Doanh nhân, doanh nghiệp chỉ lấy lợi ích cá nhân làm đầu, không coi trọng lợi ích khách hàng, không quan tâm hoặc làm tổn hại đến lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia là những người ở tầng văn hóa thấp. Họ là những người thiếu đạo đức kinh doanh, thiếu văn hóa. Với những DN, doanh nhân có tư tưởng kinh doanh như vậy, sớm muộn cũng sẽ bị gục ngã trên thương trường.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Đại sứ Trần Trọng Toàn- Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, DN cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, thương hiệu thôi chưa đủ, mà yếu tố quyết định sự sống còn của DN chính là văn hóa kinh doanh.
Đại sứ Trần Trọng Toàn.
PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về yếu tố văn hóa của DN hiện nay?
Đại sứ Trần Trọng Toàn: Nói về yếu tố văn hóa DN Việt Nam hiện nay, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn có nhiều bất cập, thậm chí nhiều tiêu cực, như thực trạng cạnh tranh không lành mạnh, dùng thủ đoạn để hạ gục đối thủ, hay việc làm hàng gian, hàng giả, hàng nhái, sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn vì lợi nhuận lớn, bất chấp sinh mạng con người…
Những bất cập nói trên chính là biểu hiện của sự thiếu hụt về thiết chế văn hóa của các DN. Và nó cũng có những nguyên nhân khách quan. Đó là chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường từ một nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp từ thời kỳ chiến tranh, do đó cơ chế kinh tế thị trường, những quy luật, quy chuẩn của thị trường chưa được phổ biến rộng rãi trong môi trường kinh doanh của chúng ta.
Các nước đã xây dựng cơ chế kinh tế thị trường mấy trăm năm nay rồi, còn chúng ta mới chuyển sang kinh tế thị trường cách đây 30 năm thôi. Nền kinh tế của chúng ta trước đây là Nhà nước chỉ đạo tất cả, tức là nhà nước chỉ đạo DN phải làm ra bao nhiêu sản phẩm, chất lượng thế nào, giá cả, mẫu mã ra sao…
Và DN chỉ thực hiện theo chỉ đạo đó. Nó hoàn toàn không có sự cạnh tranh trên thị trường tự do. Bây giờ khi chúng ta đi vào kinh tế thị trường, DN phải cạnh tranh trên thị trường tự do thì phải chủ động tất cả những cái đó. Và như thế giới người ta đã nói, DN nào cũng cạnh tranh bằng 3 yếu tố: nguồn vốn, chiến lược kinh doanh và năng suất chất lượng hiệu quả. Nhưng nếu anh nào cũng cạnh tranh bằng những yếu tố đó, thì anh nào chiến thắng? Và từ đấy, thế giới cũng đưa ra kết luận rằng: Kẻ nào có được nền tảng văn hóa DN tốt thì kẻ đó là người chiến thắng.
Ông có thể nêu rõ hơn về vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp?
- Trước hết chúng ta cần đặt câu hỏi:Văn hóa DN thể hiện ở đâu? Tôi kinh doanh để làm gì? Kinh doanh để kiếm lãi hay phục vụ cho xã hội? Từ chiến lược đến mục tiêu kinh doanh, kế hoạch như thế nào, đạo đức kinh doanh phải thể hiện ra sao? Mối quan hệ giữa lãnh đạo với người lao động thế nào, với đối tác ra sao?… Tất cả những yếu tố đó tạo nên nền tảng cho văn hóa DN.
Tôi cho là, đối với Việt Nam hiện nay, vấn đề văn hóa kinh doanh còn tương đối mới, nhưng ở nước ngoài, văn hóa DN đã được xây dựng từ rất lâu rồi. Chúng ta đi sau các nước rất nhiều.
Song, nói như vậy không phải là chúng ta không có những DN “văn hóa”. Nhiều DN khi đi vào hoạt động cũng đã xây dựng nền tảng văn hóa cho riêng mình rồi. Họ xây dựng kế hoạch phát triển bài bản, chế độ đối đãi với người lao động ra sao, các cư xử, cạnh tranh với đối tác thế nào…
Như vậy có thể thấy, bản thân các DN đã và đang nỗ lực xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh rất tốt, vì nếu không có văn hóa, làm sao họ có thể tồn tại được.
Tuy nhiên, chỉ có điều văn hóa có phù hợp hay không, có phát huy được những giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của thế giới hay không... Chúng ta trong quá trình tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới phải hấp thu được những yếu tố đó mới có thể hội nhập và phát triển.
Cuộc vận động xây dựng văn hóa DN Việt Nam là một cuộc vận động vừa được phát động và cần phải có thời gian, có sự tham gia vào cuộc của cộng đồng DN, đặc biệt là những chủ trương đúng đắn của Chính phủ, sẽ tạo động lực để DN xây dựng, phát triển văn hóa.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10/11 là Ngày Văn hóa doanh nghiệp. Và ngày 7/11 tới đây, Hiệp hội Văn hóa doanh nhân Việt Nam sẽ chính thức phát động cuộc vận động xây dựng văn hóa DN. Ông nghĩ gì khi thời gian qua, chúng ta phải chứng kiến những sự vụ cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN, mà vụ nước mắm được coi là điển hình, thưa ông?
- Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường, nhiều cái DN chưa giác ngộ được, đôi khi DN bị “luẩn quẩn” với tư duy cũ rằng, đã là DN tôi có thể kiếm tiền bằng mọi giá, bất kể thủ đoạn nào, miễn là mang lại lợi nhuận lớn… tư duy đó đã và đang làm méo mó môi trường kinh doanh của chúng ta.
Trong khi đó, chế tài của chúng ta lại chưa đủ mạnh để răn đe những hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Vedan xả thải đấy rồi cũng không sao, thành ra giờ nhiều DN cũng xả thải ô nhiễm môi trường.
Hay có những DN sản xuất thực phẩm bẩn gây ra hệ lụy khôn lường cho an toàn của người sử dụng, nhưng cũng chỉ bị phạt hành chính… Những DN làm ăn bất chính có thể vì món hời hàng tỷ đồng để làm ra những sản phẩm độc hại hủy hoại sức khỏe của người tiêu dùng, nhưng mức phạt lại chỉ vài chục triệu đồng. Như vậy làm sao có thể răn đe?
Bởi vậy, chúng tôi hy vọng rằng với thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các tổ chức, hiệp hội, cộng đồng DN trong công cuộc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, sự hỗ trợ của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn xã hội và đặc biệt là người tiêu dùng… cộng đồng DN của chúng ta sẽ thực sự khởi sắc, phát triển ổn định, bền vững.
Rất nhiều DN đã chia sẻ rằng: Mục tiêu của DN chúng tôi không chỉ đơn thuần là lợi nhuận, doanh thu, mà hơn hết cả, chúng tôi mong muốn được làm cho người dân hài lòng, giữ vững được niềm tin và sự ưu ái của người tiêu dùng. Cái đó là giá trị lớn hơn nhiều.
Tôi cho là, với suy nghĩ như vậy, văn hóa của DN Việt Nam đã và đang bắt kịp với xu thế của thế giới. Nhưng chỉ một vài DN thôi chưa đủ, phải làm sao tư duy đó lan tỏa mạnh mẽ ra cả cộng đồng 500 ngàn DN nhỏ và vừa hiện nay và tiến tới năm 2030, văn hóa DN sẽ lan tỏa cả 1 triệu DN.
Để làm được điều đó, chúng ta phải bắt đầu ngay từ ngày hôm nay, bắt đầu một cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo đúng nghĩa. Chỉ khi xây dựng được văn hóa DN, các DN của chúng ta mới tạo ra được thương hiệu cho riêng mình. Và chỉ khi tạo được thương hiệu, sức cạnh tranh của chúng ta mới đủ mạnh trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông!