Chính trị

Vị thế Việt Nam

Đại sứ PHẠM QUANG VINH (Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) 10/02/2024 01:29

Trong năm 2023, đối ngoại Việt Nam được triển khai chủ động, mạnh mẽ và tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó có những thành tựu mang tính lịch sử, một loạt hoạt động với các đối tác chủ chốt, các nước lớn giúp Việt Nam có một môi trường và một vị thế chiến lược mới rất thuận lợi cho hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển.

1(1).jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón cấp Nhà nước Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Việt Nam, từ ngày 10-11/9/2023. Ảnh: TTXVN.

Nhìn lại năm 2023 cho đến nay có thể thấy, thế giới và khu vực vẫn có những bất ổn, thách thức khó lường.

Sau đại dịch Covid-19, thế giới đã có sự phục hồi dù còn nhiều yếu tố bất ổn. Cạnh tranh giữa các nước lớn rất phức tạp, trong đó vừa phân tuyến về cạnh tranh địa chính trị; nhưng cũng đồng thời đứt gãy các chuỗi cung ứng khi các nước phải điều chỉnh các chính sách kinh tế.

Các cuộc khủng hoảng về an ninh bùng nổ, xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn. Cuối năm 2023, bùng phát xung đột ở Trung Đông, dải Gaza càng làm gia tăng thêm những bất ổn. Các thách thức an ninh phi truyền thống “ngày càng cấp bách” và trực tiếp gây rủi ro đối với môi trường sinh sống, phát triển của mỗi quốc gia.

2(5).jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân chủ trì Lễ đón cấp Nhà nước Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân thăm Việt Nam, từ ngày 12-13/12/2023.

Trong bối cảnh đó, nhìn lại đối ngoại trong năm 2023, thấy rằng ta đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Một là đã chủ động tiến hành một loạt các hoạt động dồn dập ở nhiều khu vực trên thế giới ở cả kênh song phương và đa phương, mở rộng với các đối tác, các khu vực. Chúng ta đã chủ động cử hơn 40 đoàn công tác, đồng thời đón gần 50 đoàn của các nước đến Việt Nam, mở ra những cơ hội để thúc đẩy, tăng cường hơn nữa quan hệ với các đối tác, tạo nên môi trường thuận lợi trong hợp tác cũng như khẳng định vị thế của Việt Nam.

Năm 2023, hoạt động đối ngoại của Việt Nam tiếp tục được tăng cường, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu và khu vực. Trong năm 2023, chúng ta tham gia cả các vị trí lãnh đạo như tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Ban Chấp hành UNESCO, Ủy ban Di sản phi vật thể của UNESCO, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tất cả đã giúp cho Việt Nam tham gia vào xây dựng chương trình hành động, hoạch định chính sách của các tổ chức quốc tế, đồng thời thể hiện trách nhiệm Việt Nam trong giải quyết các vấn đề quốc tế bao gồm cả những vấn đề an ninh phi truyền thống như: môi trường, biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, giải quyết các cuộc xung đột ở các khu vực, Trung Đông, châu Phi, Ukraine.

Hai là, đối ngoại tập trung rất nhiều vào việc tranh thủ nguồn lực để phát triển, trong đó có mục tiêu ngắn hạn nhằm phục hồi và ổn định nền kinh tế sau quá trình dài đóng cửa phong tỏa, phòng chống dịch. Từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Việt Nam đã nối lại các chuỗi cung ứng đồng thời tranh thủ phát huy quan hệ với các đối tác kinh tế quan trọng như: châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ, nhất là các hiệp định FTA. Trên thực tế các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam dù bị ảnh hưởng trong đại dịch do các đối tác đều có khó khăn kinh tế nhưng cơ bản chúng ta đã đạt được những mục tiêu đề ra cho các hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại trong năm 2023.

Ba là, trong năm 2023, tổng xuất nhập khẩu Việt Nam đạt được 700 tỷ USD. Như vậy chỉ giảm khoảng 5-6%, độ phục hồi trở lại như trước đại dịch (khoảng 730 tỷ USD). Đây là sự nỗ lực rất lớn khi các nền kinh tế lớn đều bị ảnh hưởng nhưng Việt Nam vẫn giữ được tỷ lệ xuất nhập khẩu lớn, gần đạt mục tiêu đề ra. Tiếp tục tăng cường, tranh thủ các FDI, 36,6 tỷ USD là tổng vốn FDI mà Việt Nam tranh thủ được trong năm 2023, trong đó có hơn 20 tỷ USD là đăng ký mới. Đây cũng là thành tựu rất lớn trong tranh thủ nguồn lực để phục vụ cho phục hồi và phát triển.

