Vì sao người ta bị mộng du?

MỸ HIỀN (Nguồn tham khảo: Enfant) 02/10/2015 18:36

Mộng du là hiện tượng ít gặp, tuy nhiên nó đem lại cho con người cảm giác sợ hãi và đôi khi là rất nguy hiểm, vì lúc đó người ta không kiểm soát được mình. Nhưng mộng du là gì? có phải là một loại bệnh? cách chữa trị ra sao? Xung quanh hiện tượng này là những câu chuyện rất đáng quan tâm.

Vì sao người ta bị mộng  du?

Trong lúc mộng du, người ta có thể thực hiện
những hành động mà bình thường không thể làm được

Trước kia, nhiều ý kiến cho rằng tật mộng du có liên quan đến chứng động kinh, chứng loạn thần, hoặc sinh ra do các ước muốn thầm kín của con người. Nhưng cho đến tận bây giờ, người ta vẫn không biết chính xác tại sao người nào đó lại bị mộng du. Chỉ biết rằng mộng du chỉ xảy ra ở giai đoạn ngủ sâu, lúc đó tuy bộ não không hoạt động tích cực nhưng cơ thể vẫn có thể di chuyển.

Y văn thế giới đã ghi nhận nhiều chuyện lạ lùng “trong thế giới người mộng du”.

TS Magritte Loer - một nghiên cứu gia tâm thần học người Anh kể:

- Khoảng tháng 10 năm 2008, tôi được biết trường hợp một người phụ nữ trong đêm bị mộng du đã rời khỏi giường ngủ và gửi mail cho ba người. Trong mail, cô ấy mời họ đến nhà vào ngày mai lúc 4 giờ chiều và đã sắp xếp “một cái hố địa ngục” để cùng nhau ăn tối và uống rượu, cũng không quên nhắc họ nhớ mang theo rượu vang và một ít trứng cá muối.

Vì sao người ta bị mộng  du? - 1

Bức ảnh ghép cho thấy người mộng du có thể
đi một quãng đường khá xa một cách vô thức

Hôm sau, khi mọi người đến nhà người kia, thì gia chủ vẫn “bình chân như vại” và khăng khăng rằng mình không hề gửi mail kì lạ ấy. Nhưng khi kiểm tra máy tính thì lại có thật. “Hay là ai đó đã viết đùa trong máy tính của tôi”- người đó nói. Nhưng khi việc lặp lại lần nữa thì đích thị người đó đã viết trong lúc mộng du.

Một chuyện khác. Y tá Lee Hadwin chỉ làm việc vào ban ngày, còn ban đêm- quái lạ thay- anh ta bỗng trở thành họa sĩ tranh siêu thực. Lee đã cho ra đời những bức vẽ kì lạ trong lúc ngủ. Trong một thử nghiệm, Loer đã đề nghị anh ta vẽ lại những bức tranh xuất sắc đó, thì Lee chỉ đưa ra được những bức vẽ vô hồn. “Có thể khẳng định đó không phải là hội họa”- Lee nhận xét. “Anh ta chỉ trở thành họa sĩ trong giấc ngủ, khi bị mộng du”.

Loer còn kể lại trường hợp một thiếu nữ 15 tuổi, người London đã leo lên một chiếc cần cẩu khi mộng du. Câu chuyện xảy ra cách đây 10 năm, vào trung tuần tháng 10 năm 2005. Buổi tối, cô gái vẫn ngủ bình thường trên giường, nhưng sáng dậy cô kinh hoàng khi thấy mình đang nằm trên một cái cần cẩu cao 13 mét. “Bình thường một cô gái 15 tuổi không thể nào trèo được lên độ cao đó”- Loer bình luận. “Người ta chỉ có thể làm được trong tiềm thức mà thôi”.

Cũng còn phải kể đến nhiều trường hợp mộng du đáng kinh ngạc khác. Ví dụ như trường hợp đối với diễn viên hài Mike Birbiglia, từng nhảy ra ngoài từ cửa sổ tầng hai của nhà mình. Các bác sĩ cũng xác nhận không ít phụ nữ cho biết họ đã tăng cân nhanh chóng chỉ vì trong lúc mộng du đã mò vào nhà bếp ăn rất nhiều, mà không biết mình đang ăn. Một phụ nữ tên là Denver trong lúc mộng du đã “nốc” hết 2 chai rượu nặng Chivas.

Nhà sinh học nổi tiếng người Nga I.I.Metanikov còn kể về một trường hợp mộng du không kém phần kì lạ. Đó là một nữ hộ lý 24 tuổi không ít đêm đã lang thang khắp bệnh viện. Có lần, bác sĩ trực đã chứng kiến cảnh cô gái đi lên tầng áp mái trong khi mắt vẫn nhắm nghiền và cơ thể cứng đơ. “Các cử chỉ của cô hoàn toàn tự động, hai tay thõng theo thân người, đầu cô giữ thẳng và bất động”- I.I.Metanikov mô tả.
Người ta không xác định được nguyên nhân chính xác của mộng du, nhưng một nghiên cứu ở Mỹ cho rằng có từ 1-15% trẻ bị mộng du ở mức độ khác nhau.

Hiểu đơn giản thì mộng du là tình trạng tự đi trong giấc ngủ, tiến hành một số hoạt động mà nếu thức không thể làm được. Họ có khả năng thực hiện một số hoạt động phức tạp, như di chuyển đồ đạc, leo tường, kể cả hành vi bạo lực. Trong nhiều trường hợp, mộng du có thể đột ngột kết thúc, người ta có thể trở lại giường và tiếp tục ngủ. Khi tỉnh giấc, người đó không nhớ gì về sự việc đã xảy ra.
Giới nghiên cứu cho rằng, mộng du có thể xuất hiện khi người đó thường xuyên lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, hoảng sợ; hoặc là cơ thể thiếu chất magiê, bị chứng trào ngược thực quản... Với một số người, nguyên nhân có thể do chứng rối loạn tâm thần, phản ứng với thuốc, người uống nhiều rượu, hay là thiếu máu não thoáng qua.

Vấn đề là xử lý nó như thế nào. Người ta khuyên người từng bị mộng du không nên ngủ ở nhà cao tầng để tránh nguy hiểm; cần để chuông ở cửa ra vào để báo thức cho người khác khi người mộng du mở cửa. Trong một số trường hợp có thể sử dụng thuốc an thần nhóm benzodiazepin, thuốc chống trầm cảm. Để cải thiện tình hình, giới y học khuyên rằng:

- Cần chú ý đến giấc ngủ và tạo cho mình thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày.
- Hãy thư giãn trước khi đi ngủ, có thể tắm nước ấm hoặc đọc vài trang sách.
- Tạo một môi trường an toàn, đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ.
- Để chuông đồng hồ báo thức vào những giờ có thể mình từng bị mộng du.


Làm gì khi trẻ mộng du?

Trẻ em từ 4 đến 12 tuổi có thể bị mắc chứng bệnh mộng du. Mộng du thường xảy ra từ 1 đến 3 giờ sau khi ngủ, lúc đó trẻ đã bước vào giai đoạn ngủ sâu. Không nên đánh thức khi trẻ mộng du mà cần cầm tay trẻ đưa trở lại vào phòng. Nếu trẻ thức dậy, đừng nói gì nhiều vì trẻ nói chuyện, trả lời lúc này sẽ không mạch lạc. Hạn chế trẻ bị mộng du thì có thể khuyến khích trẻ ngủ một giấc ngắn vào buổi chiều, không ép trẻ làm bài tập quá nhiều hay xem tivi quá muộn, tránh xem những chương trình bạo lực hay tác động mạnh vào cảm xúc...

Vì sao người ta bị mộng  du? - 2

Hình minh họa

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao người ta bị mộng du?