Không còn được như những năm trước, gần đây, thị phần cá tra Việt Nam trên thế giới đang có xu hướng giảm dần. Nguyên do là bởi, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của ngành cá tra tại một số nước như Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh...Những quốc gia này hiện đang chiếm khoảng 15 - 20% thị phần.
Ở một diễn biến khác, theo đúng như dự đoán của giới chuyên gia trong ngành, ngành cá tra tại Trung Quốc hiện phát triển khá mạnh mẽ. Số liệu thống kê cho biết, hiện có khoảng 20 nhà máy chế biến cá tra tại khu vực phía Nam Trung Quốc, ước tính sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn/năm. Tuy con số này chưa phải là lớn song, càng ngày, xu hướng phát triển ngành cá tra của nước này càng mạnh mẽ. Điều này cũng có nghĩa, ngành cá tra Việt Nam sẽ thêm một đối thủ “đáng gờm”, nhất là khi sản lượng xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc không phải con số nhỏ.
Câu chuyện cá tra Việt Nam ngày càng đối mặt với cạnh tranh đã được cảnh báo từ lâu. Song, đến thời điểm này thực sự không còn chỉ là cảnh báo. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra rõ ràng đang phải đối đầu với những đối thủ mạnh, và áp lực cạnh tranh thực sự rất lớn. Nói về vấn đề cạnh tranh của con cá tra nước nhà, Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng như Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) lưu ý, để vượt qua những thách thức, bước qua rào cản nói trên, vấn đề của ngành cá tra nước nhà không phải là mở rộng diện tích, thúc đẩy sản lượng, thay vào đó cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, như đã khuyến cáo từ trước đó, ngành cá tra không được lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường duy nhất. Và trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, các doanh nghiệp ngành này cần đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm thực sự nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như giá trị cho sản phẩm cá tra. Có như vậy, câu chuyện giữ vị trí “top đầu” về xuất khẩu cá tra mới có thể được viết tiếp…