Trong phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao 29 hôm 22/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói nhiều đến những nhiệm vụ của ngành ngoại giao trong việc góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Thực tế, so với Hội nghị Ngoại giao 28, tình hình thế giới và khu vực có chiều hướng diễn biến ngày càng mau lẹ. Thuận lợi và thách thức đan cài hết sức chặt chẽ. Vì thế, mục tiêu đối ngoại góp phần tạo dựng được môi trường hòa bình ổn định của đất nước để phát triển; đồng thời bảo vệ được vững chắc độc lập chủ quyền đóng góp vào việc xây dựng đất nước ta thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; xây dựng được vị thế vững mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế là mục tiêu cao nhất và đòi hỏi những cách đi sáng tạo của người làm ngoại giao.
Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế nước ta vừa phải giải quyết những vấn đề trước mắt đồng thời phải đối mặt với những biến chuyển hết sức sâu rộng trong nền kinh tế thế giới. Nếu không vượt qua được những thách thức mới mẻ và phức tạp này thì nguy cơ tụt hậu sẽ càng lớn hơn. Đóng góp của ngoại giao chính là đóng góp để giải quyết những vấn đề có tầm quan trọng chiến lược đó.
Ngày nay, chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước, thể hiện trong việc ký kết được nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trách nhiệm nặng nề là ở chỗ làm sao đưa các hiệp định đã ký kết vào cuộc sống theo tinh thần đem lại lợi ích cao nhất cho đất nước, hạn chế đến mức tối đa tác động bất lợi từ những thách thức có thể nẩy sinh. Vậy là, ngoại giao phải phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan, tích cực, chủ động mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác thương mại, đầu tư, du lịch với chất lượng cao, góp phần thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ngoại giao cần có các biện pháp thiết thực giúp đỡ các ngành, địa phương, nhất là các doanh nghiệp, trong việc mở rộng hợp tác với bên ngoài nhằm tiêu thụ hàng hoá, tranh thủ vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý. Đó chính là cách nâng tầm giá trị của hàng hóa Việt trên trường quốc tế; từ đó nâng tầm vị thế quốc gia.
Ngay trong các trao đổi bên lề Hội nghị, nhiều đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cho biết: Họ đang cố gắng xúc tiến các hoạt động quảng bá cho hàng hóa; đặc biệt là hàng nông sản Việt Nam. Xúc tiến quảng bá du lịch; tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư về nước hoặc ra ngoài biên giới lãnh thổ Việt Nam cho các DN Việt. Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ là rất lớn; nhưng nhiều năm nay vẫn chỉ ở dạng tiềm năng. Đương nhiên, có nhiều lý do: chủ quan có mà khách quan cũng có. Về phần khách quan, nếu các nước bạn bè còn ít biết đến Việt Nam thì cơ quan đại diện ngoại giao sẽ tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng mọi mặt của đất nước đến bè bạn. Điều này, ĐS Việt Nam tại Nhật Bản, Mỹ, CHLB Đức và nhiều nước khác đã khẳng định đã và sẽ tăng cường các hoạt động thiết thực. Nhưng về phía chủ quan, bản thân các DN Việt Nam cũng cần nỗ lực hơn; cần có những đặt hàng cụ thể với từng thị trường, từng cơ quan đại diện.
Cùng với phát triển kinh tế, trong 5 năm vừa qua chúng ta đã hội nhập trên tất cả các lĩnh vực. “Không chỉ thể hiện qua việc ký kết rất nhiều Hiệp định thương mại tự do, chúng ta cũng tham gia vào những lĩnh vực trước nay chưa từng tham gia như hợp tác quốc phòng-an ninh, lần đầu tiên tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình. Chúng ta cũng đóng vai trò quan trọng trong các cơ chế của LHQ, là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, ECOSOC, đóng vai trò tích cực trong ASEAN… Đó là những thành tựu hết sức nổi bật trong lĩnh vực đối ngoại.”- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nêu những đóng góp của ngành ngoại giao trong những năm qua.
Việc tham gia và trở thành thành viên tích cực, chủ động trong các cơ chế đa phương đã chứng tỏ hai điều. Thứ nhất, Việt Nam đã ngày càng được bè bạn quốc tế đánh giá cao và tin tưởng. Thứ hai, bản thân Việt Nam đã thực sự trở thành một phần không thể thiếu của các cơ chế đa phương. Nó cũng đồng thời cho thấy khi thực lực được nâng lên, vị thế cũng được nâng lên và đó là sự lòng tin mà bạn bè trao gửi cho chúng ta.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của ngoại giao trong thời điểm này. Tưởng chừng, mục tiêu ấy không có mối liên hệ nào với vị thế Việt Nam nhưng trái lại nó lại gắn bó mật thiết, tác động lẫn nhau đó là việc: Giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; là tư tưởng của ông cha ta: “giữ nước từ xa”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.
Trong một thế giới mà các mối quan hệ đan cài chặt chẽ, ở cái thời buổi “người khôn của khó” sẽ rất khó khăn cho một sự tốt lỏi nào đó. Chính vì thế mà đóng góp phát triển các mối quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống, nâng cao vai trò trung tâm của Cộng đồng ASEAN chính là một cách khác góp phần nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành ngoại giao “cũng cần đi đầu phối hợp với đối ngoại nhân dân và các ngành văn hoá, nghệ thuật, thông tin, truyền thông, phát huy có hiệu quả nhất lợi thế sức mạnh mềm của đất nước, bắt đầu từ văn hoá. Với văn hoá, không có sự cao thấp, chỉ có sự đa dạng. Sức mạnh mềm của Việt Nam được thể hiện trước hết ở sức hấp dẫn, toả ra từ các giá trị văn hoá bao gồm các giá trị vật thể và phi vật thể, giá trị tinh thần và giá trị con người Việt Nam. Chúng ta phải phát huy được những giá trị đó để tạo nên “thương hiệu” cho quốc gia, có sức thu hút thế giới bên ngoài, góp phần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, sự tự tin trong giao tiếp và quảng bá rộng rãi giá trị văn hoá của Việt Nam ra thế giới”- Tổng Bí thư chỉ đạo.
Một thế giới đầy biến động, đất nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, đồng thời cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, hoạt động đối ngoại cần phải là một phương thuốc hoà bình hữu hiệu thu hẹp bất đồng, ngăn chặn xung đột, gia tăng hợp tác, mở đường cho những giải pháp.
70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động đối ngoại đã làm nên nhiều thành tích vẻ vang, xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” - mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người,... thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam. Và nhất là tạo dựng được vị thế đất nước trên trường quốc tế.