Vận hội để Thủ đô cất cánh

BẮC PHONG 01/10/2023 11:11

Tiếp theo Nghị quyết 98 của Quốc hội khóa XV về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, hiện Hà Nội đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), coi đó chính là cơ hội lớn để phát triển, vươn lên tầm vóc mới.

Hạ tầng giao thông Hà Nội đang từng ngày phát triển. Ảnh: Lê Khánh.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Bộ Tư pháp đăng tải để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức và nhân dân. Dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sắp tới. Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.

Đồng thời, Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế; có vai trò lan tỏa, thúc đẩy Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước cùng phát triển.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 25/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đối với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đây là cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới không chỉ của cả nước mà còn trong khu vực và thế giới. Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý phải bám sát việc tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thủ đô và các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đối với Hà Nội, đây là căn cứ rất quan trọng để đề xuất, kiến tạo các chính sách phát triển Thủ đô.

Lưu ý Hà Nội và TPHCM là những đô thị đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải quy định các vấn đề liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt, đồng thời thể chế hóa được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Thủ đô. Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tạo cơ sở pháp lý giúp Thủ đô tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ, các dự án tồn đọng...

"Các quy định của Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tuy thời gian góp ý kiến chưa nhiều, nhưng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Tại Hội thảo do Hội Luật gia TP Hà Nội tổ chức, đóng góp ý kiến Luật gia Lê Trung Đức - Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ cho rằng, quan điểm dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn của Trung ương cho Hà Nội song phải đi kèm cơ chế tương ứng để Thủ đô thực hiện. Nguyên tắc lập pháp này nhằm đảm bảo tính khả thi, xóa đi sự e ngại, sợ sai, nhất là của đội ngũ cán bộ, công chức thành phố khi triển khai nhiều công việc mới và khó.

Còn theo Luật gia Nguyễn Vinh Tùng - Trung tâm tư vấn pháp luật, Hội Luật gia Hà Nội kiến nghị nên xây dựng 1 chương về vấn đề con người và cán bộ vì điều đó là vô cùng quan trọng. Cụ thể là cơ chế thu hút, trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong 3 lĩnh vực quản lý hành chính, quản lý khoa học và quản lý kinh tế. Vấn đề là phải rõ ràng, minh bạch, khả thi.

Tương tự, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao cho rằng, từ thực tế việc thu hút nhân tài không có trọng tâm, trọng điểm, không thành công, đề nghị Luật Thủ đô (sửa đổi) nên tập trung vào những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội và có trọng tâm, trọng điểm. Ví dụ như chính sách cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đi sâu tập trung vào một số lĩnh vực cần nhân lực chuyên môn sâu, cao như lĩnh vực quy hoạch quản lý đô thị, giao thông đô thị và quản lý xử lý môi trường, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ…

“Hà Nội nên thành lập những trung tâm, viện nghiên cứu trực thuộc UBND thành phố để nghiên cứu đưa ra những giải pháp giúp lãnh đạo thành phố quyết định những chương trình, dự án khả thi tiếp cận thực tế và tiếp cận công nghệ hiện đại của các nước phát triển. Nguồn nhân lực chất lượng cao có thể là những chuyên gia, nhà khoa học ở những nước tiên tiến, những người có kinh nghiệm làm việc chuyên môn có thực tế về làm giám đốc trung tâm hoặc viện trưởng để họ có thể chủ động thực hiện những chương trình, kế hoạch của mình đáp ứng đặt hàng của thành phố” - ông Rao nói.

Tại Hội nghị do Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Phạm Ngọc Thảo - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ TP Hà Nội) cũng cho rằng, riêng về chính sách thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực, Hà Nội đã thực hiện nhiều năm qua nhưng chưa hiệu quả. Do đó, cần bổ sung một số nội dung trong Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm quy định sự ràng buộc giữa quyền, trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo, từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tuyển dụng nhân tài, tránh việc lạm dụng chức quyền để tuyển dụng sai quy định và vụ lợi...

Ở góc nhìn cụ thể, luật gia Nguyễn Kim Thoa - Hội Luật gia quận Thanh Xuân đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về quy hoạch và lộ trình cụ thể theo năm để xây dựng mạng lưới các trường trung học phổ thông công lập khu vực nội thành đảm bảo một tỷ lệ nhất định. Ví dụ, 85-90% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được học ở các trường trung học phổ thông công lập.

Về vấn đề này, theo PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội thì hệ thống giáo dục công lập phổ thông phải đáp ứng được 75% nhu cầu của học sinh trong bậc trung học có nhu cầu học, có chính sách hỗ trợ để tất cả học sinh được tiếp cận giáo dục. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần đảm bảo chất lượng phòng học, xóa bỏ sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa nội và ngoại thành.

Cũng về lĩnh vực giáo dục, đóng góp ý kiến tại Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” do Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội chủ trì tổ chức, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận xét, giáo dục Thủ đô vẫn gặp không ít những khó khăn, vướng mắc và lúng túng. Mật độ di dân cơ học cao, công tác dự báo chưa chuẩn xác nên ngành giáo dục và đào tạo hằng năm phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Từ đó ông Minh kiến nghị, trong quy hoạch Thủ đô cần xác định rõ giữa việc xây dựng các khu đô thị, khu sản xuất phải đồng thời có đất cho giáo dục, y tế. Hà Nội cần bảo đảm hệ thống công lập cho mọi đối tượng trong lứa tuổi đến trường.

“Để xây dựng trường học thông minh và hạnh phúc, Luật cần làm rõ, Hà Nội được phép xây dựng hệ thống trường học quy chuẩn theo thông lệ quốc tế và có cơ chế đầu tư phù hợp; Được quyền đào tạo, tuyển dụng đội ngũ giáo viên theo yêu cầu của địa phương theo cơ chế riêng; Được quyền sắp xếp lịch học phù hợp” - ông Minh đề xuất và lưu ý, nhằm bảo đảm tính chất “đa mục tiêu” của nền giáo dục, thì không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước mà cần thực hiện giải pháp xã hội hóa.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần có điều khoản cụ thể đối với vấn đề xã hội hóa trong giáo dục, có chính sách ưu tiên, cả về đất đai, thuế và quyền tự quyết trong xây dựng mô hình, tổ chức thực hiện.

Tới nay, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp, từ những vấn đề lớn tới những vấn đề cụ thể; từ mô hình quản lý tới những vấn đề dân sinh. Hy vọng từ kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XV sắp tới, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng và Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm được thông qua.

Góp ý Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nêu lên một số vấn đề cụ thể, trong đó có vấn đề thuế sử dụng đất đối với các dự án đô thị đã được đầu tư nhưng chậm đưa vào sử dụng; Phí và lệ phí nằm ngoài Danh mục của Luật Phí và lệ phí; Tăng thuế gián thu điều tiết tiêu dùng (đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ biện pháp này khỏi đề xuất chính sách); làm rõ việc UBND cấp huyện thu thuế... VCCI cũng nêu vấn đề về cơ chế tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Theo VCCI, từng cơ quan trong bộ máy chính quyền Thủ đô cũng đã có cơ chế riêng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về vấn đề trong phạm vi quản lý. Tuy nhiên, mô hình này khó phát huy hiệu quả do chưa thực sự chuyên nghiệp, thân thiện và thiếu cơ chế giám sát việc thực hiện kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vận hội để Thủ đô cất cánh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO