Văn học thiếu nhi: Tín hiệu từ những cây bút trẻ

Hoàng Vân 22/06/2023 11:41

Trong vài năm gần đây, văn học thiếu nhi cho thấy sự khởi sắc đáng kỳ vọng. Nhiều tác phẩm cho thiếu nhi được ra mắt, đa dạng về phong cách và đề tài. Những tín hiệu trên một lần nữa khẳng định, văn học thiếu nhi đã và đang có sức ảnh hưởng đến bạn đọc.

Những tín hiệu tích cực

Các đơn vị làm sách “đua nhau” cho ra mắt nhiều tác phẩm mới cho thiếu nhi. Ảnh: MH.

Chuẩn bị cho kỳ nghỉ hè và để phục vụ nhu cầu cho khán giả trẻ, các đơn vị làm sách “đua nhau” cho ra mắt nhiều tác phẩm mới, đồng thời tổ chức các hoạt động đọc, không gian tương tác để chào đón các độc giả nhỏ tuổi.

Thông tin từ đại diện NXB sách Kim Đồng, mùa hè năm nay, có nhiều cuốn sách tranh, truyện bắt mắt và hấp dẫn dành cho lứa tuổi mẫu giáo. Đó là “Ba tớ là một runner” của tác giả Bùi Phương Tâm và họa sĩ Jeet Dzũng; bộ sách “Con yêu gia đình”; bộ sách “Bé khỏe mạnh hơn”, “Thỏ Harry hấp tấp”, “Cô bò trèo cây”, “Cô cừu ấp trứng”, “Chú cá sấu không thích nước”, “Cô rồng không thích lửa”…

Trong khi đó, cũng dịp này, NXB Trẻ vừa phát hành bộ sách “Truyện dài kỳ về mèo”, gồm 2 cuốn “Bịt mắt bắt mèo” và “Mèo đuổi chuột”; “Những bài học nhỏ”…

Cùng với việc ra mắt các đầu sách, việc các giải thưởng được mở rộng cũng góp phần tìm ra những cây bút mới, trẻ trung nhưng không kém tài năng.

Các giải thưởng góp phần tìm ra những cây bút trẻ cho dòng văn học thiếu nhi. Ảnh: FBNV.

Vừa qua, tại Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023 xuất hiện bản thảo một truyện dài có dung lượng khá đồ sộ của cô bé 10 tuổi Đoàn Lữ Thụy Phương. Truyện có 2 phần độc lập, được tách ra thành 2 chùm truyện mang tên “Tôi, bố tôi, và”, “Từ những bức thư”. Tác phẩm nhận lời khen từ Hội đồng chấm giải và được đông đảo bạn đọc đón nhận.

Nhà văn Hoàng Anh Tú - anh Chánh Văn nổi danh một thời của báo Hoa Học Trò cho rằng, văn học thiếu nhi đang cho thấy sự khởi sắc khi tìm ra những cây bút trẻ.

“Việc xuất hiện những cây bút trẻ cho văn học thiếu nhi là điều phải có trong một nền văn học: Việc liên tục xuất hiện những cây bút mới. Thứ tôi mong đó là những cây bút trẻ đó không chỉ viết một vài tác phẩm rồi chuyển nghề đi làm nghề khác. Là nuôi dưỡng được họ lâu hơn, tạo đất diễn cho họ, cho họ có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa.

Tôi tin rằng cây bút trẻ thời nào cũng có nhưng sự bền bỉ của họ. Bởi nếu như ở thời của chúng tôi, báo chí, nhà xuất bản còn có đất cho các tác phẩm mới. Còn bây giờ, có bao nhiêu tờ báo có phần văn học, truyện ngắn? Bao nhiêu nhà xuất bản sẵn sàng xuất bản những tác phẩm đầu tay? Thế nên, thực sự điều tôi mong vẫn là chúng ta cần có 1 môi trường cho các cây bút trẻ không chỉ là những cuộc thi”, anh "Chánh văn" của Báo Hoa Học Trò nói.

Tháo gỡ những “điểm nghẽn”

Nhìn vào thực tế, văn học cho trẻ em vẫn tồn tại những “điểm nghẽn” khó tháo gỡ. ẢNH:MH.

Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, cuộc thi, giải thưởng chỉ là sự khởi đầu. Việc nuôi dưỡng và phát triển sau đó thế nào mới là quan trọng. Càng có nhiều cuộc thi, giải thưởng thì càng tìm ra được nhiều hạt ngọc trong đá. Và ít ra, đây cũng là cơ hội đánh thức tinh thần viết lách cho những người trẻ, công chúng có thêm những lựa chọn đọc thay vì quanh đi quẩn lại vẫn là văn học thiếu nhi kinh điển.

Không thể phủ nhận, việc tìm ra những cây bút trẻ là tín hiệu đáng mừng cho văn học thiếu nhi. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, văn học cho trẻ em vẫn còn những “điểm nghẽn” khó tháo gỡ.

Nhà văn Kim Hòa nhìn nhận, khó khăn không nằm ở việc đi tìm ý tưởng mà là làm thế nào để giọng điệu của mình được trẻ trung, làm thế nào để đưa ra được thông điệp, những câu chuyện thực tế, có tính thời sự vào và dễ dàng tiếp cận với các em nhất.

Về vấn đề này, nhà văn Hoàng Anh Tú tiếp tục nêu quan điểm: ““Điểm nghẽn” lớn nhất của văn học thiếu nhi là việc nuôi dưỡng những tác giả, cây bút đoạt giải đầu tư sâu hơn cho những tác phẩm kế tiếp. Một nhà văn đương nhiên đều hiểu: Tác phẩm hay nhất của tôi là tác phẩm kế tiếp. Làm sao để họ cho ra đời những tác phẩm kế tiếp, hay hơn chính tác phẩm đã đem về giải thưởng trước đó.

Thứ hai, là việc đưa những tác phẩm đoạt giải đến công chúng. Mỗi nhà văn đều biết số lượng phát hành của những cuốn sách đoạt giải đều không xứng tầm với số lượng công chúng kỳ vọng. Có nghĩa là còn rất nhiều người chưa biết đến sự có mặt của tác phẩm đó.

Cuối cùng, từ một tác phẩm gốc gia tăng thêm những giá trị sau đó. Trong khi điện ảnh luôn than thở việc họ không có kịch bản hay thì những tác phẩm hay, đoạt giải lại không có cơ hội tiếp cận chỗ thiếu của điện ảnh”.

Nhà văn Hoàng Anh Tú nhấn mạnh, một tác phẩm văn học cho thiếu nhi hoàn toàn có thể tiếp tục thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau, giúp cho tác giả có thể sống bằng nhuận bút phát sinh từ tác phẩm họ đã thành công.

Từ những bất cập đó, nhà văn Hoàng Anh Tú hy vọng trong tương lai sẽ tạo thêm nhiều môi trường viết lách, để giúp các tác giả trẻ có nơi để trình diễn những tác phẩm mới của họ. Bản thân những cây bút đã chiến thắng trong cuộc thi cũng cần phải cho họ “danh phận”. Đó là sự ghi nhận của Hội Nhà văn cũng như có 1 cộng đồng yêu văn học để giúp họ biết bản thân họ thuộc về nơi đó. Song song với đó là trách nhiệm của những người đã trao giải cho các tác phẩm văn học thiếu nhi. Đơn vị đó sẽ phải có nhiệm vụ đưa các tác phẩm lên “hệ thống” văn học nghệ thuật chung thay vì để tác phẩm nằm im.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn học thiếu nhi: Tín hiệu từ những cây bút trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO