Văn hóa là để xây dựng hệ giá trị con người

CẨM THÚY 01/03/2023 09:36

Cho đến ngày hôm nay, nhìn lại lịch sử chúng ta vẫn không khỏi kinh ngạc khi vào thời điểm nước nhà còn chưa giành được độc lập, cách mạng chưa thành công, các nhà lãnh đạo của Đảng lúc ấy đã nhìn xa trông rộng để soạn thảo và cho ra đời một bản cương lĩnh của Đảng về văn hóa. Những vấn đề đặt ra trong Đề cương về văn hóa 1943 sau 80 năm vẫn vẹn nguyên giá trị.

"Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" - tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Sáng sáng tác năm 1963. Tác phẩm được công nhận là "Bảo vật quốc gia" năm 2013, hiện trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Dân tộc - Khoa học - Đại chúng, 3 nội hàm cơ bản của văn hóa Việt Nam được khởi thảo từ Đề cương về văn hóa 1943 khi đất nước còn chưa giành độc lập. Chỉ ít năm sau, trong điều kiện kháng chiến gian khổ, 2 Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã liên tiếp được mở ra vào các năm 1946 và 1948, cho thấy tầm quan trọng của văn hóa cùng với câu nói ngắn gọn mà hàm ý sâu xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Đề cương về văn hóa 1943 cùng các Hội nghị văn hóa vừa được nhắc tới chính là sức mạnh để Đảng lúc ấy đã tập hợp được rất nhiều trí thức, văn nghệ sĩ trong nước và ở nước ngoài trở về, đi theo kháng chiến.

Các nhà lãnh đạo của Đảng trong bối cảnh dân ta còn đang mù chữ đã đưa văn hóa lên trên, coi đó là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa không phải chỉ là văn nghệ mà là nền tảng tinh thần, là động lực, là nguồn lực nội sinh để phát triển của một đất nước. Nhưng nền văn hóa của một quốc gia được hình thành và phát triển có sự đóng góp quan trọng, nòng cốt của văn học nghệ thuật, của lực lượng văn nghệ sĩ trí thức. Điều này, các nhà lãnh đạo của Đảng đã nhìn ra được rất sớm.

Sau này, trong điều kiện hòa bình, Đảng đã cho ra đời thêm các Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị Quyết Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa. Mỗi một thời kỳ, cương lĩnh về văn hóa của Đảng lại đáp ứng một yêu cầu khác nhau, phù hợp với thời đại. Đặc biệt, năm 2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào ngày 24/11 ở vào một thời kỳ mới, đòi hỏi một quan điểm về văn hóa phù hợp với thời đại mới. Trong đó, đặc biệt quan trọng là việc định danh văn hóa Việt Nam thời kỳ hội nhập, đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế, có chính sách phù hợp để chấn hưng văn hóa.

Như vậy, có thể thấy, đường lối văn nghệ của Đảng đều ra đời từ chính sự thay đổi của đời sống văn hóa, đời sống văn nghệ. Điểm cốt lõi này cho thấy đường lối văn nghệ của Đảng không ở trên cao mà ở trong chính đời sống. Tính khả thi của đường lối văn nghệ là bám sát vào những vấn đề đang nóng, đang đòi hỏi quan điểm của Đảng, Nhà nước cho những hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật.

Theo TS Nguyễn Viết Chức, trong lịch sử chúng ta cũng có thể coi Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần như một hội nghị văn hóa để đề cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý chí độc lập tự cường dân tộc, trước thời khắc trọng đại của đất nước: Nên hòa hay nên đánh. Năm 1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất cũng là một thời điểm trọng đại để bước vào thời kỳ toàn quốc kháng chiến bằng việc đề cao tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí độc lập tự cường, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, năm 1948 cũng vậy, thời điểm bước vào cuộc kháng chiến, văn hóa hóa kháng chiến.

Như vậy, theo ông Nguyễn Viết Chức, có thể thấy qua đó, bản sắc văn hóa Việt Nam chính là ý chí độc lập tự cường.

Nếu đem quan điểm từ Đề cương về văn hóa 1943 soi rọi, có thể hiểu rằng Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 cũng đứng trước một thời điểm quan trọng của đất nước. Trong bối cảnh nhiều năm mặt trái của nền kinh tế thị trường khiến việc quan tâm tới văn hóa chưa tương xứng với kinh tế và chính trị. Sau 80 năm là dịp để chúng ta phải hiểu rằng và cần phải quan tâm tới văn hoá ngang hàng với chính trị và kinh tế.

Bài học từ những năm qua cho thấy trong xã hội hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề tiêu cực như: tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống… mà nguyên nhân sâu xa cũng bắt nguồn từ văn hóa. Sự đi xuống của văn hóa được thể hiện rõ nhất trong thời kỳ dịch bệnh khó khăn, bên cạnh tình nghĩa đồng bào, vẫn xuất hiện tiêu cực, tham nhũng. Người sống có văn hóa, có đạo đức không thể tham nhũng, tiêu cực trên cả nỗi đau của đồng bào mình.

Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa 1943 là dịp để một lần nữa văn hóa phải được chú trọng đúng với tầm vóc của nó. Việc văn hóa là việc xây dựng hệ giá trị con người trong thời kỳ mới. Nếu chúng ta xây dựng được một nền văn hóa phát triển, đưa văn hóa tương xứng với chính trị và kinh tế, tạo ra hệ giá trị con người Việt Nam phù hợp với thời kỳ mới, thì sẽ góp phần lớn cho việc chữa trị được những căn bệnh của xã hội ngày nay như tham nhũng, tiêu cực, suy thoái đạo đức, lối sống.

Khẳng định văn hóa là để xây dựng hệ giá trị con người, TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh việc xây dựng được hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người của thời kỳ mới chính là qua đó giúp cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ như Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đặt ra. Năng lực, phẩm chất, uy tín suy cho cùng chính là văn hóa. Tất cả những điều đó đều liên quan, gắn kết với nhau vì cán bộ sống trong môi trường văn hóa, mà môi trường văn hóa là do con người tạo ra. Nếu như không có môi trường tốt sẽ không thể nuôi dưỡng được con người tốt.

Không cá nhân, tổ chức nào có thể đưa ra hệ tiêu chuẩn hay giá trị con người hoàn hảo, yêu cầu của cuộc sống và nhân dân sẽ hoàn thiện nó. Văn hóa là để xây dựng con người, văn hóa phát triển là để phục vụ nhân dân, để hình thành giá trị con người hoàn thiện, con người phải có năng lực, phẩm chất, uy tín, thích ứng an toàn với tình hình mới.

Không phải xây dựng con người một cách chung chung mà là con người Việt Nam có khát khao, có ý chí độc lập tự cường, nhất định không chịu tụt hậu mà vươn lên đưa đất nước phát triển. Đó phải là con người Việt Nam trong sáng, không phải chỉ biết ăn ngon mặc đẹp, mà là con người phụng sự con người, phụng sự xã hội và phụng sự đất nước.

Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa 1943 sẽ càng ý nghĩa, khi bắt đầu từ đây, một thời kỳ mới được mở ra với một nền văn hóa xứng tầm thời đại, ghi dấu ấn vào lịch sử, mở ra khát vọng về ý chí độc lập tự cường của thời đại mới. Điều đó sẽ thành hiện thực nếu giá trị của con người Việt Nam được hoàn thiện với những phẩm chất tốt đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn hóa là để xây dựng hệ giá trị con người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO