết, nếu không có kỳ thi THPT quốc gia, trường sẽ tổ chức xét tuyển kết quả học bạ, dù phương thức này có một số bất cập, hạn chế, như không tuyển sinh được chất lượng đầu vào như mong muốn. Theo đó, tổ chức thi THPT quốc gia vẫn là giải pháp tốt nhất vì cách đánh giá công bằng hơn. Tính khách quan trong kết quả học bạ của thí sinh không cao, không đồng đều giữa các trường THPT trên cả nước. Do đó, nhà trường cũng đang rất lúng túng về phương án tuyển sinh trước bối cảnh hiện nay.
Trong Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung về quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH và các ngành đào tạo giáo viên mà Bộ GDĐT mới ban hành, có xác định các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xác định chỉ tiêu, những ngành đặc thù được ưu tiên tuyển sinh… Điều này cũng phù hợp với xu hướng tự chủ hiện nay; đồng thời khuyến khích những ngành, những trường được kiểm định chất lượng. Dẫu thế, ở vào một hoàn cảnh nhất định, học sinh phải học trực tuyến dài ngày trong điều kiện phòng Covid- 19 thời gian qua, giám sát chất lượng nguồn tuyển đầu vào của các cơ sở đào tạo cũng là một vấn đề không nên xem nhẹ.