Theo tin từ Cục Phòng chống HIV/AIDS, ngày 8/6, Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm dẫn đầu sẽ tham dự Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng LHQ nhằm kết thúc đại dịch AIDS, diễn ra từ ngày 8 đến 10/6 tại trụ sở LHQ, New York, Hoa Kỳ.
Tại hội nghị, các quốc gia thành viên LHQ sẽ thảo luận, đi đến thống nhất về một bản Tuyên bố Chính trị trong đó nhấn mạnh: Dồn tổng lực cho phòng, chống AIDS trong 5 năm tới để đạt được mục tiêu 90-90-90 (Mục tiêu 90-90-90 là phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định).
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, tính đến năm 2015, Việt Nam ước tính có hơn 250.000 người nhiễm HIV còn sống. Số nhiễm HIV giảm gần 2/3 so với mức đỉnh điểm vụ dịch vào năm 2007.
Tính đến cuối năm 2015, đã có tới hơn 105.000 người nhiễm đã được điều trị ARV - tăng gấp 30 lần so với năm 2005, tuy nhiên số này mới chỉ chiếm 46% tổng số người nhiễm HIV tại Việt Nam. Việt Nam cũng đã thí điểm và triển khai nhiều sáng kiến mới như “Điều trị 2.0” thông qua việc đơn giản hóa, phân cấp điều trị ARV và đưa xét nghiệm HIV xuống cộng đồng do chính các tổ chức dựa vào cộng đồng thực hiện.
Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu thực hiện những sáng kiếm mới trong phòng, chống HIV khi nhiều quốc gia khác còn chưa áp dụng. Tăng cường công tác xét nghiệm phát hiện HIV đồng thời mở rộng điều trị ARV sẽ là động lực to lớn thúc đẩy tiến độ chấm dứt đại dịch AIDS tạiViệt Nam, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bên cạnh đó dự phòng lây nhiễm HIV và xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV cũng là những mục tiêu quan trọng cần phải thực hiện. Những nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV và chịu ảnh hưởng của HIVnhư người tiêm chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, người bán dâm, và bạn tình của những người này cần được tiếp cận một cách dễ dàng tới các dịch vụ phòng, chống HIV có chất lượng và các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội khác mà không bị kỳ thị và phân biệt đối xử.