Bốn là, trong năm 2023, Việt Nam tranh thủ và tham gia vào các chuỗi cung ứng, sáng kiến để có thể phát triển cao hơn, chất lượng hơn và bền vững hơn. Đây là việc rất quan trọng, phục vụ cho mục tiêu lâu dài của Việt Nam, định hướng phát triển đưa nền kinh tế lên mức cao hơn, hướng tới khát vọng một nước phát triển vào năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Việt Nam đã và đang tranh thủ tối đa những FTA thế hệ mới, trong đó có FTA với châu Âu, EVFTA, với châu Á là RCEP và CPTTP…

Năm là, nếu soi lại những tuyên bố, thỏa thuận của Việt Nam với các nước; đặc biệt trong mấy tháng cuối năm có những đối tác mà ta nâng cấp quan hệ như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ đều nhấn rất mạnh đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi sạch, chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển ở chất lượng cao hơn và bền vững hơn. Dù chỉ một năm sau bước ra khỏi đại dịch nhưng Việt Nam đã làm được nhiều việc rất lớn.

Một đột phá lớn của Việt Nam trong năm 2023, đó là chúng ta đã tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác chủ chốt, những đối tác có thể tác động rất lớn đối với môi trường hòa bình, an ninh phát triển của Việt Nam.

Những đột phá này có thể nhấn mạnh bằng việc đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Việt Nam - Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và làm sâu sắc thêm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản. Tạo ra hệ thống các đối tác bao gồm 30 đối tác toàn diện và chiến lược, trong đó có 6 Đối tác chiến lược toàn diện gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Qua đó tạo cho Việt Nam vị thế chiến lược mới, tạo thuận lợi cho hợp tác phát triển của Việt Nam cả về kinh tế lẫn an ninh hòa bình, cũng như phát huy vị thế của Việt Nam. Đây là những đột phá chiến lược rất quan trọng.

Bước vào năm 2024, chúng ta cần phát huy chủ trương chính sách đối ngoại của mình là độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn với tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Năm 2024 tình hình thế giới dự đoán có những bất ổn và thách thức ở phía trước vẫn còn nhiều. Những thỏa thuận đạt được, thành tựu đạt được trong năm 2023 là “bước đà” tốt nhưng đòi hỏi trong năm 2024 phải triển khai thực hiện hiệu quả.

Năm qua chúng ta có nhiều thỏa thuận kinh tế đã được ký kết, do đó cần phải triển khai trên thực tế. Trong tuyên bố chung với Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ đều có những dự án lớn cần thực hiện sao cho thật hiệu quả.

VIỆT THẮNG (ghi)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Cần tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể là, phải có chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, ráo riết, có kết quả cụ thể các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về vấn đề này, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, ngày 3/1/2023)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị và hợp tác
Từ truyền thống và triết lý của dân tộc mình, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới, Việt Nam xác định và nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Cùng với đó, chúng tôi thực hiện đường lối quốc phòng "bốn không" là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
(Trích phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ - CFR ngày 15/11/2023 tại San Francisco, giờ địa phương, trong chương trình tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân vào thành tựu chung là rất lớn
Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, chiến lược, khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tiến trình phát triển đất nước, trong đó nổi bật là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X, Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết 20 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về kinh tế tập thể; Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam; Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân vào thành tựu chung của đất nước là rất to lớn và hết sức quan trọng; khẳng định được vai trò và vị trí, góp phần làm vững chắc thêm nền tảng cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.
(Trích phát biểu kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc đối thoại với nông dân chiều 30/12/2023)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Quốc hội yêu cầu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; vừa chú trọng giải quyết các khó khăn, tháo gỡ các vướng mắc trước mắt vừa phải bám sát các mục tiêu, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế, trên cơ sở thúc đẩy các đột phát chiến lược. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh, gắn với nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.
(Trích phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ngày 29/11/2023)

HOÀI VŨ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vị thế Việt Nam